Lạm phát

Nếu quan sát chỉ số CPI của Việt Nam từ năm 2002 đến 2012 có thể thấy có sự biến động khá lớn. Năm 2003 có CPI thấp nhất, với mức 3,01%. Trong năm 2008 và 2011, chỉ số giá CPI đứng ở mức cao, 18-20%. Tuy nhiên, năm 2012, chỉ số này là 6,81% thấp hơn so với mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ là 8%. Chỉ số CPI giảm thấp so với năm 2011 chịu tác động của nhiều yếu tố như lượng hàng hoá tồn kho lớn, sức mua giảm bởi hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa và thu hẹp sản xuất, kinh doanh, mặc dù số doanh nghiệp mới thành lập cũng có con số gần tương ứng.

Nếu quan sát sự thay đổi của CPI các quý của năm 2012 có thể thấy, chỉ số này có xu hướng tăng lên từ 4,08% trong Quý II lên 5,05% trong quý III và 5,44% trong Quý IV. Chỉ số CPI có xu hướng giảm trong Quý II/2012 làm xuất hiện nhận định nền kinh tế rơi vào giảm phát, song thực tế cho thấy không có tình trạng giảm phát xảy ra ở Việt Nam trong năm 2012.Trong năm 2013, có nhiều yếu tố chi phối đến chỉ số CPI ở Việt Nam đến cả từ bên trong và bên ngoài. Đây là những yếu tố được xem xét gắn với quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam từ góc độ các chính sách vĩ mô và những phản ứng từ phía doanh nghiệp. Các yếu tố này có khả năng gây tăng nhẹ chỉ số CPI trong năm 2013 so với 2012.

Với mức dự báo tác giả đưa ra về chỉ số CPI là 8,5% trong năm 2013, có thể khẳng định chỉ tiêu của Chính phủ đề ra là phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam, bởi những nguyên nhân sau:

Điều chỉnh tăng lương tối thiểu

Về mặt lý thuyết, trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu chưa đạt đến mức lương trung bình của thị trường, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động. Điều này tạo áp lực tăng lương. Còn nếu thực hiện tăng lương tối thiểu trong khi mức lương tối thiểu thực tế đã cao hơn mức lương trung bình của thị trường sẽ gây tình trạng dư thừa lao động hoặc thất nghiệp (Hình 3). Ở Việt Nam, mức tiền lương tối thiểu, khá thấp và giá lao động rẻ nên việc tăng lương tối thiểu chưa thể tăng tỷ lệ thất nghiệp mà mới có tác dụng trong việc bù đắp chi phí sinh hoạt và mức sống tối thiểu của người lao động hoặc nuôi sống các thành viên trong gia đình.

Trong năm 2013, lương tối thiểu dự kiến điều chỉnh tăng 17-18%. Theo tính toán, chỉ khoảng 6,6% số doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng như chi phí để tăng lương tối thiểu không quá 1%. Theo đánh giá ban đầu, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể thấy, tỷ trọng khu vực phi chính thức ở Việt Nam khá lớn và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu có thể tạo làn sóng gây tăng giá trên thị trường theo áp lực tâm lý.

Hơn nữa, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp còn rất lớn, trong khi nhu cầu và sức mua chưa được cải thiện, cho nên khả năng tăng giá sẽ rất khó khăn nếu không tính đến các yếu tố khác. Gắn với chính sách điều chỉnh mức lương tối thiểu, việc tăng mức thu nhập cá nhân chịu thuế lên trên 9 triệu đồng/tháng cũng là cách thức cải thiện thu nhập cho người lao động. Với mức giá không biến động hoặc biến động không đáng kể việc tăng lương tối thiểu gắn với việc nâng mức chịu thuế góp phần tăng thu nhập thực tế của người dân.

Theo lộ trình, đến năm 2015-2016, lương tối thiểu mới bảo đảm mức sống tối thiểu. Do đó, có thể nói, với mức điều chỉnh trong năm 2013, người lao động Việt Nam vẫn sống mức lương tối thiểu thấp cho đến khi nó được điều chỉnh trong 2015 - 2016. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu góp phần quan trọng trong kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc tăng lương tổi thiểu có thể làm tăng cung ứng tiền tệ trong lưu thông và do đó có nguy cơ làm tăng lạm phát.

