Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 22/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự tại buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các ban của Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành, cùng toàn thể lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán bộ chủ chốt các cục, vụ, viện trong Bộ.

Hoàn thành tốt khối lượng công việc đồ sộ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ, đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng với cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng cũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và các nghị quyết khác của Trung ương khóa XI trong ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê 2 năm qua.

Theo báo cáo, trong 2 năm qua, Bộ đã thực hiện triển khai một loạt những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bộ đã chủ trì xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm (năm 2011, 2012) và tổ chức thực hiện các kế hoạch này. Các kế hoạch đều bám sát mục tiêu, định hướng đã được Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc đề ra.

Trong hai năm 2011, 2012, Bộ đã trình tổng cộng 240 dự thảo luật, nghị định, quyết định, đề án, báo cáo quan trọng. Những dự thảo trên là cơ sở để Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành những nghị quyết, quyết định phù hợp, đưa đất nước vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển. Đặc biệt là tham mưu ban hành Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công.

Bên cạnh đó là nhiều đề án khác như: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Đề án huy động nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược đến năm 2020; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược tăng trưởng xanh...

Trước những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Trung ương, sau đó là trình Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 trung bình từ 7-7,5%/năm xuống còn 6,5-7%/năm với nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trung bình ở con số đã điều chỉnh (6,5-7%) của 5 năm hiện nay cũng rất khó khăn.

Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn FDI và ODA. Công tác vận động các nhà tài trợ cung cấp ODA cho Việt Nam được tăng cường. Qua 19 Hội nghị CG thường niên, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam đến nay đã đạt 71,7 tỷ USD

Bộ đã chủ trì tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng trong giai đoạn 2006-2010. Bộ đã trình Thủ tướng 6 quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng và đến nay có 3 quy hoạch của vùng đã được phê duyệt. Với vai trò thường trực điều phối các vùng kinh tế trọng điểm, Bộ đã tham mưu cho ban chỉ đạo đưa ra những quyết sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực phát triển cho đất nước.

Trong công tác xây dựng Đảng, Bộ đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc theo Nghị quyết Trung ương 4 và đạt được kết quả tích cực. Tổ chức cơ sở Đảng thường xuyên được củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng năng lực các cấp ủy đảng. Đảng bộ cơ quan nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tuy đạt nhiều kết quả, nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế, sai sót cần phải khắc phục.Kiến nghị với Tổng bí thư, Bộ trưởng đưa ra 3 vấn đề:

- Việc đạt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn. Vì vậy, Bộ đề nghị Trung ương có đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI để đưa ra những quyết sách phù hợp với điều kiện hiện nay và trong một số năm tới.

- Đề nghị Trung ương có chủ trương đánh giá một cách toàn diện hơn về vấn đề phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực lớn như phân cấp ngân sách, trong đầu tư cấp phép FDI... Kể cả việc phải xem xét lại chức năng cho các địa phương như là một đơn vị kinh tế.

- Đề nghị Trung ương có chủ trương mở rộng việc luân chuyển cán bộ, nhất là việc đưa cán bộ cấp cục, vụ ở các bộ xuống công tác thực tế ở các địa phương để rèn luyện thử thách và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

Quy hoạch, kế hoạch phải giải quyết bất cập

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể cán bộ ngành kế hoach và đầu tư và Thống kê trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đât nước. Tổng bí thư cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo, cán bộ của ngành như: Một số vấn đề như quy hoạch dàn trải, quy hoạch treo... thì chúng ta đã khắc phục được cái gì, có khó khăn gì; Xung quanh câu chuyện đầu tư phải tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công để khắc phục sự phân tán, dàn trải thì đã khắc phục đến đâu; Xung quanh chuyện cấp phép, vốn đầu tư có những tiêu cực thế nào và giải quyết khắc phục ra sao; Công tác thống kê đã làm tốt chưa khi hiện không biết tin vào số liệu nào? Kiểm điểm phê bình và tự phê bình đã rút ra được điểm mạnh, yếu gì. Đặc biệt là tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị.

Tất cả những vấn đề do Tổng bí thư đặt ra đã được lãnh đạo bộ, lãnh đạo các cục, vụ chức năng giải đáp thấu đáo cũng như nêu ra khó khăn trong quản lý nhà nước hiện nay. Chẳng hạn như quy hoạch, hiện chúng ta đang bị "bội thực". Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Vũ Quang Các cho biết, theo tổng hợp báo cáo, kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương đề xuất năm 2012 và các năm tiếp theo xây dựng tới 2.604 quy hoạch, với kinh phí 5.140 tỷ đồng. Có địa phương có trên 220 quy hoạch, tình trạng này khiến chồng chéo xảy ra là đương nhiên. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng nêu thêm, một trong những cái khó nữa là do phân cấp hiện nay khiến thiếu sự tập trung cho quy hoạch. Để giải quyết, cần thiết phải có một cơ quan độc lập, có đủ quyền lực để thẩm định quy hoạch. Bộ đã có đề xuất xây dựng Luật Quy hoạch và sẽ trình trong năm 2013.

