Từ CG năm 2012, phần công bố con số cam kết tài trợ ODA của các nhà tài trợ đã không còn

Từ CG đến VDRF, vị trí của Việt Nam đang dần được nâng cao

Trải qua 20 hội nghị CG, rồi 3 hội nghị VDPF, tiếp đến là 2 lần hội nghị VDF và năm 2018 chính thức chuyển thành VDRF, đất nước Việt Nam đang ngày càng phát triển, bước lên những nấc thang mới, cao hơn, vững chắc hơn.

Nếu hội nghị CG thường tổ chức vào tháng 12 hàng năm, nhằm công bố con số cam kết tài trợ ODA của các nhà tài trợ, thể hiện vị trí nhận của Việt Nam, với vị thế là nước kém phát triển, thì bắt đầu từ CG năm 2012 phần công bố trên đã không còn.

Điều này dễ hiểu, bởi năm 2011, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo để gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Việc vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm đánh dấu một bước phát triển mới của Việt Nam.

Đất nước đổi thay, vững bước phát triển, vì thế, những con số của nhà tài trợ không còn mục tiêu lớn nhất của Hội nghị nữa, mà điều quan trọng là sau đó, các bên tìm ra được giải pháp để giải quyết những thách thức mới đặt ra.

Cũng chính vì lẽ đó, từ năm 2013, Hội nghị CG cũng sẽ đổi tên thành Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (gọi tắt là VDPF). Sự thay đổi này cũng là bước ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo…, mà Việt Nam đã đạt được.

Việc Việt Nam không còn hưởng các nguồn vốn ưu đãi và tăng các nguồn vốn thương mại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình nhiều hơn trước.

Thực tế, từ 2013-2015, Chính phủ Việt Nam sử dụng VDPF như một kênh thông tin giúp đối tác phát triển có cái nhìn tổng thể về Việt Nam để có sự hỗ trợ phù hợp hơn, để những hỗ trợ của các đối tác phát triển gắn kết với nhau hơn, tạo thành chuỗi, tác động tốt hơn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên bước đường phát triển của đất nước, năm 2016, VDPF có tên gọi mới là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), thể hiện rõ ràng và mãnh liệt rằng, Việt Nam đang phát triển và tự đứng vững trên đôi chân của mình, với sự đồng hành của bạn bè quốc tế.

Sau 2 năm tổ chức VDF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất chuyển đổi VDF trở thành Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), mở ra hành trình mới của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2018, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất được tổ chức thay thế VDF/ Ảnh: Lê Tiên

Và, hành trình mới mang tên VRDF

Trong bối cảnh mới đầy thách thức hiện nay, khi những thành tựu trong quá khứ không thể đảm bảo cho sự thành công trong tương lai, Việt Nam cần có những đối sách mới để vượt qua khó khăn.

Để đáp ứng kỳ vọng, bắt đầu tư năm 2018, VRDF được tổ chức với tư tưởng xuyên suốt là “Cải cách” và “Phát triển”. Theo đó, tập trung vào những vấn đề “nóng bỏng” cần phải giải quyết bằng các biện pháp mới có tác động sâu rộng, liên tục và lâu dài tới sự phát triển đất nước.

Mỗi một kỳ diễn đàn phải có được những đề xuất cụ thể cho sự điều chỉnh (cải cách) chính sách của Chính phủ và cung cấp được thông tin đến với các chủ thể phát triển của đất nước để có được sự đồng thuận và các chủ thể có lựa chọn phát triển của mình.

Có thể nói, VRDF được tổ chức thể hiện sự chủ động, bình đẳng của Việt Nam trong mối quan hệ với các đối tác phát triển. Ban đầu là nhà tài trợ, rồi trở thành đối tác phát triển và giờ đây là đối tác không chỉ trong quá trình phát triển, mà là cả sự đồng hành trong quá trình cải cách của Việt Nam.

Cũng chính bởi vậy, VRDF thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước và cả khu vực tư nhân.

Bước sang năm thứ 2 của VRDF, mục tiêu và cách thức hoạt động của Diễn đàn cũng có những chuyển đổi để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Chia sẻ trước thềm VRDF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ những suy tư về sự phát triển của đất nước trước thềm VDRF 2019/ Ảnh: Hiếu Công

Thành quả quan trọng nhất của hơn 30 năm Đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng cũng đang chuyển dần sang giai đoạn già hoá dân số.

