Vẫn còn nhiều nghi ngại về AMC

Theo các chuyên gia của HSBC, đa phần tình trạng bất ổn kinh tế gần đây của Việt Nam bắt nguồn từ quá trình tự do tín dụng của khu vực nhà nước trong thập kỷ trước và lĩnh vực tài chính non trẻ bị gánh nặng nợ xấu dồn ép.

Báo cáo của HSBC cũng nhận định việc phê duyệt dự án thành lập Công ty Quản lý Tài sản AMC là một trong những sáng kiến ​​quan trọng của Chính phủ để cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 254, một nỗ lực để tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, việc nguồn vốn của AMC còn rất hạn chế làm tăng nghi ngại về tính hiệu quả của công ty, cũng như đòi hỏi phải có giám sát chặt chẽ trong quá trình hoạt động.

Trong bản báo cáo của mình, HSBC cũng không quên đề cập tới những thay đổi nhân sự quan trọng trong Đảng và Chính phủ Việt Nam. Đó là việc bầu bổ sung 2 ủy viên Bộ Chính trị và một Bộ trưởng Tài chính mới.

“Việc bổ nhiệm những vị trí mới này cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị đã sẵn sàng đối mặt với những cải cách nghiêm túc ở Việt Nam bằng việc bầu chọn những người quản lý giàu kinh nghiệm và có khả năng”, báo cáo nhấn mạnh.

Năm 2013: Nền kinh tế thiếu sức sống

Những chỉ số kinh tế của tháng 5 đều hướng đến một nền kinh tế thiếu sức sống cho năm 2013 với tăng trưởng chỉ khoảng 5% (so với mức trung bình của những năm trước là 7%). Cụ thể:

- Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC đã trở lại ngưỡng dưới 50 điểm (biểu đồ 3) do nhu cầu yếu kém trong nước ảnh hưởng. Ngay cả chỉ số phụ nhân công việc làm vốn rất tốt trước nay cũng đã xuống dưới 50 điểm, chứng tỏ triển vọng tăng trưởng rất khó khăn trong những tháng sắp tới.

Sản lượng sản xuất sụt giảm đã xuất hiện ngay cả khi nhu cầu bên ngoài khá mạnh. Chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng cao từ mức 50,1 điểm của tháng 4 lên mức 51,3 điểm trong tháng 5. Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ mạnh mẽ trở lại và tăng trưởng Nhật Bản đang dần phục hồi đã hỗ trợ cho nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam.

“Nhưng, lực đẩy này dường như không thể bù đắp cho sự yếu kém của nhu cầu nội địa”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Tuy vậy, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam lại là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thiếu sức sống. Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đăng ký FDI đã đạt con số 5,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất, cung cấp nhiều nguồn lao động và đầu tư trong thời điểm tình hình tài chính - tiền tệ đầy khó khăn và nhu cầu nội địa yếu kém.

Trong khi tình hình nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn tốt, thì nhập khẩu hàng hoá thành phẩm tiếp tục giảm phản ảnh tiêu dùng kém. Với khả năng tiêu thụ và mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu nước ngoài giảm thì thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay của Việt Nam đã cải thiện nhẹ chỉ còn 1,9 tỷ USD.

Dòng tiền chuyển vào mạnh và chi phí nhập khẩu giảm đã thúc đẩy tài khoản vãng lai của Việt Nam trong năm 2013 đem lại một môi trường kinh tế vĩ mô mạnh khoẻ hơn.

Lạm phát toàn phần tiếp tục giảmnh

Theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, lạm phát toàn phần tiếp tục giảm nhờ vào giá thực phẩm yếu hơn và giá cả một số mặt hàng cơ bản cũng giảm từ mức 6,6% trong tháng 4 xuống còn 6,35% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về tính liên tục, giá cả toàn phần đã giảm từ mức 0% trong tháng 4 xuống còn âm 0,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ tháng trước. Lạm phát thực phẩm đã giảm từ mức 1,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,5% trong tháng 5. Giá thực phẩm đã giảm liên tục trong ba tháng qua phản ánh nguồn cung thừa trong khi nhu cầu lại yếu kém.

Lạm phát cơ bản đã chậm lại từ mức 12,1% trong tháng 4 còn 11% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh theo tháng, lạm phát cơ bản có yếu tố điều chỉnh mùa vụ vẫn giữ nguyên trong tháng 5 ở mức 0% so với mức 0,6% trong tháng 4.

Hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2013

Với mức phục hồi tăng trưởng chậm, HSBC điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2013 từ mức 5,5% trước đây xuống còn 5,1%.

Nguyên nhân là do sự yếu kém của giá cả hàng hoá, cùng với việc thắt chặt tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng thấp đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động trong nước. Điểm sáng FDI vẫn chưa đủ để hỗ trợ nền kinh tệ đạt được mức tăng trưởng 7% trước đây.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 là 6% và chỉ số lạm phát sẽ là 7%.

“Liệu Chính phủ có thành công trong việc đạt được những mục tiêu tham vọng đó hay không còn phụ thuộc vào khả năng phá băng hệ thống ngân hàng vốn bị nợ xấu ảnh hưởng”, báo cáo khẳng định./.