Công cuộc “tái” đang ở đâu?

Nhấn mạnh rằng, hàng loạt vấn đề trước mắt vẫn hết sức gay gắt, như: tồn kho, nợ xấu ngân hàng, mức cầu xã hội suy giảm… Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho biết, trong năm qua, triển khai việc điều hành của Chính phủ đã tập trung thực hiện một số giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường.

Cùng với đó là các giải pháp tập trung tạm thời giảm chi phí tài chính cho một số nhóm doanh nghiệp (giãn hay hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất…); bước đầu cơ cấu lại nguồn cung, chuyển đổi mục đích của hàng chục dự án nhà chung cư ở các thành phố lớn, tăng lượng cung và cầu về nhà ở xã hội và nhà ở phổ thông, hỗ trợ thị trường bất động sản; hướng dẫn cho vay hỗ trợ mua nhà ở, theo đó các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở phổ thông. Đồng thời, dự kiến dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay đối với các đối tượng trên.

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015 của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91.

Tính đến hết năm 2012, cả nước sắp xếp được 27 DNNN, trong đó cổ phần hóa 16 doanh nghiệp, sáp nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển thành công ty TNHH một thành viên 3 doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 6/9 tập đoàn kinh tế và 8/10 tổng công ty 91; các Bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Riêng về lĩnh vực đầu tư công, “tái” chủ yếu được thực hiện theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Kết quả sau gần hai năm thực hiện, đầu tư nhà nước đã được cắt giảm cả về số vốn và số dự án; phân bố vốn đầu tư tập trung hơn; khắc phục một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải…

Trong thời gian qua, Chính phủ chủ yếu nỗ lực soạn thảo các văn bản có liên quan, tạo khung khổ pháp lý để triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy vậy, Thứ trưởng Sinh cũng thừa nhận, các giải pháp có hiệu lực và được triển khai trên thực tế thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nói chung và từng lĩnh vực ưu tiên nói riêng là chưa nhiều, chưa đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của xã hội.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Thứ trưởng Sinh, nguyên nhân trên do tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là những vấn đề phức tạp, phải được thảo luận và chấp thuận ở nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền. Việc giải quyết các vấn đề phức tạp phải tiến hành thận trọng và từng bước.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung trong một bài phát biểu gần đây đã cho rằng, công cuộc tái cơ cấu chưa thể tạo ra đột phá là do cách làm hiện nay vẫn vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế; thiên về hành chính, hơn là thị trường; không thấy động lực mới, không thấy “hy sinh, đánh đổi”, không thấy cạnh tranh, không thấy , không thấy trách nhiệm giải trình...

“Cá nhân tôi không tin là các giải pháp này sẽ thành công như mong đợi; có thể chỉ kéo dài thêm tình trạng trì trệ của doanh nghiệp, của nền kinh tế; không tạo cơ hội sáng tạo, chuyển tài sản chết thành “vốn sống và lưu chuyển, làm “bừng nở” cơ hội đầu tư và kinh doanh”, ông Cung thẳng thắn.

Đánh giá lại cả một quá trình, ông Cung cho biết, kỳ vọng sẽ nhảy vọt trong giai đoạn 2006-2010, nên Đảng và Quốc hội, cũng như Chính phủ đã đưa đưa ra con số tăng trưởng cao trong Nghị quyết. Do động lực sai lệch đã dẫn tới việc phân bổ nguồn lực sai lệch.

Điển hình là năm 2007, tăng trưởng đầu tư ở đỉnh cao, cả về tăng trưởng tín dụng, phương tiện thanh toán cũng rất cao. Tỉnh nào không có dự án tỷ đô, cảng biển, khu kinh tế thì bị coi là kém cỏi.

Do phân bố nguồn lực sai lệch dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh thấp, tăng trưởng không cao. Trong khi nhiệm vụ chính trị lại mong muốn tăng trưởng cao. Và, để tăng trưởng cao, thì lại phải tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư, mở rộng tiền tệ.

Điều đó dẫn đến việc động lực đã sai lệch lại càng sai lệch hơn, kéo theo việc bố trí nguồn lực cũng sai lệch hơn.

Thêm vào đó là các bất ổn kinh tế vĩ mô, như: lạm phát cao, tăng trưởng thấp. Vì thế, các nghị quyết, chính sách phải điều chỉnh lại. Cụ thể, để kiềm chế lạm phát, thì phải thắt chặt tài khóa, thắt chặt tiền tệ dẫn đến lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp khó khăn.

Từ cuối năm 2011-2012, kinh tế vĩ mô cũng đã dần ổn định, tập trung hơn cho công cuộc tái cơ cấu.

“Đáng tiếc là các giải pháp của chúng ta cũng mới chỉ xoay quanh việc “cứu” ông này hay ông kia, hoặc tập trung vào các giải pháp tăng cầu, tăng thêm tiền, mà chưa đưa ra các giải pháp mang tính dài hạn. Đó là sự thụt lùi của tháo gỡ chính sách!”, ông Cung nhận định.