Các nhận định chung từ các tổ chức quốc tế các chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới đều đánh giá sự phát triển của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Với các kết quả được thế giới ghi nhận, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi, mà Việt Nam hiện ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

VRDF 2019 tổ chức vào ngày 19/9 tới đây, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sẽ có chủ đề mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Mục tiêu chính của Diễn đàn là nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trao đổi, thảo luận về các bài học thành công và thất bại của các quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam, qua đó đóng góp cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021 và nhất là đóng góp cho xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Đó cũng là lý do vì sao VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn năm 2018.

Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn

Bối cảnh diễn ra VRDF 2019 cũng có nhiều thay đổi, tính bất định của kinh tế thế giới ngày càng cao. Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn. Do đó, cần quan sát các xu hướng lớn toàn cầu trong dài hạn và phải tính được tác động tới Việt Nam mặc dù càng ngày càng rất khó dự báo.

Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế thế giới sẽ giảm tốc trong 10 năm tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là xu thế không đảo ngược được vì mang tính chu kỳ lịch sử. Những dấu hiệu dễ nhận ra là GDP toàn cầu giảm tốc, thương mại toàn cầu giảm tốc gấp 3 lần GDP, thu hút FDI giảm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, không phải cứ giảm tốc là bất lợi.

Việt Nam nếu có ứng xử một cách khôn khéo sẽ ít chịu tác động từ sự giảm tốc. Chính trong giai đoạn này, đòi hỏi Việt Nam cần tranh thủ cơ hội, cần cơ cấu lại và cải cách mạnh hơn”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống.

“Cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Ảnh đồ họa: Zing.vn

Dẫn nhận định của GS. Thomas Vallely, Trường Harvard Kennedy School (Mỹ), cho rằng sinh viên giỏi là “mỏ vàng” của Việt Nam, với khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư cho giáo dục, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng sáng tạo, cảm xúc xã hội trong hệ thống giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo dữ liệu của UNDP, Việt Nam chỉ dành 0,19% GDP trong khi Trung Quốc là 2% GDP, Nhật 3%, Mỹ hơn 3% cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay, nền thương mại toàn cầu dựa trên vật liệu chuyển sang nền thương mại thông tin và dữ liệu. Rõ ràng là, điều này tác động trực tiếp đến năng suất.

Vấn đề là chúng ta có chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới hay không? Chúng ta cần phải lắng nghe để khắc phục những lỗ hổng còn thiếu trong chính sách và những vấn đề liên quan”, Bộ trưởng chia sẻ.

Khác với lần trước, VRDF 2019 sẽ có sự tương tác mạnh giữa các diễn giả chính (keynote speakers), người thảo luận (panelists) với các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ban tổ chức kỳ vọng đây là sự kiện quan trọng giúp Việt Nam tham vấn các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước về con đường phát triển trong thời gian tới.

Chỉ khi chọn được con đường đi đúng và có những hành động đúng, Việt Nam mới có thể đi đến thịnh vượng sớm nhất. Như Wold Bank đã khuyến nghị, bây giờ hoặc không bao giờ, đây là lúc Việt Nam tự quyết định tương lai của mình một cách chủ động, để đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên”, Bộ trưởng mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng hy vọng, tại Diễn đàn này, tất cả sẽ thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đổi mới, cải cách và phát triển của đất nước, thông qua các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, các hành động cụ thể, dựa trên các nghiên cứu thực chứng, khoa học, kinh nghiệm quốc tế và trong nước phù hợp, giúp Việt Nam hoàn thiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm tới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng, với các thành tựu được thế giới ghi nhận, giờ đây, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi mà còn ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

Đó là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với thế giới, từ câu chuyện làm như thế nào để phát triển bao trùm, cân bằng và hài hòa, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận ngang nhau, được hưởng những thành quả cho phát triển.

Do vậy, tại VRDF lần này, ngoài mời các đối tác phát triển, các diễn giả tới chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam, thì chúng tôi cũng mời các đối tác có trình độ phát triển ngang tầm và có thể là thấp hơn Việt Nam, để chia sẻ các kinh nghiệm phát triển của mình. Điều quan trọng, các kết quả thảo luận là một kênh thông tin đầu vào quan trọng cho việc xây dựng nội dung Chiến lược phát triển đất nước 5 năm và 10 năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.