Hiểu thế nào cho đúng?

Nhìn chung, cho đến nay vẫn có khá nhiều định nghĩa khác nhau về nhóm lợi ích, song cơ bản sự khác nhau giữa các định nghĩa không nhiều. Có thể hiểu một cách giản đơn rằng, nhóm lợi ích là nhóm bao gồm những người có cùng lợi ích với những hoạt động, sự kiện, hoặc một đối tượng nào đó. Vì vậy, các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ.

Trong những xã hội tồn tại nhiều giai tầng, nhiều ngành nghề, thì cũng tồn tại nhiều tuyến lợi ích đan xen, lúc thống nhất, lúc mâu thuẫn nhau về lợi ích trong việc chịu tác động của chính sách nhà nước. Do vậy, việc tồn tại các nhóm lợi ích là một thực tế khách quan và luôn hình thành trong đời sống kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, mọi hình thái xã hội, dù chế độ chính trị khác nhau.

Nhóm lợi ích hàm chứa cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Tác động tích cực được hiểu theo ý nghĩa rằng, việc thực hiện lợi ích của nhóm không gây ảnh hưởng, hay tổn hại đến lợi ích của nhóm khác, hay lợi ích của xã hội. Hoặc sự tồn tại của nhóm lợi ích đó có vai trò nhất định đối với một lĩnh vực hay một phương diện nào đó của xã hội, chẳng hạn sự xuất hiện các hiệp hội trong sản xuất, kinh doanh là cần thiết và tích cực. Ngược lại, tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích thường được thấy qua việc gây những tổn hại nhất định đến lợi ích của các nhóm khác, hay lợi ích xã hội khi một nhóm nào đó thực hiện lợi ích của mình.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì phạm trù nhóm lợi íchlợi ích nhóm không có sự khác biệt. Theo nghĩa hẹp và cụ thể hơn, thì nhóm lợi ích là hình thức bên ngoài, còn lợi ích nhóm là nội dung, là cái "cốt" vật chất bên trong. Theo đó, lợi ích nhóm cũng có lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực như giải thích trên.

Biểu hiện lợi ích nhóm ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, cách hiểu về cặp phạm trù này chưa mạch lạc. Khái niệm lợi ích nhóm đang được sử dụng để "ám chỉ" hành vi trục lợi của một nhóm xã hội nào đó và hành vi này lại gây những tổn hại nhất định đến các nhóm xã hội khác, hoặc đối với toàn xã hội. Đây là cách hiểu hết sức sai lầm, bởi lẽ nhóm lợi ích hay lợi ích nhóm là một thực thể khách quan, nó hàm chứa cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được mặt tích cực để khích lệ phát triển; đồng thời, nhận biết những mặt tiêu cực để hạn chế, điều chỉnh, nhằm tránh những ảnh hưởng gây tổn hại đối với cộng đồng, xã hội và bảo vệ những nhóm lợi ích yếu thế trong xã hội.

Lợi ích nhóm dường như đang hiện hữu ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, với các biểu hiện phổ biến như sau:

Nhóm lợi ích hay lợi ích nhóm là một thực thể khách quan, nó hàm chứa cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được mặt tích cực để khích lệ phát triển; đồng thời, nhận biết những mặt tiêu cực để hạn chế.

Thứ nhất, lợi ích nhóm biểu hiện “muôn hình vạn trạng”, biến đổi linh hoạt và ngày càng phủ rộng, cũng như len sâu khắp các lĩnh vực, địa phương với quy mô và các cấp độ khác nhau. Lợi ích nhóm tập trung và phổ biến ở những lĩnh vực có nhiều cơ hội trục lợi, như: tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản… Gần đây, nó cũng đã len lỏi vào một số hoạt động có tính đặc thù, như: nghiên cứu khoa học (phân cấp kinh phí, đề cử chủ nhiệm); đào tạo (sắp xếp hội đồng chấm tuyển sinh, chấm luận văn, luận án); thậm chí cũng “ẩn hiện” cả trong công tác cán bộ (quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm). Chúng có chung một đặc trưng phổ biến là: khai thác, lạm dụng các kẽ hở của quy định, chính sách và ẩn mình trong vỏ bọc pháp luật... trục lợi cho nhóm và cá nhân.

