Phải đẩy mạnh cải cách

Trong báo cáo của mình, ADB cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 đã tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua. Tuy nhiên, kinh tế năm 2012 được đánh giá là ổn định nhờ thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó đã kiềm chế lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

Năm 2012, mặc dù Chính phủ đã nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. ADB cho rằng, hoạt động tín dụng vẫn bị hạn chế do sự không rõ ràng về tình hình tài chính của các ngân hàng. Cơ quan này cũng đưa ra 2 lý do nữa khiến tăng trưởng tín dụng vẫn thấp: (1) Các ngân hàng thương mại thận trọng trong việc cho vay; (2) Nợ công ngày càng tăng, lên đến 55%. ADB cũng lưu ý, khả năng nợ công sẽ còn tăng trong tương lai do nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ phải thực hiện giải quyết.

ADB cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu: "Chính phủ cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa".

Tuy nhiên, ADB cũng đã chỉ ra những rủi ro đối với tiến trình cải cách. Chẳng hạn như: Các ngân hàng liệu có đủ vốn cung cấp cho thị trường; Mức nợ xấu chưa được thống kê rõ ràng theo tiêu chuẩn quốc tế; Phần lớn các ngành kinh tế đều gặp khó khăn trong năm ngoái, hầu hết doanh nghệp niêm yết giảm lợi nhuận; Bất động sản tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đi xuống. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến khu vực tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Về thị trường bất động sản, ADB cho rằng gói cứu trợ 30 nghìn tỷ mà Chính phủ đưa ra nếu nhằm trúng đích sẽ có tác dụng an sinh tốt, nhưng tác dụng đối với toàn bộ thị trường bất động sản thì không vì nó không nhắm vào phân khúc cao cấp. Mà đây chính là điểm nghẽn của thị trường bất động sản.

Chính sách của khu vực tài chính để xử lý nợ xấu như việc thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) cũng chưa rõ ràng. Vốn cho công ty mua bán nợ ở đâu và sự thiếu hụt thông tin nên việc định giá tài sản rồi bán đấu giá là cả một vấn đề.

Dự báo cho năm 2013, ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt hơn 5,2% trong năm nay và 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014. Lạm phát trung bình năm nay được ADB dự báo vào khoảng 7,5%, thấp hơn so với dự báo trước đây do cầu nội địa thấp hơn dự báo. Trong khi đó, lạm phát năm 2014 được dự báo sẽ cao hơn, ở mức 8,2%. Mức dự báo này được đưa ra với giả định các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

Vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Mặc dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa mấy sáng sủa, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Lý đo được đưa ra là nhờ có quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào đang gia tăng và chi phí lao động thấp. Ưu thế chi phí lao động hiện chỉ chỉ kém Myanmar. Cải cách lương khiến chi phí lao động có tăng lên nên Việt Nam cần duy trì các lợi thế cạnh tranh khác nữa.

Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có ý ngừng đầu tư ở Việt Nam. Chẳng hạn, thu hút FDI từ Nhật vẫn tăng do chi phí trong môi trường kinh tế Nhật đắt đỏ, như giá điện tăng chẳng hạn. Tất cả yếu tố này khiến Việt Nam vẫn là môi trường hấp dẫn cho đầu tư.

Tuy nhiên, ông Mellor cũng lưu ý tình trạng doanh nghiệp trong nước ít được hưởng lợi từ FDI do các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải nhập khẩu nguyên vật liệu thô, lý do trong nước chưa đáp ứng được. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp hơn các nước khác, hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước thấp.

Ông Tomoyuki Kimura lưu ý, trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2015 đang đến gần, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh về FDI ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á. Việc duy trì nguồn vốn này và đảm bảo năng lực cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn. Việt Nam cần phải cải thiện 3 điểm yếu: cơ sơ hạ tầng, ổn định vĩ mô, giáo dục để có thể thu hút nhiều hơn FDI./.