Tăng trưởng việc làm của nữ nói chung cao hơn của nam

Những điểm sáng

Thời gian qua, hệ thống thông tin thị trường lao động phát triển tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm được xây dựng, bước đầu đã quản lý, theo dõi được cung - cầu lao động trên thị trường; cổng thông tin điện tử việc làm đã cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động; kịp thời đề xuất các giải pháp phục vụ cho công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cũng như kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách góp phần hỗ trợ phát triển, hoàn thiện tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm, bao gồm các trung tâm dịch vụ việc làm công lập và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm.

Đến hết năm 2018, cả nước có 98 trung tâm dịch vụ việc làm công lập. Trong đó, 63 trung tâm dịch vụ việc làm do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giao sở lao động, thương binh và xã hội quản lý; 35 trung tâm thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Cục Việc làm, trong giai đoạn 2008-2017, 63 trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.780.000 lượt người, trong đó số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 5.113.455 lượt người, chiếm 27,2% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018 đã tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch.

Trong đó, đã tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa trên 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ môi giới được tạo việc làm trên 48%.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2018 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 142 nghìn người (tăng 7% so với năm 2017), nhiều thị trường mới được mở cửa. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm và số lượng liên tục tăng qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Đài Loan trở thành thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 người, tiếp đến là Đài Loan với khoảng 65.000 lao động, Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 6.000 lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm so với dân số trên 15 tuổi năm 2017 đạt 75,2%, tương đối cao so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập tương đương Việt nam. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm luôn duy trì ổn định ở mức thấp, chỉ trên dưới 2%. Trong đó, thất nghiệp thành thị ở mức trên 3%. Tỷ lệ thiếu việc làm chỉ dưới 2%, chủ yếu là ở nông thôn (Bảng).

Bảng: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi phân theo thành thị, nông thôn (%)

Năm

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thiếu việc làm

Cả nước

Thành thị

Nông thôn

Cả nước

Thành thị

Nông thôn

2010

2,88

4,29

2,3

3,57

1,82

4,26

2011

2,22

3,6

1,6

2,96

1,58

3,56

2012

1,96

3,21

1,39

2,74

1,56

3,27

2013

2,18

3,59

1,54

2,75

1,48

3,31

2014

2,1

3,4

1,49

2,35

1,2

2,9

2015

2,33

3,37

1,82

1,89

0,84

2,39

2016

2,3

3,23

1,84

1,66

0,73

2,12

2017

2,24

3,18

1,78

1,89

0,84

2,39

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vẫn còn nhiều điểm tối trong bức tranh việc làm bền vững

Số việc làm tạo ra trong nền kinh tế tuy vẫn tăng, nhưng đang có xu hướng chậm dần từ 2,9% năm 2005 xuống 2,7% năm 2010, và 0,2% năm 2015. Trong hai năm 2016 và 2017, tăng trưởng việc làm cao hơn, đạt tương ứng 0,9% và 0,8%. Tăng trưởng việc làm của nữ nói chung cao hơn của nam, trừ năm 2015 khi số lao động nữ trong nền kinh tế giảm nhẹ (-0,4%).

Việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động lao động tại một số địa phương còn hạn chế; thông tin thị trường lao động còn thiếu và bị chia cắt; hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù chưa được thiết kế đầy đủ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của thị trường.

Công tác giải quyết việc làm nhìn chung vẫn chưa bền vững khi khá nhiều công việc chưa mang tính lâu dài với năng suất và mức thu nhập còn thấp.

Theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới về “Tương lai việc làm Việt nam” (2018), chỉ có 24% số lao động có việc làm có hợp đồng lao động vào năm 2015, đồng nghĩa với việc làm của nhóm này tương đối ổn định, có hệ thống bảo hiểm đi kèm. Trong khi đó, có tới 76% số việc làm còn lại không có hợp đồng lao động, bao gồm việc làm của các hộ hoạt động nông nghiệp, hộ kinh doanh phi nông nghiệp, việc làm được trả lương nhưng không có hợp đồng lao động.

