Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện xã hội rộng khắp và bền vững, một số nhóm vẫn tụt lại phía sau về nhiều khía cạnh, ví dụ như thu nhập, y tế, giáo dục, nước và vệ sinh... đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng sâu/vùng xa, người di cư, và người khuyết tật.

Đời sống của trẻ em DTTS vẫn còn nhiều khó khăn

Đồng thời, nhiều nhóm dân số, đặc biệt là các hộ nghèo ở khu vực miền núi và ven biển, và thậm chí ở một số khu vực ở đồng bằng, đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn do các cú sốc do biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách để xây dựng hệ thống an sinh xã hội phát triển. Tuy nhiên, nhưng mạng lưới này mới chỉ bao phủ một tỷ lệ nhỏ dân số ở Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu của Ngô Thắng Lợi (2019) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội trong tổng số doanh nghiệp mới đạt trên 30%; Các hộ gia đình hưởng lợi từ sự trợ giúp còn rất hạn hẹp. Trung bình người dân hưởng lợi mới chỉ nhận được từ mạng lưới an sinh tương đương 5% thu nhập của hộ gia đình.

Về giáo dục, ngoài một số chính sách như cho vay đối với học sinh nghèo, hay những khoản tài trợ qua các chương trình tài trợ của các tổ chức xã hội hay cá nhân cho người nghèo, nhìn chung, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách giá khác nhau đối với các nhóm người có thu nhập khác nhau, hay cụ thể hơn là người nghèo, những người dễ bị tổn thương trong xã hội chưa có được chính sách giá thấp khi tham gia dịch vụ công. Nhà nước có những chính sách hướng tới bảo vệ người nghèo như chính sách bình ổn giá, nhưng nội dung hay cách thức tổ chức thực hiện bình ổn giá lại không thuận lợi cho người nghèo và nhiều khi, các thành phần không nghèo lại được hưởng lợi từ chính sách này.

Điều đáng lưu ý là trợ cấp về giáo dục cho người nghèo không đủ trang trải chi phí học hành. Theo số liệu điều tra khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, chi phí giáo dục đào tạo bình quân cho một người đi học trong một năm càng ngày càng tăng, trong khi thu nhập của các hộ gia đình ở nông thôn tăng không đáng kể. Trong khi đó, theo GS, TS. Ngô Thắng Lợi, vẫn còn sơ hở trong quản lý đối tượng được hưởng trợ cấp khi có đến 29,5% nhóm người giàu cũng được hưởng ưu đãi về giáo dục.

Trong lĩnh vực y tế, thì kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo còn hạn chế khi số tiền hỗ trợ này quá nhỏ so với chi phí khám chữa bệnh của người nghèo. Mức độ tiếp cận các nguồn lực y tế của người dân nghèo còn hạn chế. Độ bao phủ của các nguồn trợ cấp y tế cũng như các chính sách y tế với người nghèo còn thấp và lại tập trung nhiều vào nhóm giàu. Quản lý thực thi chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng bất công bằng giữa các đối tượng được trợ cấp.

Đặc biệt, sự chênh lệch giữa nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) với cả nước vẫn cao. Theo báo cáo của Chính phủ, nước ta có 53 DTTS với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước.

Đến nay, so với mặt bằng chung, theo báo cáo của Chính phủ, thì vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể ở một số khía cạnh.

Cụ thể, về tình trạng nhà ở. Các nhóm DTTS có nhà ở kiên cố chiếm 14,5%, bằng 2/3 so với bình quân chung của cả nước (46,7%); tỷ lệ nhà bán kiên cố của các hộ DTTS là 70,2% và có đến 15,3% (tương ứng với khoảng 46.526 hộ) hộ gia đình DTTS vẫn đang phải sinh sống trong các ngôi nhà tạm.

Báo cáo cũng cho biết, hiện có 73,3% số hộ DTTS đã được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt, nhưng còn 11 nhóm DTTS có từ 30% đến 50% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh hàng ngày. Thực trạng này cũng là một thách thức rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của người dân DTTS sinh sống ở miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ các hộ DTTS được sử dụng điện lưới thấp hơn 5% so với mức trung bình của cả nước.

Hiện còn 10 DTTS có số hộ sử dụng điện lưới dưới 80%, trong đó, cá biệt có 3 dân tộc Mảng, La Hủ và Lô Lô có dưới 50% hộ có điện sinh hoạt. Quan trọng hơn, tỷ suất sử dụng điện dành cho thắp sáng đơn thuần của các hộ DTTS có tỷ lệ rất cao; bình quân chi phí cho sử dụng điện của mỗi hộ gia đình người DTTS đa phần chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng/hộ/tháng.

Đáng lưu ý là một bộ phận người DTTS còn thiếu đói kỳ giáp hạt, tình trạng dinh dưỡng của một bộ phận lớn trẻ em chưa đảm bảo. Cùng với tình trạng đói nghèo là sự tụt hậu ở vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác của cả nước, khi vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Tỷ lệ xã vùng DTTS không có nhà văn hóa lên đến 53,3%; còn 18.186 thôn, bản (chiếm 37,5%) vùng DTTS chưa có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ thôn, bản có loa truyền thanh chỉ đạt 56,8%.

Sinh kế của người dân vùng DTTS đặc biệt là đồng bào các DTTS hiện nay chủ yếu thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ các nhóm DTTS có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ của khu vực. Thu nhập bình quân đầu người của các DTTS hiện nay trung bình vào khoảng 1,1 triệu/người/tháng, chưa bằng ½ so với mức bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo thấp, trung bình đạt 6,2%, mới bằng gần 1/3 so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 2%, thậm chí có những nhóm DTTS gần 100% lao động chưa qua đào tạo, như: Xtiêng, Brâu, Mảng, Rơ Măm, Ba Na, Phù Lá, Raglay, La Hủ và Khơ Mú.

Tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh của người DTTS trung bình là 44,8%, bằng 1/2 so với tỷ lệ bình quân cả nước là 87,2%. Một số dân tộc, tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT chưa đến 30% như: La Ha, Xtiêng, Ngái, Xinh Mun, Mường, Gia Rai, Bố Y. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn, khoảng cách từ nhà đến các cơ sở y tế xa xôi, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Bối cảnh đó cho thấy, để tăng trưởng bền vững và bao trùm, Việt Nam cần đảm bảo rằng quá trình phát triển sẽ không bỏ ai lại phía sau.

Chúng ta cần tiếp cận những người bị bỏ lại sau nhất đầu tiên, bằng cách áp dụng nguyên tắc “tiếp cận những người ở phía sau nhất trước tiên” trong quá trình lập kế hoạch, xây dựng ngân sách phát triển kinh tế - xã hội và thực thi các chính sách, với các công cụ tài chính cần thiết để hỗ trợ các nhóm yếu thế để đảm bảo rằng họ được hưởng lợi công bằng từ và đóng góp vào, sự phát triển của quốc gia.

Đặc biệt, cần có các chính sách mục tiêu để tăng cường hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế, trong đó ưu tiên cho các nhóm này, và được hỗ trợ qua hoạt động nâng cao năng lực và phân quyền tới cấp thấp nhất có thể trong việc ra quyết định, cũng như thể chế hóa việc lập kế hoạch và lập ngân sách phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin với dữ liệu cập nhật, chất lượng đủ tốt và mức độ phân tổ đủ để giám sát tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững, nhất là trong hỗ trợ nhóm yếu thế trong xã hội./.