Bức tranh doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt và bất bình đẳng

DNNN và DN FDI vẫn đang được hưởng nhiều ưu đãi

Mặc dù trong quá trình đổi mới kinh tế, Việt Nam đã chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp có quy mô khác nhau và thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt và bất bình đẳng về môi trường kinh doanh.

Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI vẫn nhận được ưu đãi nhiều hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các doanh nghiệp lớn vẫn được tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực và thành quả tăng trưởng.

Thực tế trong thời gian qua, khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng quá cao (so với các nước khác) trên mọi khía cạnh hoạt động của nền kinh tế. Đặc biệt, vẫn có những đặc quyền đặc lợi riêng, được ưu đãi nhiều về các nguồn lực (về tài nguyên và đất đai và các lợi thế khác, nhất là lợi thế độc quyền tự nhiên. Trong nhiều trường hợp làm bóp méo cả các quy luật của thị trường, trong khi đó hiệu quả kém và giảm sút.

Xét mức độ ưu đãi trong tiếp cận nguồn lực, theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy: khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn dành được nhiều ưu đãi, đặc biệt trong khả năng tiếp cận với đất đai và tín dụng, với nguồn lực cơ sở hạ tầng cứng và mềm, tiếp cận lao động có kỹ năng so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và kể cả với doanh nghiệp FDI.

Trong nội bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển nhiều hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp FDI cũng đang được hưởng ưu đãi rất nhiều và trên mọi phương diện. Điển hình là các doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên tiếp cận đến các địa bàn có điều kiện hạ tầng thuận lợi như gần sân bay, bến cảng, đường cao tốc... Vì thế, doanh nghiệp FDI tập trung nhiều ở các vùng điều kiện thuận lợi như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Tình trạng này cho thấy chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo địa bàn chưa hiệu quả trong thu hút FDI tới những vùng khó khăn.

Cùng với đó, ưu đãi trong chính sách thuế đối với các doanh nghiệp FDI, thuế vừa ưu đãi về ngành nghề, vừa ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, vừa ưu đãi về dự án đầu tư, dự án mở rộng, ưu đãi đầu tư lớn vào những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư ở Việt Nam.

Kết quả là đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Cụ thể, tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI năm 2017 so với năm 2016 chỉ đạt 7% thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%). Thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thu được của doanh nghiệp FDI trung bình chỉ 10,7% (do họ tận dụng được các ưu đãi) trong khi thuế suất phổ thông là 20%. Mặc dù khu vực FDI tăng trưởng nhanh, với lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 181% và chiếm tới 48% tổng lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo số liệu điều tra doanh nghiệp (năm 2017), thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước.

Đó cũng là một trong những lý do khiến các mục tiêu lớn khi thu hút FDI là việc làm, thu ngân sách sách và chuyển giao công nghệ đều chưa đạt được.

Thực tế, với khoảng 21.450 doanh nghiệp song lao động trong khu vực FDI chỉ chiếm 2,6 triệu trong tổng số 14,5 triệu lao động. Về thu ngân sách không được nhiều khi ưu đãi và chuyển giá quá lớn. Tương tự, mục tiêu chuyển giao công nghệ cũng không thành công.

Khu vực DN tư nhân vẫn còn "bị phân biệt đối xử"

Doanh nghiệp tư nhân của nước ta nhìn chung còn yếu: (i) Quy mô còn nhỏ (theo số liệu thống kê 2017, có tới 31,33% GDP của Việt Nam được tạo ra từ kinh tế gia đình, tính chất sản xuất quy mô nhỏ, đơn giản, kỹ thuật lạc hậu đã chứa đựng nhiều những khó khăn, hạn chế trong điều kiện nền kinh tế mở cửa, hội nhập cạnh tranh gay gắt hiện nay); (ii) Rất thiếu các năng lực, các nguồn lực cần thiết. Các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quản trị công ty, trình độ công nghệ và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thị trường; (iii) Thiếu sự liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước rất thấp, tương ứng chỉ có 6,9% và 15%.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, các rào cản đối với khối kinh tế tư nhân còn khá nhiều:

(i) Còn có sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận nguồn lực và trong nhận thức của hệ thống chính trị;

(ii) Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu sự an toàn, minh bạch;

(iii) Quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ một cách hiệu quả; Chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; (iv) Môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh;

(v) Đặc biệt, tỷ lệ huy động các loại thuế và phí vào ngân sách còn lớn đã thiếu khuyến khích các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Một số giải pháp cần thực hiện

Để tăng trưởng bao trùm giữa các loại hình doanh nghiệp nghiệp, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đằng.

Theo đó, Nhà nước cần xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào nhà nước cần rút ra, thực hiện đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp còn lại, áp dụng cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Nhà nước cần tạo sân chơi tốt cho khu vực này trong thời gian tới và song cũng c.ần làm cho nó có tác động tích cực đến nền kinh tế và tới các loại hình doanh nghiệp khác theo yêu cầu của tăng trưởng bao trùm, theo đó, cần một trong những nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là cần có các chính sách quản lý chặt chẽ, trong đó chính sách chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, Nhà nước cần đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn về năng lực trình độ cũng như năng lực quản trị.

Đặc biệt, cần xây dựng và thực thi các chính sách thúc đẩy liên kết khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI, hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế, bằng cách phối hợp hoặc có thể yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp nội địa và liên kết với các doanh nghiệp nội địa trong sản xuất./