Toàn cảnh Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012

Nhận định tình hình kinh tế còn khó khăn năm 2013, các chuyên gia tham gia Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 đồng ý rằng, Việt Nam cần phải tìm con đường riêng để vượt khó, đặc biệt cần quan tâm cải thiện công tác điều hành.

Tiếp nối đà suy giảm năm 2011

Tại báo cáo Tăng trưởng GDP Việt Nam 2012, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trong 10 tháng qua đã tăng trưởng chậm lại so với nhiều năm.

Như vậy, trong năm nay, dù đã hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống 5,5%, thì dự báo cả năm tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt khoảng 5,2%. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, chỉ số công nghiệp chỉ tăng 4,8% (bằng ½ so với các năm trước), chỉ số tồn kho trên 20%.

Đồng tình với nhận định của báo cáo, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, năm 2012, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức thấp (dự báo khoảng 5,1-5,2%).

Điều đó đồng nghĩa với việc, tiếp đà suy giảm của năm 2011, năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức dưới 6%.

Chỉ báo này cho thấy, “kinh tế Việt Nam có thể sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài nếu ngay bây giờ không có những cải cách toàn diện nền kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Một góc khác của Việt Nam cũng được TS. Bùi Sỹ Tuấn (Viện Khoa học lao động và xã hội) cung cấp là, năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm do áp lực cung giảm, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm thì con số này ở khu vực thành thị lại tăng lên.

Cùng với đó, chất lượng lao động nhìn chung còn thấp và không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo tập trung tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...

Suy giảm vì sao?

Nguyên nhân khiến kinh tế suy giảm cũng được thảo luận tại Diễn đàn. Theo TS. Hà Huy Tuấn, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây là: hiệu quả đầu tư, về năng suất lao động…

Tuy nhiên, TS. Tuấn đặc biệt lưu ý đến một nguyên nhân mà theo ông đó chính là tác nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng năm 2012: đó là tình trạng tắc nghẽn tín dụng, dẫn đến sự sụt giảm khá mạnh về vốn đầu tư toàn xã hội, gây ra sự suy yếu tổng cầu của nền kinh tế.

“Vấn đề nợ xấu tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống các ngân hàng thương mại đã gây nên những tác động tiêu cực làm tín dụng mới khó đưa ra được nền kinh tế. Hệ quả là vốn đầu tư của nền kinh tế dần suy kiệt và cầu tiêu dùng nội địa giảm khá mạnh”, ông Tuấn lý giải rõ.

Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích tổng cầu như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN, hoãn giảm thuế cho doanh nghiệp… nhưng, nhìn chung tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và chưa có những cải thiện đáng kể.

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng vụ Kinh tế Xây dựng- Bộ Xây Dựng cho hay, nguyên nhân sâu xa là do điều hành chính sách vĩ mô chưa tốt, công tác dự báo điều hành yếu. Lấy ví dụ về vốn đầu tư Hà Nội hiện nay, ông Khánh cho biết, nếu tính nguồn vốn đầu tư theo các dự án đăng ký thì vượt 7-8 lần nhu cầu, còn so với quy hoạch thì vượt 1,4-1,5 lần.

“Đó là do công tác kế hoạch, quy hoạch chưa sát với cuộc sống”, ông Khánh nhấn mạnh.

Còn theo góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Ánh, thì việc không dự báo chỉ tiêu tỷ lệ thu-chi NSNN để căn cứ vào GDP theo giá thực tế làm không tốt khiến điều hành của Chính phủ khó có thể đi đúng hướng.

Về vấn đề này, ông Ánh dẫn chứng, nếu giai đoạn 2006-2007, việc dự báo GDP tương đối chính xác, thì giai đoạn 2008-2009, độ chính xác đã giảm hẳn với sai số tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, nếu năm 2008, thực tế đạt được cao hơn dự báo thì sang năm 2009 lại theo chiều hướng ngược.

Nguyên nhân cơ bản là dự báo lạm phát không chính xác. Cụ thể, năm 2012, CPI dự kiến khoảng 8%, nhưng tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,2% thay vì 6,5% như dự kiến, theo đó, GDP thực tế giảm gần 40.000 tỷ đồng so với dự toán.

Năm 2013: Cần chủ động tìm con đường riêng

Nhận định tình hình kinh tế thế giới năm 2013 sẽ còn khó khăn, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định, không thể chờ vào sự bình phục của nền kinh tế thế giới, mà mỗi quốc gia cần phải chủ động hơn trong việc tìm ra con đường riêng của mình.

Năm 2013, theo bà Thanh công tác điều hành sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những thách thức đó có thể phát sinh từ thực tế vận động, cũng có thể được tích tụ qua cả một quá trình phát triển.

Tuy nhiên cũng “Cần phải xem năm 2013 là năm bản lề của một tương lai tươi sáng hơn cho những năm kế tiếp”, bà Thanh nhấn mạnh.

Còn theo TS. Hà Huy Tuấn, mấu chốt để giải quyết vấn đề suy giảm tổng cầu hiện nay theo ông Tuấn là cần phải đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng bằng giải pháp mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ việc phát hành trái phiếu công trình.

“Từ đó đẩy mạnh cầu đầu tư cũng như cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình hồi phục tăng trưởng năm 2013”, ông Tuấn giải thích.

Để Việt Nam có thể thoát khỏi khó khăn, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam của GIZ (Cộng hoà Liên bang Đức) cho rằng, Chính phủ cần tạo sự chuyển đổi cho sự phát triển kinh tế, tận dụng những yếu tố năng suất lao động tổng hợp bao gồm cải cách DNNN, cũng như tiến hành những chương trình để giảm sự tác động của biến đổi khí hậu, cũng như đặc biệt lưu ý giải quyết được vấn đề liên quan đến giảm nghèo, để không thể tái nghèo.