Khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam còn thấp

Khả năng cạnh tranh của DN có thể được nhìn nhận theo các hoạt động bổ trợ (kết cấu hạ tầng “mềm” của DN, chất lượng và quản trị lao động, trình độ công nghệ) và các hoạt động cơ bản (hậu cần bên trong và bên ngoài DN, sản xuất, marketing, phân phối...) (Hình 1). Đã có nhiều điều tra, đánh giá về khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam. Nhận định chung là khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam còn yếu cả trong các hoạt động bổ trợ và cả trong các hoạt động cơ bản, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến mối liên kết hiệu quả về mặt chi phí.

Hình 1: Các hoạt động cơ bản của DN

Kết cấu “hạ tầng mềm” công ty (tài chính, kế hoạch, chiến lược,..)

GTGT tăng

Hoạt động bổ trợ

Quản trị nguồn nhân lực

Công nghệ

Mua sắm

Hậu cần trong công ty

Hoạt động sản xuất

Hậu cần bên ngoài

Marketing và bán hàng

Dịch vụ sau bán hàng

Các hoạt động cơ bản

Nguồn: Theo Weis (2002)

Khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn được nhìn nhận là tương đối thấp ngay cả với mức bảo hộ còn tương đối cao. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn một khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTAs), DN có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế (như: tiếp cận, mở rộng thị trường), song sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt do bảo hộ giảm mạnh, nhiều thị trường phải mở cửa cho các công ty nước ngoài.

Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt khi mở cửa thị trường

Theo một tính toán trên cơ sở các cam kết WTO, CEPT và ASEAN-Trung Quốc, tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu (ERP) của Việt Nam, dù giảm đáng kể sau 2007, song nhìn chung vẫn cao gấp hai lần tỷ lệ bảo hộ danh nghĩa (NRP) (Bảng 1). ERP đôi với công nghiệp chế biến còn cao, trong khi đối với các ngành nông nghiệp và khai khoáng tương đối thấp. Như vậy, việc xem xét cam kết cắt giảm thuế quan cần được nhìn nhận một cách tổng thể và chi tiết theo từng nhóm ngành hàng, cả mức độ cắt giảm thuế quan trung bình và mức độ bảo hộ thực tế.

Bảng 1: ERP và NRP của các mặt hàng theo các cam kết hội nhập

Đơn vị tính: %

Nông nghiệp

Khai khoáng

Công nghiệp,

Tổng cộng

và thuỷ sản

và khí đốt

chế biến

Năm

ERP

NRP

ERP

NRP

ERP

NRP

ERP

NRP

2006

6,42

5,37

4,33

3,84

38,93

18,69

20,43

10,53

2007

6,20

5,17

4,38

3,84

31,21

15,25

16,93

9,04

2010

4,59

4,13

4,45

3,83

26,78

13,14

14,41

7,78

2015

3,51

3,25

-0,29

0,17

21,14

10,65

10,57

5,64

2020

3,36

3,11

-0,32

0,13

20,76

10,30

10,34

5,43

Nguồn: Theo Phạm Văn Hà (2007) và Trương Đình Tuyển và cộng sự (2011) .

Sức mạnh độc quyền/chi phối thị trường của nhiều DN trong nước (vốn nếu có) cũng khó được duy trì lâu. Hơn nữa, theo quy định của WTO và nhiều cam kết khu vực, các biện pháp can thiệp truyền thống của Nhà nước nhằm ưu ái một số ngành/DN hoặc tạo lợi thế cho DN trong nước so với các công ty nước ngoài cũng sẽ bị hạn chế đáng kể. Như vậy, việc nâng cao GTGT và khả năng cạnh tranh của DN phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của bản thân DN.

Thực tế, WTO vẫn cho phép sử dụng một số biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, chiến lược, chính sách công nghiệp/ngành có hiệu quả và thống nhất với những quy định của WTO cần mang tính toàn diện, bao trùm cả nền kinh tế hơn là hướng tới một số ngành/DN nhất định dựa trên sự ưu ái. Vai trò nhà nước trong phát triển không hề giảm. Nhưng, Nhà nước về cơ bản sẽ chuyển trọng tâm chính sách sang cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư, cạnh tranh và đổi mới/chuyển giao công nghệ.

