Nghị quyết 01, 02: Bước đầu củng cố lòng tin thị trường

Theo đánh giá của UBGSTCQG, kinh tế vĩ mô tiếp tục có dấu hiệu tích cực; lạm phát quý 1/2013 kiểm soát ở mức thấp tạo tiền đề tích cực cho việc thực hiện mục tiêu lạm phát cả năm. Trong bối cảnh tổng cầu yếu, lạm phát nhập khẩu không đáng ngại khi giá cả hàng hóa quốc tế ít biến động, chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản, yếu tố tỷ giá sẽ là những nhân tố chi phối việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã định của năm nay.

Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, 2 Nghị quyết lớn của Chính phủ bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế, củng cố lòng tin của thị trường. Cụ thể là:

(1) Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục xu thế ổn định, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số CPI quý I/2012 tăng tăng thấp nhất kể từ năm 2009;

(2) Tăng trưởng quý I cao hơn so với cùng kỳ, ngành xây dựng phục hồi nhẹ (tăng 4.79%) từ mức tăng trưởng âm của cùng kỳ năm ngoái cùng với sự cải thiện của thị trường bất động sản. Hoạt động sản xuất bước đầu có dấu hiệu chuyển biến. Cán cân thương mại thặng dư;

(3) Tỷ giá ổn định, dữ trữ ngoại hối được cải thiện rõ rệt;

(4) Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm;

(5) Các tổ chức xếphạng quốc tế đã có những nhận định lạc quan hơn khi những rủi ro của nền kinh tế có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, trước thực trạng: số lượng doanh nghiệp giải thể phá sản vẫn cao, tín dụng ngân hàng hầu như không tăng, cầu tiêu dùng còn yếu, giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt 15,4% dự toán năm,việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 01 & 02/NQ-CP đang là một yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Về tiêu dùng, doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%, so với mức 5% của quý 1/2012; khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 4,9%, so với mức 10,3% của quý 1/2012. Về đầu tư, đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (giảm 4,9% so với cùng kỳ) trong khi vốn tín dụng chỉ tăng 0,03% và số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới giảm 6,8% so cùng kì năm trước.

Về lạm phát, mức tăng thấp của lạm phát quý 1 phản ánh tổng cầu của nền kinh tế và sức mua hiện vẫn rất thấp, bất chấp yếu tố thời vụ Tết Nguyên Đán nằm trong quý. Phân tích cụ thể các nguyên nhân chính tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm 2013, cơ quan này cho rằng:

(i) tổng cầu nền kinh tế hiện vẫn rất thấp nên áp lực lạm phát cầu kéo sẽ không lớn; yếu tố tiền tệ sẽ có những tác động nhất định với độ trễ nhưng không đáng lo ngại;

(ii) yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động và đặc biệt là giá gạo vẫn trong xu hướng giảm;

(iii) áp lực lạm phát do yếu tố chi phí đẩy đang có những dấu hiệu gia tăng kể từ cuối năm 2012.

Do đó, những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm.

Một số kiến nghị

Cơ quan tài chính quốc gia này đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Một là, căn cứ vào nhận định như trên, từ nay đến cuối năm 2013, cần tiếp tục và tăng cường tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 cao hơn 2012.

Về chính sách tiền tệ ngân hàng: tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa VAMC – công ty mua bán nợ đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản; thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt, hài hòa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.

Về chính sách tài khóa: cân nhắc khả năng giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khắc phục hiện tượng chuyển giá; xem xét giảm thuế VAT.

Hai là, đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02 và có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một cách sâu rộng, nhất là việc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước./.