Thứ hai, biểu hiện của lợi ích nhóm thường liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là những người có quyền lực trực tiếp đối với từng lĩnh vực hoạt động, đối với từng sự vụ, từng công việc và tập trung ở một số cá nhân có quyền lực nhất định.

Có thể nói, sự cấu kết của các nhóm lợi ích với các nhà hoạch định chính sách theo tư duy nhiệm kỳ dễ dẫn tới các hành vi tham nhũng, hoặc trục lợi, vun vén cá nhân. Chúng tạo ra hiện tượng chạy chính sách, chạy dự án, chạy vốn, chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích và cả chạy tội, chạy án… làm sai lệch các tín hiệu thị trường, cơ cấu và định hướng các nguồn lực quốc gia, làm tăng nợ công và sự bất ổn vĩ mô, làm tăng nguy cơ lỏng lẻo và mất kiểm soát bằng pháp luật nghiêm minh của Nhà nước...

Thứ ba, lợi ích nhóm đang hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp. Bởi, khung khổ pháp luật, môi trường thể chế chính thức cho hoạt động của các nhóm lợi ích chưa được xác lập. Mặc dù cũng đã có các hiệp hội ngành nghề, nhóm lợi ích có tổ chức và đăng ký hoạt động chính thức, nhưng hoạt động của các nhóm lợi ích này vẫn mang tính tự phát vì có những lợi ích chung bị ảnh hưởng.

Không gian hoạt động của lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay thường gắn với các hoạt động “sân sau” của các công ty nhà nước, những tập đoàn độc quyền… Hiện thực này rất khác với hoạt động của các nhóm lợi ích tại các quốc gia phát triển, nơi có luật về vận động hành lang (lobby), theo đó các nhóm lợi ích hình thành và hoạt động một cách công khai. Với cách thức như vậy, hoạt động của các nhóm lợi ích được đảm bảo tính hợp pháp và được phát huy một cách có hiệu quả tác động tích cực của lợi ích nhóm.

Ứng xử thế nào cho phù hợp?

Chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của các nhóm lợi ích, cũng như sự tồn tại của lợi ích nhóm, song vấn đề mà cả xã hội quan tâm là ứng xử như thế nào với các hành vi của các nhóm lợi ích, để hành vi đó không ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, của nhóm xã hội khác, hay đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Cho đến nay, Việt Nam chưa tồn tại một văn bản pháp quy dành riêng cho việc điều chỉnh hoạt động của các nhóm lợi ích. Mặc dù, Việt Nam bắt đầu có những hoạt động vận động hành lang ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng bản thân việc vận động hành lang, hay vận động chính sách, vẫn chưa được chính thức thừa nhận ở trong nước. Do vậy, trong nhận thức của nhiều người, hoạt động vận động hành lang, hay vận động chính sách ở Việt Nam vẫn được coi là đồng nghĩa với việc chạy chọt, hối lộ. Đáng suy ngẫm là nhận thức trên có thể đúng trong nhiều trường hợp, song không phải là tất cả.

Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần chính thức thừa nhận vai trò, đồng thời xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến các nhóm lợi ích cũng như hoạt động của các nhóm này. Một mặt, đảm bảo tính hợp pháp sự tồn tại của khách thể này, mặt khác, hướng đến một hành lang pháp lý đầy đủ, điều chỉnh hữu hiệu hoạt động của các nhóm lợi ích với mục tiêu cơ bản là minh bạch hóa hoạt động này.

