Cụ thể tại Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 10/01/2020 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng yêu cầu, nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường.

Theo đó, nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng về phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới đường bộ; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới đường bộ; đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới đường bộ.

Bên cạnh đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với việc phát triển mạng lưới đường bộ trong kỳ quy hoạch; những cơ hội và thách thức, trong đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành đường bộ, gồm nhu cầu vận tải, phương thức vận tải, ứng dụng công nghệ và phương tiện mới trong lính vực đường bộ; phân tích, đánh giá những cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch; phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ.

Về phương án phát triển mạng lưới đường bộ, cần định hướng phân bố không gian phát triển mạng lưới đường bộ xác định quy mô, mạng lưới đường, định hướng kết nối tới các lĩnh vực giao thông vận tải khác, đến các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng biển, cảng đường thủy nội địa...

Quy hoạch phải đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành

Xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các tuyến đường quan trọng trong mạng lưới đường bộ;

Định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa mạng lưới đường bộ trong nước và quốc tế, kết nối với hệ thống đô thị và nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác; giải pháp về quản lý khai thác và bảo đảm an toàn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước rủi ro thiên tai và bối cảnh biến đổi khí hậu.

Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Về danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư, đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư.

Cùng ngày Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ký Quyết định số 44/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm đánh giá hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và tình hình triển khai các quy hoạch phát triển kết cấu giao thông đường thủy nội địa giai đoạn 2010 - 2019; xây dựng được các kịch bản và xác định nhu cầu vận tải đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2050 trong mối tương quan với các phương thức vận tải khác.

Đồng thời, đề xuất phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo từng thời kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cùng các phương án tổ chức thực hiện quy hoạch; đánh giá tác động có thể xảy ra đối với môi trường trong thời kỳ quy hoạch và đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu.

Một trong các yêu cầu nội dung quy hoạch là phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng về phân bố, sử dụng không gian của kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong kỳ quy hoạch; những cơ hội và thách thức, trong đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành đường thủy nội địa, gồm nhu cầu vận tải, phương thức vận tải, ứng dụng công nghệ và phương tiện mới trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, định hướng phân bố không gian phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, xác định quy mô, mạng lưới tuyến, cảng, bến, định hướng kết nối tới các lĩnh vực GTVT khác, đến các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng biển...).

Xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các tuyến đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa quan trọng trong kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong nước và quốc tế, kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, tùy theo yêu cầu cần nghiên cứu chuyên sâu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ./.