Biến động giá xăng dầu, giá điện và dịch vụ y tế

Trong năm 2012, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu một số lần mặc dù có sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng vẫn tác động đến giá cước vận tải và chi phí sản xuất của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến mức giá nói chung của nền kinh tế. Biến động của giá xăng dầu trong năm 2013 chưa bộc lộ rõ vì những thay đổi về nhu cầu năng lượng không lớn so với năm 2012. Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định sự nhích lên của giá xăng dầu sẽ xảy ra trong năm 2013 do kinh tế thế giới trên đà phục hồi mạnh. Biến động giá xăng dầu có khả năng gây biến động tới giá cả các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Trong năm 2013, việc điều chỉnh giá điện tiếp tục được thực hiện, nhưng có lẽ sẽ chọn thời điểm thích hợp. Hơn nữa, nhu cầu điện không quá căng thẳng do Nhà máy thuỷ điện Sơn La đã vận hành từ cuối tháng 12/2012 làm tăng khả năng cung ứng điện đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, công suất của các doanh nghiệp chưa thể khai thác đến mức tối đa trong năm 2013, nên việc tăng giá điện chưa hẳn đã phù hợp với điều kiện nền kinh tế và doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ toàn diện, nhất là chi phí đầu vào để vực dậy phát triển. Những khía cạnh đó cho thấy, việc tăng giá điện trong năm 2013 khó có thể gây ra những biến động giá cả trong nền kinh tế.

Trong năm 2012, chỉ số giá dịch vụ y tế tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Trong hai năm 2011 và 2012, chỉ số giá nhóm giáo dục vẫn duy trì mức tăng cao (năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%) và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm (năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%). Trong năm 2013, chỉ số giá dịch vụ y tế, giáo dục khó có khả năng giảm do đây là nhu cầu thiết yếu luôn trong xu thế tăng theo dân số và thu nhập, chưa kể đến yếu tố mùa vụ như các dịch bệnh có khả năng tăng lên vào mùa hè do biến đổi khí hậu hoặc nhu cầu về dụng cụ học tập tăng lên vào dịp khai giảng năm học mới của ngành giáo dục…

Tác động của giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm lãi suất ngân hàng

Trong năm 2012, thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 25%. Để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong điều kiện thị trường suy giảm mạnh, thuế thu nhập doanh nghiệp được đề xuất giảm xuống 20% theo đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Việc giảm thuế sẽ giảm bớt gánh nặng đối với doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành, thúc đẩy khả năng tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh. Việc giảm thuế còn góp phần làm tăng thu nhập giữ lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhu cầu của nền kinh tế giảm, việc làm khó khăn và thu nhập giảm, lượng hàng tồn kho trong năm 2012 vẫn còn khá lớn, nên việc giảm thuế khó có khả năng tạo đột phá trong thúc đẩy đầu tư và mở rộng sản xuất trong ngắn hạn.

Đồng thời với việc giảm thuế, việc giảm lãi suất ngân hàng cũng đã được thực hiện trong năm 2012. Trong năm 2013, để kích thích kinh tế, việc giảm lãi suất tiếp tục được thực hiện và việc làm đó là cần thiết. Gần đây nhất, ngày 25/3, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm).

Tình hình xuất siêu của Việt Nam

Năm 2012, Việt Nam xuất siêu với kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, mức xuất siêu là 0,3 tỷ USD. Nếu phân tích cụ thể cơ cấu hàng xuất - nhập khẩu có thể thấy mức độ chuyển dịch theo hướng tạo tác động lớn đối với nền kinh tế.