Từ những phân tích trên, nhóm tác giả kiến nghị một số biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lợi ích nhóm và hướng các nhóm lợi ích phát huy tác động tích cực cho sự phát triển của đất nước, như sau:

Một là, thống nhất nhận thức về sự tồn tại khách quan của các nhóm lợi ích và sự vận động tất yếu của lợi ích nhóm.

Trên cơ sở đó, sớm xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung, trên cơ sở điều chỉnh của luật pháp. Điều đó thể hiện rằng, trong một xã hội lành mạnh, những kẻ vi phạm pháp luật đương nhiên bị ngăn chặn và bị trừng trị thích đáng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kỳ ai, dù ở trong bất cứ nhóm lợi ích nào, mà vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý bằng luật pháp.

Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.

Hai là, để phát huy tác động tích cực của lợi ích nhóm, cần xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật minh bạch, đầy đủ thông tin và được thực thi một cách có tổ chức.

Trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin, thiếu tổ chức…, thì các nhóm lợi ích sẽ gây ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia. Hơn nữa, công khai, minh bạch là phương tiện rất hữu hiệu để đảm bảo sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.

Ba là, cần đối xử một cách bình đẳng với các nhóm lợi ích nhằm hướng tới giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các nhóm, hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của nhóm lợi ích này tới lợi ích của nhóm khác.

Để mỗi nhóm lợi ích đều có vai trò, vị trí và đóng góp xã hội nhất định, cần đặt chúng trong một mối quan hệ cụ thể, theo những chuẩn mực nhất định của pháp luật. Muốn vậy, cần phải xây dựng một khung khổ pháp luật đầy đủ, theo đó các nhóm lợi ích có được sự đối xử một cách bình đẳng, tương xứng với vai trò, vị trí và hiệu quả đóng góp của nó cho sự phát triển của cộng đồng.

Khi bị các nhóm lợi ích thao túng, các lợi ích của sự phát triển bị thâu tóm bởi những nhóm này. Những lợi ích của các nhóm khác có liên quan bị xâm phạm sẽ tạo ra sự bất công, bất bình đẳng lớn hơn trong xã hội. Điều này làm méo mó những quan hệ xã hội lành mạnh, làm tăng khoảng cách giàu-nghèo và từ đó gây bất ổn xã hội.

Bốn là, cần có các cơ chế giám sát, đảm bảo sự tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách nhằm hướng tới một sự phát triển đất nước bền vững, trong điều kiện ghi nhận sự hiện diện và vận động của lợi ích nhóm.

Để thực hiện được mục tiêu này, những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan. Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình. Thông thường, các nhóm lợi ích sử dụng công cụ vận động hành lang để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Vì thế, cần có luật về vận động hành lang để đưa hoạt động này vào quỹ đạo luật pháp.

Với mọi quốc gia, một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển là phân phối công bằng các lợi ích cho các thành phần trong xã hội và đặc biệt là quan tâm tới lợi ích của những người nghèo. Chỉ có bảo đảm việc phân phối công bằng các lợi ích mới bảo đảm tạo ra một xã hội hài hòa, công bằng và văn minh. Khi đó, sự phát triển mới thật sự bền vững. Muốn vậy, rất cần ứng xử phù hợp với các nhóm lợi ích, như các kiến nghị đã nêu./.

Tài liệu tham khảo:

1. Lobbying Disclosure Act of 1995, truy cập từ http://lobbyingdisclosure.house.gov/lda.pdf;

2. Nguyễn Minh Phong (2012). Nhận diện lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ trong phát triển và tái cấu trúc kinh tế. Truy cập từ http://www.petrotimes.vn/news/vn;

3. Lê Hồng Hiệp (2012). Việt Nam: Cần thận trọng với ảnh hưởng của nhóm lợi ích. Truy cập từ http://www.tuanvietnam.net/2010-05-19-viet-nam-can-than-trong-voi-anh-huong-cua-nhom-loi-ich.

PGS, TS. Phạm Thị Túy
ThS. Trần Đăng Thịnh

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7/2013)