Lợi thế so sánh tĩnh của các DN Việt Nam hiện chủ yếu là từ nguồn nhân công dồi dào với mức lương tương đối thấp. Tuy nhiên, tập trung khai thác quá mức lợi thế chi phí lao động thấp sẽ là một trở ngại với DN trong việc dần phát triển các sản phẩm có GTGT cao hơn. Việc duy trì đội ngũ nhân công rẻ mà thiếu chính sách đào tạo và đãi ngộ hợp lý sẽ cản trở động lực tăng năng suất lao động và khả năng tận dụng kinh nghiệm của người lao động tích lũy được trong quá trình làm việc. Trong khi đó, tăng năng suất lao động dường như là hợp lý nhất trước tình trạng các DN còn thiếu vốn và có trình độ công nghệ thấp.

Các lý thuyết truyền thống vẫn thường xem xét khả năng cạnh tranh của DN qua lợi thế so sánh về chi phí, hay khả năng sinh lợi trên một đơn vị sản phẩm. Việc phân tích các chỉ số chi phí theo giá trên thực tế và giá thật (giá “bóng”) sẽ chỉ ra những sai lệch chính sách can thiệp hiện hành của Nhà nước và mức độ “trợ giúp” qua chính sách đối với việc duy trì sự tồn tại của DN. Như vậy, DN có thể hiểu mình đang có lợi thế hay bất lợi thế, là người “thắng cuộc” hay “thua cuộc”, do năng lực bản thân, hay do chính sách can thiệp làm méo mó giá cả (đầu vào sản xuất, vốn, đất đai, lao động, tỷ giá) của Nhà nước. Qua đó, DN cùng Nhà nước có thể trả lời được các câu hỏi sau:

- Những nhân tố nào đang thúc đẩy, hay có đóng góp tích cực, còn những nhân tố nào đang hạn chế, hay có tác động tiêu cực đối với tính cạnh tranh của DN?

- DN nên tập trung nỗ lực vào đâu để nâng cao khả năng cạnh tranh?

- Trong bối cảnh mới và theo cam kết hội nhập, nguyên tắc WTO, những chính sách, chương trình và công cụ nào Nhà nước có thể vận dụng để giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh?

Cách tiếp cận theo chi phí trên đây cũng có thể giúp DN nhận biết khả năng sinh tồn trong điều kiện khủng hoảng, hoặc có các cú sốc giá, thị trường từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nhìn nhận theo chi phí (thấp) mới chỉ là sự khởi đầu tạo khả năng cạnh tranh. Sự phát triển kinh doanh năng động là việc chuyển từ lợi thế so sánh về chi phí đến khả năng cạnh tranh về chất. Đó chính là các kỹ năng tổ chức, quản lý của nhà kinh doanh trong toàn bộ các hoạt động cơ bản của chu trình sản xuất kinh doanh: từ tiền sản xuất (chẳng hạn như xác định và thiết kế sản phẩm, mua công nghệ và đầu vào, quản lý nguyên vật liệu và dự trữ), đến bản thân quá trình sản xuất (sử dụng lao động, nâng cao kỹ năng lao động và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng) và sau sản xuất (bao gói, nhãn, giao nhận kịp thời có chất lượng, liên kết thương mại qua liên doanh, bạn đồng hành chiến lược, hợp đồng, marketing, dịch vụ sau bán hàng, và tiếp cận thị trường nước ngoài). Hơn nữa, khả năng cạnh tranh là một khái niệm động. Hiện nay phương pháp phân tích theo lợi thế so sánh tĩnh cũng đã được bổ sung bằng cách tiếp cận đối với khả năng cạnh tranh động tính đầy đủ hơn đến sự thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh, và sự khác biệt về sản phẩm cùng loại (Bảng 2).