Về đầu tư công, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh cũng giải thích rõ những bất cập với Tổng bí thư. Trước đây, các dự án đều do Bộ phê duyệt, dần dần đã chuyển giao một phần rồi chuyển giao tất cả các dự án cho địa phương phê duyệt, quyết định theo tinh thần của việc phải phân cấp. Song, địa phương phê duyệt nhiều dự án, nhưng ngân sách lại do Trung ương lo, khiến dự án bị phân tán nguồn lực, dàn trải, lãng phí như thời gian qua. Tuy nhiên, Chỉ thị 1792 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng đã có tác động tích cực. Yêu cầu phải có sự thỏa thuận của Trung ương khi địa phương quyết định dự án phải xem khả năng nguồn, nếu không có thì không phê duyệt. Qua hai năm thực hiện, số dự án hoàn thành tăng lên rõ rệt.

Đầu tư công chuyển từ ngắn hạn hàng năm sang trung hạn cũng đã giúp địa phương chủ động hơn với nguồn tiền, phải chọn dự án nào thiết thực để đầu tư. Để tiến bước nữa, Bộ cũng đang xây dựng Luật Đầu tư công, trình Chính phủ cho ý kiến vào năm 2013.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cũng đã nhận những thiếu sót, yếu kém của ngành trong công tác số liệu thiếu nhất quán như Tổng bí thư nêu. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân khách quan do các bộ, ngành đều có số liệu thống kê nhưng không nhất quán với Tổng cục. Tổng cục có hướng dẫn nhưng tính toán của bộ, ngành lại khác. Để giải quyết tồn tại, cần phải củng cố thống kê của bộ, ngành. Đề án đồng bộ hóa chỉ tiêu thống kê quốc gia mà Chính phủ đã thông qua cũng sẽ giúp giải quyết dứt điểm hiện trạng này.

Tổng bí thư nói chuyện với các cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Kinh tế thị trường vẫn phải có kế hoạch

Kết luận buổi làm việc, Tổng bí thư đánh giá, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vô cùng quan trọng, nặng nề. Tổng bí thư khẳng định, chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường nhưng vẫn phải có kế hoạch, phải có vai trò quản lý của Nhà nước. Đương nhiên, kế hoạch phải hiểu cho đúng nội dung, không phải là cầm tay chỉ việc, áp đặt thiếu dân chủ. Phải tôn trọng quy luật kinh tế thị trường nhưng đồng thời Nhà nước phải lãnh đạo quản lý để phát huy tối đa mặt mạnh của cơ chế thị trường. Nhìn nhận khó khăn của nền kinh tế do tồn tích từ nhiều năm trước, Tổng bí thư cho rằng các cán bộ của Bộ cần tiếp tục phát huy trí tuệ của mình để khắc phục, đóng góp lớn cho kinh tế đất nước.

Phương hướng cho giai đoạn tới, Tổng bí thư cho rằng phải bám vào các tư tưởng của Đại hội XI, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt phải xuất phát từ thực tiễn để luôn luôn sáng tạo. Có những cái nảy sinh trong thực tiễn thấy chưa phù hợp phải mạnh dạn đề xuất, không ngại ngùng. Khuyền khích tinh thần chủ động, tích cực, mạnh dạn, bản lĩnh để đề xuất. Tuy nhiên, phải có cả trí tuệ đi kèm, nếu bạn lĩnh mà trí tuệ không đi kèm sẽ gây sự bảo thủ.

Về xây dựng Đảng, Tổng bí thư hoan nghênh Đảng bộ cơ quan phát huy dân chủ, thực hiện tốt kiểm điểm Nghị quyết TW4. Tổng bí thư cũng nhấn mạnh, sinh hoạt chi bộ đều nhưng phải chất lượng chứ không hình thức.

Về một số kiến nghị của Bộ, Tổng Bí thư hoan nghênh đây là những kiến nghị rất xác đáng. Việc sơ kết Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ cũng đã được nêu với Bộ Chính trị và đây là việc cần thiết. Tổng bí thư cũng đồng tình với kiến nghị việc phân cấp, nhưng cũng phải có sự tập trung thống nhất như thế nào, nếu không sẽ phân tán nguồn lực, phân tán lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc luân chuyển cán bộ, Tổng bí thư nhấn mạnh "Luân chuyển cán bộ là để đào tạo cán bộ lãnh đạo toàn diện", chứ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ càng sâu, càng tốt thì không nên luân chuyển, nếu không lại phân tán. Do vậy, luân chuyển cán bộ với mục đích gì, ai cần luân chuyển cần phải có quy hoạch rõ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã ghi nhận những ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư cho công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có chương trình hành động khắc phục những yếu kém từ quy hoạch, đầu tư, thống kê số liệu... Thay mặt toàn thể cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng hứa ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê sẽ tiếp tục có nhiều nỗ lực hơn nữa để góp phần xây dựng đất nước./.