Với những việc làm này, người lao động sẽ phải đối mặt với các rủi ro như: (i) bấp bênh, không ổn định về thu nhập; (ii) thu nhập trong các lĩnh vực này thường thấp hơn so với mức trung bình; (iii) không được hưởng các lợi ích của hệ thống an sinh xã hội như hưu trí, thất nghiệp, an toàn lao động.

Việc làm bấp bênh, dẫn tới thu nhập thấp và không ổn định, ảnh hưởng về khả năng (tài chính) tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, nhất là đối với lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi không có bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ không được sự bảo vệ về thu nhập, đặc biệt khi không còn khả năng lao động (nghỉ hưu). Đây là hệ lụy lớn nhất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ.

Bên cạnh đó, việc làm bếp bênh đồng nghĩa với việc người lao động dễ gặp rủi ro trong cuộc sống, bị “nghèo hóa”, làm gia tăng các chi phí của hệ thống an sinh xã hội, làm hệ thống an sinh xã hội quốc gia có nguy cơ không được đảm bảo.

Điều đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp lớn, đặc biệt ở nhóm lao động trẻ, làm cho thị trường lao động kém hiệu quả (không toàn dụng lao động); tăng chi phí bảo hiểm xã hội (chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp), tăng chi phí đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động và tăng chi phí cho bộ máy quản lý.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,0%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2018 là 2,19%, trong đó khu vực thành thị là 3,10%; khu vực nông thôn là 1,74%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2018 ước tính là 7,06%, trong đó khu vực thành thị là 10,56%; khu vực nông thôn là 5,73%.

Đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng và đại học trở lên năm 2017 tương ứng là khoảng 11,2% và 24,8%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ này của thanh niên chỉ có trình độ sơ cấp hoặc trung cấp tương ứng là 6,0% và 14,4%.

Một vấn đề khác là lao động trong khu vực phi chính thức còn quá lớn, chậm chuyển dịch sang nền kinh tế hiện đại hơn, kéo theo độ bao phủ của bảo hiểm xã hội khó có thể mở rộng, mục tiêu bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động khó thực hiện và vì vậy mở rộng lưới an sinh cho mọi người lao động thông qua chính sách bảo hiểm xã hội cũng khó hoàn thành.

Theo Tổng cục Thống kê, mới chỉ có 30% lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong khu vực kinh tế chính thức; như vậy, 70% lực lượng lao động còn lại đang làm việc ở khu vực phi chính thức. Đa số họ thuộc nhóm lao động dễ bị “tổn thương”, hay nói cách khác, việc làm của họ thiếu bền vững, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng ven đô, vùng đang đô thị hóa.

Hơn nữa, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc ký kết hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên; nội dung hợp đồng lao động chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

Trong việc thương lượng, giao kết hợp đồng lao động, người lao động luôn yếu thế. Bản thân họ cũng không nắm đầy đủ quy định pháp luật về quyền và lợi ích của mình, thiếu các kỹ năng thương lượng.

Một số giải pháp cần thực hiện

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo cơ hội việc làm, đảm bảo việc làm bền vững và an toàn cho mọi người lao động trong xã hội, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động; bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ, ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó quan tâm đến đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ những trở ngại về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới dạy nghề; quan tâm đào tạo công nhân có trình độ cao, trình độ lành nghề để cung ứng cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đào tạo theo định hướng cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thực tế sản xuất, tạo khả năng cung cấp lao động có chất lượng cao về tay nghề, kỹ năng, sức khỏe và tác phong công nghiệp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế và kết nối cung - cầu lao động. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ để nhanh chóng tạo ra việc làm và khả năng thu hút lao động vào sản suất.

Cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách và sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường lao động, hỗ trợ thiết thực việc phát triển thị trường lao động phù hợp với các thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam. Tăng cường năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm và hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm để bảo đảm hiệu quả thông tin cung - cầu lao động, tạo kết nối cho nhiều mối quan hệ lao động mới.

Tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; tập trung đào tạo ngoại ngữ, pháp luật, tay nghề cao cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là đối với những nước có trình độ phát triển cao và đang có nhu cầu thu hút lao động cho các ngành nghề sản xuất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động về chính sách xuất khẩu lao động; chuẩn bị đủ nguồn lao động đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động. Cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự thông thoáng và giảm phiền hà cho người lao động và doanh nghiệp./.