Bảng 2: So sánh hai cách tiếp cận phân tích tính cạnh tranh

Phân tích lợi thế so sánh (tĩnh)

Phân tích khả năng cạnh tranh (động)

Phân tích trong các giới hạn đã định

Các giới hạn được xác định để khắc phục

Mốc so sánh = giá quốc tế tham khảo

Mốc so sánh = Các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước

Các hàng hóa tiêu chuẩn

Các sản phẩm được phân biệt lẫn nhau

Mục tiêu = Chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm thấp

Chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm thấp = điểm xuất phát

Hướng vào thương nhân

Hướng vào doanh nhân

Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ở cấp độ toàn bộ nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá tương đối thấp, xếp hạng thứ: 49/53 năm 1997, 53/59 năm 2000, 81/117 năm 2005, 59/139 năm 2010, 65/142 năm 2011, và 75/144 năm 2012. Nhìn tổng thể, ở khu vực Đông Nam Á, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể Indonesia, Malaysia, Singapore, và Thái Lan.

Xét trên nhiều chỉ số, mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ tương đương với mức trung bình của các nước đang phát triển vào những năm 1990 và còn thua kém nhiều so với nhiều nước ASEAN.Ở các nước phát triển, đóng góp của TFP vào tăng trưởng thường rất cao (trên 40%). Với các nước đang phát triển, con số này khoảng 20-30%. Điều này phản ánh sự khác biệt về trình độ công nghệ, trình độ lao động và quản lý giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Giai đoạn 2003-2006, đóng góp của TFP vào tăng trưởng ở Việt Nam là cao nhất (khoảng 27%). Tuy nhiên, con số này giảm mạnh vào giai đoạn 2007-2010, chỉ khoảng 13,8% tăng trưởng (CIEM 2012).

So với các nền kinh tế ở Đông Á, Việt Nam đang theo con đường liên kết kinh tế khu vực tương tự, song ở giai đoạn ban đầuthấp, xét theo: (i) Sự dịch chuyển xuất khẩu từ hàng hóa hàm lượng lao động cao sang hàng hóa hàm lượng công nghệ và vốn cao; (ii) Mức độ thương mại hàng trung gian nội khu vực; (iii) Thương mại nội ngành trong khu vực; (iv) Thị trường chủ yếu cho xuất khẩu và trao đổi hàng công nghiệp trung gian với Trung Quốc.Điều đó phần nào giải thích vị thế yếu của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Với vai trò những người nhận hợp đồng gia công và lắp ráp, DN Việt Nam thường nằm ở phần có GTGT thấp nhất trong chuỗi giá trị sản xuất (Hình 2).

Trong trường hợp chuỗi giá trị do nhà sản xuất chi phối (producer-driven chain), các tập đoàn đa quốc gia có sức mạnh thị trường ở những ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ. Do đó, họ kiểm soát toàn bộ hệ thống sản xuất dựa trên một loạt những liên kết xuôi và liên kết ngược. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam thường sử dụng các biện pháp thuế quan, ưu đãi để đẩy mạnh quá trình nội địa hóa. Tuy nhiên, các biện pháp này trên thực tế không mang lại kết quả như ý muốn trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong chuỗi giá trị do người mua chi phối (buyer-driven chain), chẳng hạn các ngành sử dụng nhiều lao động, các tập đoàn bán lẻ quốc tế và công ty thương mại thường thiết lập một loạt mạng lưới sản xuất, đặc biệt là ở các nước có nhân công rẻ. Ở đây, Việt Nam phải đối mặt với hai vấn đề: Thứ nhất, do có nhiều nước cùng có giá nhân công rẻ, mạng sản xuất quốc tế do người mua chi phối ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, và do đó liên tục gây áp lực làm giảm tiền công.

Thứ hai, Việt Nam cũng gặp khó khăn đối với việc tăng xuất khẩu có hàm lượng GTGT cao, do chưa chú ý đúng mức đến vai trò của dịch vụ trong chuỗi giá trị. Năng lực thiết kế, tổ chức phân phối của DN Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí cao và hiệu quả còn thấp của các dịch vụ như viễn thông, vận tải, bến bãi kho tàng… đã hạ thấp khả năng cạnh tranh của DN ở Việt Nam so với nhiều nước khác trong khu vực.