Điều ông Cung lo ngại là mặc dù chính sách điều hành của Chính phủ rất nhất quán, nhưng phản ứng của thị trường lại có vẻ e ngại.

Cụ thể như việc giảm lãi suất hiện nay là rất cần thiết. Nhưng, đáng tiếc là do việc sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính, nên nhiều người không tin là có thật.

Chính phủ cũng không còn dư địa để điều chỉnh ngân sách như năm 2009.

Thị trường bất động sản đang đi vào ngõ cụt, và “không thể có những biện pháp hành chính với hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường này được. Vì vậy, nên để thị trường điều chỉnh thì các giải pháp mới bền vững”, ông Cung khuyến nghị.

Các giải pháp hiện nay, tập trung tăng cầu, nhưng thực tế là tăng cầu của khu vực này, mà giảm cầu của khu vực khác chứ không phải tăng tổng cầu. Các giải pháp rất ngắn hạn, vụn vặt và không có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Chính vì thế, vị chuyên gia này nhận định, các giải pháp trên của Chính phủ sẽ khó phát huy tính hiệu quả. Điều này đã được kiểm chứng đối với thị trường bất động sản, người dân không tin đã đến “đáy”, họ vẫn chờ giá xuống.

Vậy làm sao để “tái”?

Trong văn bản báo cáo lên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT nhận định, do năng lực và nguồn lực có hạn, đồng thời xét tính cấp bách, quan trọng của các vấn đề và giải pháp tương ứng, trong năm 2013, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị tập trung nguồn lực và năng lực thực hiện một số giải pháp, như: Tập trung ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số văn bản; Chọn một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện tái cơ cấu; Xác định cụ thể chính xác số nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế phổ biến; Tái cơ cấu, phân bố lại sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt tập trung soạn thảo ban hành mới, bổ sung, sửa đổi các luật, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều quan trọng nhất là phải bỏ lối tư duy và làm chính sách theo lối “không quản được, thì cấm và hạn chế”; hoặc tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, xa lạ với cuộc sống thường ngày của người dân.

Thứ nữa, phải sử dụng các chỉ tiêu về chất thay cho các chỉ tiêu về lượng trong kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

Cùng với đó là giảm chi phí tuân thủ, giảm thuế và phí, chứ không phải tăng thêm; Phải giảm bớt các quy định, giấy phép và can thiệp hành chính, chứ không phải tăng thêm;

Riêng đối với khu vực doanh nghiệp, ông Cung khuyến nghị, họ cần đổi mới và sáng tạo, chấp nhận rủi ro; Cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; Đầu tư lớn, dài hạn vào lĩnh vực sản xuất, chế tác và chế tạo; Đầu tư phát triển, đổi mới và chưyển giao công nghệ, đổi mới quản lý…; Phải khuyến khích và nuôi dưỡng sáng kiến, sáng tạo và ý chí chập nhận rủi ro.

Đối với khu vực nhà nước, theo ông Cung, phải tính đến sự hy sinh, đánh đổi, “thắt lưng buộc bụng”; loại bỏ các khoản chi, và cách chi lãng phí, kém hiệu quả; phải làm gương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Khẩu hiệu hành động là: “Làm nhiều hơn, làm tốt hơn với chí phí ít hơn”.

Cùng với đó là phải mở rộng quyền tự do kinh doanh, làm cho thị trường vận hành tốt hơn trong phân bố và sử dụng nguồn lực.

Ông Cung nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta không phải “cứu” doanh nghiệp mà là “cứu” nền kinh tế, nên phải xử lý các nguyên nhân cơ bản và gốc rễ. Về cơ bản và dài hạn, phải chú ý vào: (i) Nâng cao hiệu quả, năng suất, năng lực cạnh tranh thay vì tiếp tục tập trung mở rộng quy mô về lượng; (ii) Tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn cung mới thay vì tập trung vào khai thác nguồn cung dư thừa hiện nay, hay đầu tư dở dang. (iii) Huy động và phân bố lại nguồn lực ở vi mô, thay vì chỉ tập trung những tính toán đơn giản (tín dụng, M2, lãi suất, tổng đầu tư, thâm hụt ngân sách …) ở vĩ mô.

Tuy nhiên, người chắp bút cho Đề án tái cơ cấu kinh tế cũng lưu ý, việc ra các thể chế phân bổ lại nguồn lực, phân bổ lại lợi ích không dễ dàng. Nhưng, “nếu không làm được điều này, thì khả năng phân bổ không thể xảy ra”, như vậy công cuộc tái cơ cấu sẽ lại đi vào ngõ cụt, hoặc sau thời gian rầm rộ sẽ “quay lại như ban đầu”.