Tình hình xuất siêu của Việt Nam năm 2012 cho thấy, nền kinh tế có khả năng giữ ổn định đồng tiền và tỷ giá hối đoái, mặc dù xét về dài hạn khá khó khăn. Hơn nữa, việc nhập khẩu khá lớn nguyên vật liệu trong năm 2012 sẽ tạo điều kiện để mở rộng sản xuất trong năm 2013. Đây là điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu cũng như mở rộng sản xuất trong nước, tăng khả năng cung ứng hàng hoá và do đó, góp phần điều hoà cung - cầu, giảm giá cả.

Trong năm 2013, việc tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản vốn là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, nhưng tiềm năng sản xuất đang bị hạn chế có thể làm giảm nguồn cung ứng hàng hoá trên thị trường trong nước. Do đó, làm tăng giá cả của nhóm hàng hoá trong “rổ” hàng hoá CPI, gây biến động đến giá cả và lạm phát. Việc đẩy mạnh nhập khẩu có thể tăng sự phụ thuộc giá trong nước vào giá thị trường nước ngoài. Cho nên, cần có sự phối hợp, cân đối, duy trì trạng thái cân bằng xuất - nhập khẩu. Việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài còn tạo điều kiện để hàng nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam khi thị trường mở cửa.

Tiếp tục mở cửa thị trường theo cam kết trong ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Trong năm 2013, một số cam kết về mở cửa thị trường trong WTO và việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết được tiếp tục thực hiện. Hàng hoá nước ngoài được đưa vào thị trường Việt Nam từ: Trung Quốc, các nước ASEAN hoặc các đối tác thương mại - đầu tư quan trọng khác như Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… làm tăng lượng hàng hoá cung ứng trên thị trường. Với việc hàng hoá nước ngoài ồ ạt thâm nhập vào thị trường Việt Nam, hy vọng cung tăng giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá hàng tiêu dung chịu tác động sẽ giảm xuống. Việc giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường là một yếu tố làm giảm đáng kể lạm phát trong năm 2013. Khai thác triệt để khía cạnh kiềm chế lạm phát bằng việc mở cửa thị trường cần thận trọng hoặc chú ý tranh thủ những đối xử đặc biệt và khác biệt trong WTO để tránh gây ra tình trạng hàng ngoại lấn át hàng nội, làm đóng cửa doanh nghiệp và suy giảm việc làm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cam kết quốc tế mới trong các hiệp định song phương và đa phương cũng mở ra nhiều cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Biến động xấu từ lĩnh vực ngân hàng

Với tình trạng nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam lên tới con số hàng trăm ngàn tỷ, khả năng vỡ nợ và phá sản, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, không có cơ hội liên kết hoặc hợp tác với các ngân hàng lớn hoặc có khả năng cạnh tranh cao là không tránh khỏi. Nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phá sản ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, vốn ít, nợ xấu không có khả năng thu hồi, thiếu đối tác chiến lược, sẽ xảy ra trong năm 2013. Điều đó có thể gây ra tình trạng biến động trên thị trường, đặc biệt là làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng và chuyển tiền mặt sang các tài sản có giá trị khác, như: giá vàng, giá bất động sản hoặc các loại tài sản khác. Rối loạn trên thị trường dịch vụ ngân hàng gây tác động xấu đến mức độ tín nhiệm của ngân hàng và kéo theo làn sóng đầu cơ hoặc các giao dịch “ngầm” gây bất ổn giá cả trên thị trường.

Tăng trưởng GDP

Trong năm 2012, GDP chỉ tăng trưởng 5,03%, là mức tăng trưởng thấp nhất so với 12 năm trước đó, thấp hơn mức dự kiến 5,3% của Chính phủ trong khi chỉ số CPI là 6,81%. Điều này làm xuất hiện tâm lý lo lắng trong dân chúng và cả các nhà hoạch định về sự bấp bênh và dường như có một “cơn lũ bất ổn” trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Bởi tình trạng hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, tồn kho lớn, đặc biệt tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng lớn, đầu tư công dàn trải và kém hiệu quả đang chậm được khắc phục, thu ngân sách có nguy cơ bị thu hẹp.