Rõ ràng, bên cạnh việc tận dụng lợi thế so sánh hiện có (lao động rẻ), các DN cần nỗ lực nâng cao khả năng ứng dụng tiến bộ công nghệ, kết hợp với đào tạo đội ngũ nhân công, để có thể dịch chuyển dần lên phía trên chuối giá trị. Thêm vào đó, như đã trình bày ở trên, DN cũng cần chủ động xây dựng và củng cố các mối liên kết sản xuất, kinh doanh.

Về phía Nhà nước, chất lượng giáo dục - đào tạo cần được tăng cường, góp phần tạo nguồn lực có chất lượng cho DN, đồng thời tạo năng lực hấp thụ tác động lan tỏa của DN trong nước từ các mối liên kết với FDI. Chính sách phát triển các dịch vụ hạ tầng và dịch vụ GTGT cao, như: giao thông vận tải, tài chính, viễn thông… cần tiếp tục được thực hiện nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ đầu vào cho các DN.

Trong điều kiện nhiều ngành dịch vụ hạ tầng ở Việt Nam còn giữ vị thế độc quyền, hay chi phối, thì việc thiết lập môi trường cạnh tranh và xử lý có hiệu lực các tranh chấp cạnh tranh là một lựa chọn hết sức quan trọng. Phạm vi, trình tự và tốc độ thích hợp trong việc tự do hóa các ngành dịch vụ cũng là áp lực cần thiết để nâng cao hiệu quả và GTGT của bản thân các ngành dịch vụ, cũng như của toàn bộ nền kinh tế. Ngoài vai trò của Nhà nước, vai trò của DN và các hiệp hội DN trong việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị cũng cần được quan tâm thích đáng.

Tính cạnh tranh của khu vực công nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam, ngày từ cách đây 10 năm, Hiratsuka (2003) đã nhận định rằng, các ngành nông sản chế biến, công nghiệp nhẹ như da giày, may, đồ gỗ.. tương đối có khả năng cạnh tranh. Các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng là đồ điện dân dụng, văn phòng, thiết bị viễn thông và chính xác, và một số ngành công nghiệp phụ trợ, như: chế biến kim loại, điện tử và máy công nghiệp…, mặc dù những ngành này còn chưa phát triển đúng mức.

Mặt khác, các ngành công nghiệp nặng hầu hết đều không có khả năng cạnh tranh trong khi các ngành này lại tập trung nhiều vốn, và nhận được nhiều ưu đãi. Đánh giá này nhìn chung thống nhất với nhận định của Trần Văn Thọ (2004), và cả các nghiên cứu gần đây của Trương Đình Tuyểnvà cộng sự (2011), cũng như của CIEM (2012), cho rằng Việt Nam chủ yếu có lợi thế so sánh (tĩnh) trong các ngành dựa trên tài nguyên và sử dụng nhiều lao động.

Khu vực công nghiệp chế biến của Việt Nam còn được đặc trưng bởi cấu trúc lưỡng thể (dualistic structure), với mối liên kết yếu giữa khu vực sản xuất thay thế nhập khẩu và khu vực định hướng xuất khẩu (Hình 3).

Nhìn chung, các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu thiếu khả năng cạnh tranh, trong khi khu vực công nghiệp chế biến xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao hơn đáng kể. Tình trạng này là hệ quả của những chính sách công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong một thời gian dài (vừa thúc đẩy xuất khẩu vừa muốn bảo hộ cho những ngành “thắng cuộc”, nhất là DNNN).

Tình trạng lưỡng thể của công nghiệp chế biến Việt Nam còn có một số đặc điểm khác như:

- Ngoài một số ngành hàm lượng lao động cao (như may, da giày, đồ gỗ), vai trò của khu vực tư nhân còn hạn chế.

