Đóng góp còn khiêm tốn

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp. Về tổ hợp tác, đến nay cả nước có 101.400 tổ hợp tác, tăng 0,58% so với năm 2003, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, tăng 59% so với năm 2003, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 hợp tác xã thành lập mới năm 2003 lên 2.521 hợp tác xã thành lập mới năm 2018…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đóng góp khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, chưa xứng với tiềm năng, trung bình đạt 4%. Mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi còn yếu. Việc nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn yếu….

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là: công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia hợp tác xã...

“Cơ chế huy động phân bổ nguồn lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và kinh tế hộ còn nhiều bất cập. Còn tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới. Năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu…”, Bộ trưởng nói.

Để phát triển bền vững kinh tế tập thể

Phát biểu tại Hội Nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là Hội nghị quan trọng để củng cố niềm tin và đổi mới cách làm; qua đó, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò thực chất của kinh tế tập thể trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta. Nhắc lại những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cho hay, kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ xã viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy đảng cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia… chú trọng đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động hợp tác xã mà Bác Hồ đã chỉ dạy…

“Thể chế pháp luật của chúng ta phải công khai minh bạch, nếu không sẽ dẫn đến tư tưởng hoài nghi về môi trường kinh doanh. Các cấp uỷ, chính quyền cơ quan chức năng nhất là người đứng đầu nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, làm nảy sinh tâm lý hoài nghi về hợp tác xã”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã như đối với doanh nghiệp. Theo đó, 3 đồng hành gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tính dụng, đầu tư… công khai minh bạch, giảm chi phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; xây dưng cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến khu vực kinh tế tập thể. 5 hỗ trợ gồm: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu; đào tạo nhân lực.

“Các giá trị trung tâm cần phải có là “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên hợp tác xã – người lao động – khách hàng – người tiêu dùng – đối tác và đổi mới sáng tạo” trên nền tảng tổ chức quán trị hiện đại theo cơ chế thị trường” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần kiên trì tổ chức hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả cùng có lợi; đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm tốt, cách làm hay của nhiều quốc gia trên cơ sở tổng kết; trong đó, chú ý thỏa đáng vấn đề quyền tài sản đất đai và đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ. /.

Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của nước ta trong suốt 15 năm qua.