Hội thảo các quan điểm và mục tiêu phát triển trong thời kỳ chiến lược 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra ngày 14/11/2019 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đại diện 7 đơn vị trực tiếp liên quan đến chủ đề và thường trực Tổ Biên tập, thành viên hội đồng lý luận Trung ương, tiểu ban Văn Kiện và 1 số chuyên gia do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tổ Biên tập đã được thành lập và hoạt động hơn 1 năm, làm rất nhiều bước, nhiều vòng với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể cùng tham gia trong việc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, nên cần phải có cách tiếp cận mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Anh: Đức Trung

“Tiểu ban và Tổ Biên tập nhận thấy, đây là thời điểm hết sức quan trọng của đất nước, thực hiện tổng kết đánh giá một cách tỷ mỉ và đưa ra con đường đi, phát triển mới mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn. Trước yêu cầu đó, việc tham gia của các cơ quan của các tổ chức, các trường nhà khoa học, các bộ, ngành là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Bùi Quang Tuấn đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tới, phải phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai, kèm với đó phải có tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau, nhưng vẫn bảo đảm được các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống vì mục tiêu phát triển con người.

“Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, việc tiếp cận khoa học công nghệ rất dễ, thì đổi mới sáng tạo là chìa khóa vàng cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự bứt phá”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, đổi mới sáng sáng tạo không nên đánh đồng là nguồn nhân lực. Nếu đánh đồng, yếu tố này sẽ bị hẹp và đánh mất cơ hội nhờ vào đổi mới sáng tạo.

“Theo quan điểm của quốc tế, chỉ số đổi mới sáng tạo phải dựa vào nhiều yếu tố, như: thể chế, nhân lực, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, các đầu ra có tính sáng tạo... Do vậy, phải coi đổi mới sáng tạo là một trụ cột riêng bên cạnh 3 trụ cột là thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, trụ cột đổi mới sáng tạo phải có vai trò là số 1”, ông Tuấn kiến nghị.

Bùi Quang Tuấn đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: Đức Trung

Liên quan đến chiến lược phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, khung phát triển bền vững gồm bao gồm 4 trụ cột, gồm: Thể chế; Môi trường; Kinh tế; và Xã hội. Tuy nhiên, yếu tố Thể chế phải đặt lên hàng đầu.

“Trong phát triển bền vững, thể chế không phải là mục tiêu cuối cùng, mà thể chế là phương tiện để đạt được các mục tiêu về Kinh tế; Xã hội và Môi trường. Thể chế phải được coi là yếu tố hỗ trợ cho các yếu tố còn lại”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khoa học công nghệ và con người là 2 vấn đề quan trọng; Tổ Biên tập, Tiểu ban đã thống nhất bổ sung 2 đột phá chiến lược là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là yếu tố số 1, hàng đầu, căn cơ cốt lõi và là xu thế tất yếu, không thể thay đổi được. Đây là cơ hội chứ không phải chúng ta có muốn hay không. Muốn phát triển phải dựa vào đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi trình, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, có nên để quá nhiều đột phát hay không, mặc dù nội hàm vẫn bao gồm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Vì quá nhiều đột phá sẽ bị phân tán, không tập trung và không nổi bật được vấn đề. Chính vì vậy, vẫn để 3 trụ cột là thể chế,

“Vẫn để 3 đột phá là thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vẫn mở ra 2 nội hàm của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa phải được thể hiện, lồng vào trong 3 đột phá hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lồng ghép này rất khó, đồng thời ông mong muốn, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trực tiếp làm, trực tiếp nghiên cứu có thêm tiếng nói, luận cứ, nếu thấy thực sự cần thiết phải tách ra thì cần đề xuất.

“Hơn lúc nào hết, thời điểm hiện nay là quan trọng nhất để chúng ta định đoạt, tự quyết định tương lai vận mệnh của đất nước mình theo cách chủ động, chứ chúng ta chỉ mang tính đối phó. Kế thừa hơn 30 năm đổi mới, cả trong nước, nước ngoài, tổng thể thành tựu và cơ hội, cũng như nguy cơ trước mắt... Tuy nhiên, quan trọng nhất, chúng ta sẽ hoạch định như thế nào cho tương lai của mình, con đường nào, đi như thế nào và bao giờ thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn 2021-2030, Viết Nam cần phải phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và sáng tạo đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát huy tối đa yếu tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện quốc tế ngày càng hội nhập.../.