- Mối liên kết giữa các ngành thượng nguồn và hạ nguồn, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngòai rất yếu. Nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ còn thiếu và/hoặc yếu, dẫn đến việc tỷ trọng nguyên liệu và đầu vào trung gian phải nhập khẩu rất cao.

- Chính mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hạn chế tác động lan tỏa tích cực của FDI ở Việt Nam, chẳng hạn như thông qua chuyển giao và phổ biến công nghệ (Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự 2006).

Để giải quyết “tình trạng lưỡng thể” của công nghiệp Việt Nam, điều kiện tiên quyết vẫn là thay đổi tư duy hoạch định chính sách. Chính sách công nghiệp và chính sách thương mại trong thời gian qua, vốn hạn chế sự dịch chuyển và phân bổ hiệu quả các nguồn lực, càng trở nên không thích hợp trong bối cảnh mới. Với việc Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập sâu rộng hơn, sự phát triển công nghiệp sẽ chịu sự chi phối bởi thị trường hơn là sự “dẫn dắt”, “lựa chọn ngành/DN thắng cuộc” với những ưu đãi của Nhà nước. Thay vì đầu tư (nhà nước) vào những ngành tập trung nhiều vốn mà Việt Nam không/ít có lợi thế, cần tận dụng nguồn nhân công rẻ kết hợp với phát triển nguồn nhân lực, phát triển khu vực tư nhân, thu hút FDI hiệu quả để dần đạt được lợi thế so sánh động.

Vấn đề cụ thể hơn là phát triển công nghiệp thượng nguồn, công nghiệp hỗ trợ và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng sản xuất. Hàm ý chính sách ở đây không chủ yếu là đầu tư nhà nước, mà cơ bản là gắn kết tín hiệu thị trường. Vai trò của Nhà nước ở đây chính là việc xây dựng một môi trường với “sân chơi bình đẳng”, chi phí dịch vụ thấp, cùng với việc thực hiện vai trò hỗ trợ thông qua phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực (kết hợp với ODA) để thu hút FDI và đầu tư tư nhân.

Có thể nói, DN khó có thể trụ vững lâu dài trên các thị trường cạnh tranh nếu thiếu khả năng chi trả cho các nguồn lực được sử dụng và duy trì được lợi nhuận. Một số cách tiếp cận về khả năng cạnh tranh trình bày trong bài viết đều cho thấy như vậy. Điều này lại càng cần thiết khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng có tính thị trường hơn và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Hơn nữa, nỗ lực của cả DN và Nhà nước sẽ thúc đẩy lẫn nhau thông qua thông tin phản hồi và lợi ích mà DN và cả nền kinh tế thu được. Chính ở đây, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp càng có ý nghĩa nổi bật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CIEM (2012). Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO, Bản thảo, Hà Nội, tháng 8.

2. Hiratsuka, D (2003). ‘Competitiveness of ASEAN and Japan’, in Yamazawa, I. and Hiratsuka, D. (eds), ASEAN-Japan Competitive Strategy, Institute of Developing Economies, JETRO, Tokyo.

3. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Trần Toàn Thắng, và Nguyễn Mạnh Hải (2006). Đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Nxb Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội.

4. Ohno, K. (2003). The Role of Government in Promoting Industrialization under Globalization: The East Asian Experience, GRIPS, Tokyo, November (mimeo).

5. Phạm Văn Hà và cộng sự (2007), Đánh giá tỷ lệ bảo hộ thực tế ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập và khuyến nghị chính sách, Báo cáo của Nhóm tư vấn chính sách cho Bộ Tài chính.

6. Tran Van Tho (2004). “On the Directions for Vietnam’s Development Strategy”, Paper presented at the International Conference on “Vietnam-Japan Economic Relationship and the Strengthening of Vietnam’s Industrial Competitiveness” organized by the CIEM and Japan’s Business Club in Hanoi, 23 February.

7. Trương Đình Tuyển và cộng sự (2011). Tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các FTAs đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Namvà các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2015, MUTRAP III, Hà Nội, tháng 9.

TS. Võ Trí Thành