Ba bất ngờ trong bức tranh kinh tế 2012

1. GDP: Thấp hơn so với dự đoán: Mặc dù đã lường trước được tình hình kinh tế khó khăn, nhưng có thể nói, tăng trưởng GDP theo như công bố thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia và Chính phủ. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011.

Đây là con số thấp hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người. Ngay trong văn bản của Chính phủ gửi đến CG 2012 vừa được tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội, thì Chính phủ vẫn dự đoán mức tăng trưởng là 5,2%.

Cụ thể, mức tăng GDP từng quý như sau: quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,08%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.

Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7% điểm phần trăm.

Nhận định về mức tăng trưởng này, Tổng cục Thống kê nhận định: “Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,8% của năm 2011 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp thực hiện của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ”.

2. CPI tăng thấp hơn dự tính: Một điều bất ngờ khác là chỉ số tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Nhìn con số chung, diễn biến giá năm nay có phần nào giống với diễn biến giá năm 2009 khi cùng cán đích ở mức dưới 7% mặc dù năm trước đó là gần 20%.

Tuy nhiên, nếu xem xét diễn biến từng thành phần, thì năm 2012 khác hẳn nhau về bản chất so với 2 năm trước đó. Lạm phát chung năm 2009 là 6,52% nhưng lạm phát cơ bản loại trừ lương thực thực phẩm gần 8%. Những con số này minh chứng rằng tiền tệ đóng vai trò chủ yếu trong diễn biến giá cả năm 2009. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2009 gần 38%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá đã tăng 11% so với năm trước.

Diễn biến giá cả của các nhóm hàng chủ yếu cũng khá giống nhau. Ngoại trừ nhóm giao thông, nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng ảnh hưởng của giá dầu thế giới và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác ảnh hưởng bởi “cơn bão giá vàng” để tăng trên 10%, thì các nhóm hàng còn lại tăng xung quanh chỉ số chung. Trong đó, với quyền số lớn nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng cả năm là 5,78% cũng đóng góp đáng kể 2,3% vào mức tăng chung 6,81%.

Năm 2012, diễn biến CPI rất khác trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Nhóm giữ quyền số trong CPI trong năm là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng tới 45,23%, đóng góp 2,5% trong tổng số 6,81% chung cả năm. Và, đây cũng là năm đầu tiên y tế vượt qua ăn uống đứng đầu trong nhóm ảnh hưởng lớn đến sức tăng của CPI năm. Bên cạnh đó, nhóm giáo dục cũng tăng tới 16,97% và đóng góp thêm 1,14% tăng chung cả năm.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1,0% vào tháng Một và tăng 1,37% vào tháng Hai) nhưng tăng cao nhất vào tháng Chín với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá vàng tháng 12/2012 tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 0,4% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2012 tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,96% so với tháng 12/2011.

“Điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Trong năm có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nêu rõ.

3. Năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu: Năm 2012 cũng là năm xuất siêu đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, với mức 284 triệu USD. Trong năm chỉ có ba tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 0,6 điểm phần trăm.

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay có sự thay đổi so với năm trước: Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 51,7 tỷ USD, tăng 49,9% và chiếm 45,1% (năm 2011 là 35,6%), chủ yếu do tăng kim ngạch của điện thoại và linh kiện, tăng 6,2 tỷ USD (tăng 97,7%). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2011 nhưng tỷ trọng giảm từ 40,3% năm 2011 xuống 34,1% năm 2012. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước nhưng tỷ trọng không đổi với 15,4%. Nhóm hàng thuỷ sản đạt 6,2 tỷ USD, xấp xỉ năm 2011 và tỷ trọng giảm từ 6,3% năm 2011 xuống 5,4% năm 2012.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta năm 2012, EU vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây (không tính đến năm 2009). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 tăng 7,4% so với năm 2011.

