Mặc dù NSLĐ của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng so với các nước tiên tiến trong khu vực thì vẫn còn khoảng cách không nhỏ

NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tiếp tục được cải thiện

Những năm qua, NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Điển hình như, năm 2017, NSLĐ đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP, cao hơn so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012.

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); NSLĐ tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.

Có thể nói, NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm, nhưng NSLĐ đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm); Malaysia (2%/năm); Thái Lan (3,2%/năm); Indonesia (3,6%/năm); Philippine (4,4%/năm).

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.

Điều đáng chú ý là năng suất lao động theo khu vực kinh tế và ngành kinh tế NSLĐ Việ Nam có sự khác biệt nhất định giữa các ngành kinh tế. Trong đó, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế (Bảng 1).

Bảng 1: Năng suất lao động theo giá hiện hành phân theo khu vực kinh tế

Triệu đồng/lao động

NSLĐ

Chia ra

Nông, lâm nghiệp thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2011

55,2

22,3

83,6

66,9

2012

63,1

25,6

99,9

74,8

2013

68,7

26,4

107,3

83,0

2014

74,7

28,6

116,5

89,9

2015

79,4

30,6

116,0

94,9

2016

84,5

32,9

111,6

103,6

2017

93,2

35,6

120,8

112,9

Sơ bộ 2018

102,2

39,8

131,0

118,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

NSLĐ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong các thành phần kinh tế, NSLĐ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu, năm 2015 đạt 368 triệu đồng (theo giá hiện hành), gấp 1,4 lần khu vực nhà nước (258,9 triệu đồng) và 8,3 lần khu vực ngoài nhà nước (44,5 triệu đồng).

NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp gấp trên 3 lần mức NSLĐ chung của cả nước (Bảng 2). Việc gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực nhất định đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước.

Bảng 2: Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp (Giá hiện hành)
Triệu đồng/lao động

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tổng số

185,1

210,4

213,6

214,3

236,8

276,8

298,7

Chia theo loại hình DN

DN Nhà nước

393,9

487,0

545,5

528,4

526,7

684,2

678,1

DN ngoài Nhà nước

121,4

130,6

126,4

141,6

162,7

193,3

228,4

DN FDI

218,4

235,1

251,2

243,1

291,0

314,6

330,8

Chia theo khu vực kinh tế

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

113,7

107,2

89,4

81,3

92,5

103,1

120,5

Công nghiệp và xây dựng

159,2

196,1

209,3

207,9

233,8

254,6

270,7

Dịch vụ

244,7

248,8

235,4

242,0

256,7

334,9

365,4

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng NSLĐ thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đổi mới và ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng của các ngành kinh tế.

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia). Trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28. Chỉ số Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số Chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48; chỉ số Hợp tác Đại học và Doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59.

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học và công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ và đã đạt được kết quả tương xứng.

Khoảng cách chênh lệch tuyệt đối với nhiều nước ASEAN vẫn tiếp tục gia tăng

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% NSLĐ của Philippines. Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Nguyên nhân chủ yếu khiến NSLĐ của Việt Nam còn thấp, đó là do chuyển dịch cơ cấu lao động.

Mặc dù, quá trình chuyển dịch diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp.

Cùng với đó, việc máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu cũng khiến NSLĐ của Việt Nam còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam được xếp hạng chung là 77/140 quốc gia, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều (Mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp hạng 90; Tăng trưởng của các doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo: 90; Kỹ năng số hóa của dân số: 98; Kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp: 128; Chất lượng đào tạo nghề: 115; Ứng dụng các sáng chế: 89).

Điều này cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Một hạn chế khác khiến NSLĐ thấp đó là do chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa cao. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tăng dần qua các năm, nhưng đến năm 2011 tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 15,4%, năm 2018 đạt 21,9%. Như vậy, cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm 78,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Ngoài ra, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo của nước ta còn bất hợp lý, năm 2015 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là: 1-0,35-0,63-0,38, điều này cảnh báo thực trạng thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao.

Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến.

Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ. Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng là một vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến NSLĐ của Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, cùng một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính cũng khiến NSLĐ của Việt Nam còn thấp.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của TFP cho tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua còn ở mức thấp, giai đoạn 2001-2010 chỉ đạt 4,3%.

Trong giai đoạn 2011-2018, đóng góp của TFP được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp là 37,7%, trong khi đóng góp của vốn và lao động là 62,3%.

Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP cho thấy, trình độ phát triển khoa học công nghệ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất, kinh doanh của lao động Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách nhằm nâng cao NSLĐ, như: ban hành các chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xây dựng các chính sách khuyến khích áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách đào tạo nghề, đào tạo nhân lực tốt, hiệu quả; xây dựng nguồn nhân lực hiện đại, có ý thức kỷ luật cao đáp ứng yêu cầu hiện nay…/.