Nhận định này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đang diễn ra chiều ngày 14/10.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn tồn tại 6 khó khăn, hạn chế/ Ảnh: Lê Tiên

6 hạn chế và 7 nguyên nhân

Mặc dù vậy, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước”, Bộ trưởng báo cáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn 6 tồn tại, khó khăn, hạn chế.

Một là, việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức, việc sơ kết, tổng kết còn sơ sài, chưa sâu sắc, có biểu hiện thành tích, chưa thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia.

Hai là, công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX.

Ba là, công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện (như: hỗ trợ về kết cấu hạ tầng) hoặc thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm); nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ KTTT chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách.

Bốn là, theo Bộ trưởng, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn buông lỏng; chưa thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, dẫn tới số liệu báo cáo liên quan đến KTTT, HTX không đầy đủ, không cập nhật và chưa chính xác.

Năm là, một số tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được Nghị quyết chỉ rõ vẫn chưa được khắc phục triệt để, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Sáu là, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.

“Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra 7 nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên.

Thứ nhất, các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.

Thứ hai, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thứ ba, công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng.

Bộ trưởng chỉ rõ, môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.

Thứ tư, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT; cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.

Thứ năm, còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới.

“Trong khi đó HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức”, Bộ trưởng lưu ý.

Thứ sáu, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng nguyên nhân là do tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; nguồn lực và cơ chế hỗ trợ KTTT còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp.

Cần tập trung thực hiện 7 giải pháp

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ 7 giải pháp.

1. Nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và các văn bản pháp luật về HTX nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên.

2. Tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương để phát triển KTTT, HTX; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về KTTT, HTX trên toàn quốc.

3. Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT các cấp. Coi trọng công tác kiểm tra và sơ kết để tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX.

4. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của THT, HTX, LH HTX, thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX; giải quyết dứt điểm tình trạng HTX ngừng hoạt động tồn tại dưới dạng hình thức; xử lý nợ tồn đọng để lành mạnh hóa khu vực hợp tác xã; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp.

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội, trong đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và trong phát triển KTTT. Đưa phát triển KTTT là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể; Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc phát triển KTTT.

6. Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức liên minh hợp tác xã, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chú trọng hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX từ các tổ chức quốc tế. Chủ trì, tham gia các hội nghị quốc tế về HTX, thành lập Diễn đàn các tổ chức quốc tế để hỗ trợ khu vực HTX.

Trên cơ sở các nội dung chính nêu trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển KTTT, HTX, nhưng việc thúc đẩy phong trào HTX phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Hơn ai hết, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chỉ rõ, trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế HTX, song với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, Bộ trưởng tin tưởng, trong thời gian tới phong trào HTX ở nước ta sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam./.