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2011, nhóm tư liệu sản xuất ước tính đạt 106,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,2%, tăng so với mức 90,6% của năm 2011, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có liên quan đến lắp ráp hàng xuất khẩu tăng từ 29% lên 36,9%. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu chiếm 56,3%, giảm so với mức 61,6% của năm trước; nhóm hàng tiêu dùng đạt 7,8 tỷ USD, chiếm 6,8%, giảm so với mức 7,6% của năm 2011.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2011 và chiếm 25,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; tiếp đến là ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 0,3% và chiếm 18,3%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 13,6%; Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,2% và chiếm 10,2%; EU đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3% và chiếm 7,7%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 4,7% và chiếm 4,1%.

Kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18%; dịch vụ vận tải 2,1 tỷ USD, giảm 15,5%. Kim ngạch dịch vụ nhập khẩu năm 2012 ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2011, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 6%; dịch vụ du lịch 1,9 tỷ USD, tăng 8,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2012 là 3,1 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2011 và bằng 32,8% kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012.

Những điểm cần được ưu tiên trong năm 2013

Nhận định rằng, mặc dù đạt được một số thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2012, nhưng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: "kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc”. Cụ thể: Các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng dự kiến không đạt kế hoạch đề ra. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Thị trường bất động sản trầm lắng, chưa có khả năng phục hồi; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Khu vực doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó vay vốn tín dụng, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, tiêu dùng và tâm lý xã hội. Việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế chưa có sự chuyển biến căn bản. Tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Từ việc đánh giá những mặt chưa đạt được trong bức tranh kinh tế năm 2012, bước sang năm 2013, năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Chính phủ tiếp tục tập trung mục tiêu “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.Theo đó, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Box : Một số chỉ tiêu chủ yếu kinh tế năm 2013

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%.

- Kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóađể bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc và sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong trung và dài hạn. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý.

- Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, giảm hàng tồn kho, cụ thể:

Một là, thực hiện tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế. Mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Quản lý chặt việc buôn bán qua biên giới.

Ba là, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm thông qua công cụ tín dụng, lãi suất. Thực hiện khoanh nợ hoặc bảo lãnh cho những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng đang gặp khó khăn tạm thời.

Bốn là, thực hiện các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo khả năng tăng thu về sau bằng các biện pháp về thuế, phí và các gói hỗ trợ ngay trong nửa đầu năm với mức độ lớn hơn, thời gian dài hơn để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (thủ tục hải quan, thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đầu tư, đăng ký kinh doanh...) để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

- Tập trung giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng: Nợ xấu đang cản trở tín dụng không đến được doanh nghiệp, là nguy cơ làm mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Trong năm 2013, Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý là nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách.

- Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: Bất động sản, nhất là nhà ở là một loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu.

- Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lựcđầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Thu hút và đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, quản lý có hiệu quả đầu tư gián tiếp nước ngoài; hoàn thiện cơ chế bảo đảm lợi ích của Nhà nước và các bên có liên quan để thu hút nhiều dự án đầu tư theo hình thức công - tư kết hợp. Ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, quốc phòng an ninh, biên giới biển đảo, các dự án lớn quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng cấp bách, vốn đối ứng ODA, dành một phần vốn thỏa đáng để tham gia các dự án hợp tác công tư (PPP).Tập trung triển khai thực hiện nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14.

- Đẩy mạnh cổ phần hoá và tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước. Tiếp tục triển khai tái cơ cấu các tổ chức tài chính, tín dụng. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụngnăng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

- Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệvà chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó tập trung: Thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đầu tư và phát huy hiệu quả các khucông nghệ cao, vườn ươm công nghệ. Có cơ chế, chính sách thu hút mạnh các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường,phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu đã ký kết. Xây dựng các chương trình hành độngthực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020; triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Tổ chức huy động và thực hiện có hiệu quả nguồn lực để thực hiện các chương trình.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa.

- Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sáchphân cấp, quản lý đầu tư công. Nghiên cứu xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), ban hành Nghị định về Kế hoạch đầu tư trung hạn; đồng thời, triển khai việc giao kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015. Sửa đổi Quyết định 135/QĐ-TTg về cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng Trung ương chỉ quản lý mục tiêu và tổng mức đầu tư; các địa phương có quyền chủ động phân bổ vốn, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện mục tiêu của chương trình.