Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo “Dự thảo Tầm nhìn và lộ trình thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Văn phòng Chính phủ (OGG) và Bộ Nội vụ tổ chức ngày 9/5, trong khuôn khổ hoạt động Dự án “Hỗ trợ tầm nhìn và lộ trình thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam” do tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho biết, đây là dự thảo bước đầu về xây dựng tầm nhìn và lộ trình thực hiện đến năm 2020. Dự thảo đã nêu lên một số vấn đề cần thực hiện như: Chính phủ và công cuộc chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam: Câu chuyện chung; Quản lý Kinh tế vĩ mô; Cải cách hành chính công; Tầm nhìn Hiện đại hóa Chính phủ đến năm 2020; Chuyển tầm nhìn thành hiện thực: Sử dụng thẻ tích điểm; Đạt được tầm nhìn là phải Xây dựng các chặng đường cho một lộ trình tốt…
Vì vậy, trong khuôn khổ Hội thảo này, “rất hy vọng sẽ được nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp thiết thực nhất từ các đại biểu, các chuyên gia tư vấn để Dự án ngày càng hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn và đáp đứng được tầm nhìn chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2020”, vị Viện trưởng CIEM chia sẻ mong muốn của mình.
Theo nhận định tại dự thảo Xây dựng tầm nhìn và lộ trình đến năm 2020, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua là nhờ ở cái gọi là “hái những quả ở cành thấp”. Đó là việc khai thác tiềm năng kinh tế và công nghiệp tự nhiên, khả năng sáng tạo của người dân.
Và thành công đó là do không cấm dân làm ăn, kinh doanh mà cho phép họ thành lập doanh nghiệp tư nhân, định giá tự do cho hầu hết các sản phẩm và dịch vụ, cho phép người dân để lại lợi nhuận, trao đổi ngoại hối và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhưng hiện nay, nhiều “quả cành thấp” đã hết, hoặc biến mất. Ví dụ như lợi tức mang tính dân số đã hết, tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm trong hơn hai thập kỷ qua và tỷ lệ dân số trên 60 tuổi cũng đang tăng nhanh.
Chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ công y tế và giáo dục đang giảm sút. Điều đó làm cho người dân phải tiết kiệm dự phòng nhiều hơn và vì vậy ảnh hưởng đến mức tiêu dùng, đồng thời chất lượng lao động cung cấp lao động cũng kém đi.
Năng suất lao động tăng nhanh ở khu vực tư nhân nhưng lại giảm đi ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Năm 2010, chênh lệch về năng suất lao động trên một đơn vị vốn giữa khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước là 20 lần.
Để kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh trong các thập kỷ tới, theo ông Grayson Clarke, Chính phủ cần chuyển nhượng chương trình cải cách khỏi nội dung, không ngăn cấm công dân làm việc này việc kia mà phải khuyến khích họ phát triển kinh doanh và các dịch vụ công và tư.
Điều đó có nghĩa là hoàn thiện và làm sâu sắc hơn các cải cách theo hướng thị trường, đổi mới vai trò bất di bất dịch của Chính phủ với tư cách là một cơ quan lãnh đạo nói chung và trong các doanh nghiệp nhà nước nói riêng như đã ấn định trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, tạo ra sự tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các dịch vụ công chất lượng cao cho các vùng đô thị, các cộng đồng nông thôn kể cả các vùng dân tộc thiểu số.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho biết, tất cả những ý kiến đóng góp cho Dự thảo “Tầm nhìn và lộ trình thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020” sẽ được ghi nhận và hoàn thiện cho những giai đoạn thực hiện tiếp theo./.