Tuy nhiên, có thể tiếp cận tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013 từ góc độ lạc quan hơn và những tín hiệu này đã xuất hiện ngay trong năm 2012, đặc biệt là tín hiệu về xuất khẩu được đẩy mạnh, vấn đề kích cầu nội địa và thúc đẩy đầu tư tư nhân gắn với đầu tư công có trọng điểm cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp tổng thể và quyết liệt.

Trong năm 2013, với đà tăng trưởng xuất khẩu và tình hình xuất siêu của Việt Nam trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan vào khoảng 30-35%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: hàng nông sản, dệt may, thuỷ sản, linh kiện điện tử… sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh. Lợi thế của nền nông nghiệp định hướng xuất khẩu sẽ được bộc lộ dần. Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu nóng lên trong năm 2013 như được dự báo, giá nông sản thế giới tăng cao và Việt Nam sẽ gặp cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng kim ngạch. Bên cạnh đó, các yếu tố như lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm để kích cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân, giảm thuế, tăng lương tối thiểu để cải thiện sức mua, cắt giảm đầu tư công... sẽ tạo động lực mới để nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu có thể dẫn đến tăng cung tiền và đó cũng là động lực để kích thích tăng trưởng, mặc dù giá cả có thể nhích lên. Việc tham gia vào tự do hoá thương mại cũng sẽ phát huy các lợi thế của đất nước về thương mại, đầu tư ra nước ngoài hoặc việc tìm kiếm các thị trường mới đang có rất nhiều cơ hội chưa được khai thác. Đồng thời, hàng loạt những biện pháp mang tính đồng độ liên quan đến thu hút ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối và các nguồn lực khác cũng như hoàn thiện thể chế theo hướng kinh tế thị trường, nâng cấp kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế.

Nhìn tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2013 có thể đạt con số cao hơn năm 2012 và đạt khoảng 6,75%. Đây là con số quan trọng để tạo đà tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo nhằm đạt mục tiêu về cơ bản đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Và một số đề xuất

Từ những nhận định và dự báo trên đây, có thể thấy năm 2013, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan để đất nước chuyển sang một chu kỳ vận động mới về chất lượng. Trước tình hình đó, theo tôi, cần phải thực hiện những giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung nguồn lực và phân bổ hợp lý vào các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học, công nghệ. Coi trọng khai thác tối đa tác động của tự do hoá thương mại để điều chỉnh cơ cấu và hoàn thiện thể chế theo hướng hội nhập.

Thứ hai, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường thế giới để dự báo chính xác và có phản ứng thích hợp khi có sự biến động bất thường của giá cả, như: giá nông sản, giá xăng dầu, giá vàng… để tận dụng nhanh chóng và triệt để cơ hội cũng như có giải pháp giảm thiểu những “cú sốc” bất lợi đối với cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Cần công bố cụ thể lộ trình điều chỉnh giá cả các mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế, như: giá xăng dầu, điện, lãi suất, thuế… để vừa tăng tính minh bạch và giảm thiểu tính bất định cũng như rủi ro của môi trường kinh doanh. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển mới hữu hiệu.

Thứ ba, coi trọng các biện pháp kích cầu nội địa, đặc biệt là kích cầu khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực xuất khẩu chủ lực để tạo đà chiếm lĩnh thị trường nước ngoài trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi. Lấy khu vực xuất khẩu và kích cầu nội địa làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2013. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành với các địa phương, Chính phủ với doanh nghiệp để tạo hợp lực cao nhất, khắc phục tình trạng thao túng của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm gây chia cắt nền kinh tế, tăng khả năng hợp tác phát triển, khai thác cơ hội theo hướng có lợi cho quốc gia chung./.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Thúy Hiền (2012). Đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012, truy cập từ: http://www.vietnamplus.vn/Home/Danh-gia-tang-truong-kinh-te-Viet-Nam-nam-2012/201211/170190.vnplus
  2. Chính phủ (2012). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 2012 và mục tiêu, giải pháp 2013
  3. Viện Kinh tế - Tài chính (2012). Kỷ yếu Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo 2013
  4. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2012). Kỷ yếu Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012

PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng