VRDF được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018

Nhìn lại chặng đường từ Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ đến Diễn đàn Phát triển Việt Nam

Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần đầu tiên tổ chức vào năm 1993 tại Paris. Từ đó đến năm 2011, thành thông lệ hàng năm, Hội nghị CG cuối kỳ tổ chức vào tháng 12 thường công bố con số cam kết tài trợ ODA của các nhà tài trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ hội nghị CG 2012 đã không còn phần công bố trên.

Về lý do không công bố nữa, theo đại diện World Bank, hội nghị CG từ năm 2012 sẽ không còn là nơi huy động viện trợ nữa, mà là cơ hội để các bên cùng nhau đối thoại về chính sách, trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Không như trước đây, hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đã biết rõ hơn về Việt Nam và ngược lại. Do đó, giữa Việt Nam và nhà tài trợ có thể bàn thảo về phương thức hợp tác vào bất cứ khoảng thời gian nào, thay vì đưa ra một con số vào mỗi cuối năm.

Bởi, đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề con số không còn mục tiêu lớn nhất nữa. Điều quan trọng là sau cuộc họp, các bên tìm ra được giải pháp để giải quyết những thách thức mới đặt ra.

Trên tinh thần đó, từ năm 2013, Hội nghị CG cũng sẽ đổi tên thành Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (gọi tắt là VDPF). Hội nghị này là một bước thay đổi về chất sau 20 năm tiến trình CG phát triển. Sự thay đổi này cũng là bước ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo…, mà Việt Nam đã đạt được. Việc Việt Nam không còn hưởng các nguồn vốn ưu đãi và tăng các nguồn vốn thương mại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình nhiều hơn trước.

VDPF là một cơ chế cấp cao đóng vai trò là một nền tảng chủ yếu cho đối thoại chính sách phát triển giữa Chính phủ tất cả các đối tác phát triển. Mỗi năm một lần, Chính phủ và các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước, khu vực tư nhân (trong trường hợp cần thiết) và các chủ thể phát triển khác sẽ gặp nhau, cùng nhau đối thoại một cách cởi mở, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển và cải thiện đời sống người dân Việt Nam.

Với mục tiêu như thế, VDPF tập trung thảo luận, đối thoại về từng vấn đề theo chủ điểm và theo ngành, những lựa chọn chính sách cho Việt Nam hay những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển tại các VDPF 2013-2015 trên thực tế đã tác động tới tư duy, chính sách của Việt Nam, đưa ra những chính sách tốt hơn, hài hòa với khu vực, quốc tế và mang tính cạnh tranh cao hơn.

Chính phủ Việt Nam sử dụng VDPF như một kênh thông tin giúp đối tác phát triển có cái nhìn tổng thể về Việt Nam để có sự hỗ trợ phù hợp hơn, để những hỗ trợ của các đối tác phát triển gắn kết với nhau hơn, tạo thành chuỗi, tác động tốt hơn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Diễn đàn còn là nơi Chính phủ Việt Nam học tập, tham khảo ý kiến của các quốc gia, đối tác phát triển, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình, góp phần minh bạch hơn. VDPF hỗ trợ quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.

Trên bước đường phát triển của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất từ năm 2016, Diễn đàn có tên gọi mới là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) thay cho tên cũ là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Và Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) - bước chuyển lớn về chất

Sau 2 năm tổ chức VDF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đối tác phát triển đã chuyển đổi VDF trở thành Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF).

Tại VRDF đầu tiên, được tổ chức năm 2018, đại diện của WB tại Việt Nam đã chia sẻ rất thật lòng rằng: “…hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm: dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn. Khi giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này ở trong nước, Việt Nam cũng sẽ cần phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.

Trong bối cảnh mới, VRDF là sự chuyển biến về chất, là diễn để các đối tác phát triển, các chuyên gia, đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông … cũng như các tổ chức/cá nhân liên quan, quan tâm đến sự phát triển của đất nước trao đổi, thảo luận. Từ đó, tìm kiếm và đề xuất các giải pháp, các hành động cụ thể thông qua các cơ quan tổ chức diễn đàn (là cơ quan hoạch định chính sách) để chuyển hóa nhanh nhất thành các hành động chính sách cải cách của Chính phủ.

Diễn đàn được tổ chức với tư tưởng xuyên suốt là “Cải cách” và “Phát triển”. Theo đó, tập trung vào những vấn đề “nóng bỏng” cần phải giải quyết bằng các biện pháp mới có tác động sâu rộng, liên tục và lâu dài tới sự phát triển đất nước.

Mỗi một kỳ diễn đàn phải có được những đề xuất cụ thể cho sự điều chỉnh (cải cách) chính sách của Chính phủ và cung cấp được thông tin đến với các chủ thể phát triển của đất nước để có được sự đồng thuận và các chủ thể có lựa chọn phát triển của mình.

Bước sang năm thứ 2 của VRDF, mục tiêu và cách thức hoạt động cũng có những chuyển đổi để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai (VRDF) vào ngày 19/9 tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự và chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn.

Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”, VRDF 2019 sẽ tập trung thảo luận về hai vấn đề, là Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài hai phiên thảo luận này, sẽ có một phiên toàn thể với chủ đề Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Tại phiên toàn thể này, các diễn giả sẽ chia sẻ về các vấn đề liên quan đến Kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo và khuyến nghị cho Việt Nam; Tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam; và Định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chính của Diễn đàn là nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trao đổi, thảo luận về các bài học thành công và thất bại của các quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam, qua đó đóng góp cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021 và nhất là đóng góp cho xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Đây là lần thứ hai, VRDF được tổ chức, tiếp nối kỳ VRDF năm ngoái, với các nội dung bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt bẫy thu nhập trung bình trong thời đại 4.0…/.