Ngày 15/1, Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với tiêu đề “Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung”, cùng với một trong những báo cáo đầu vào “Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại”. Báo cáo đưa đến bức tranh tổng quan về kết nối giao thông của Việt Nam nhằm hỗ trợ 3 mục tiêu phát triển quan trọng của quốc gia, bao gồm hội nhập, tăng trưởng bao trùm và khả năng chống chịu.

Toàn cảnh buổi Lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019.

Hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng của báo cáo với nhiều nội dung quan trọng, như: kết cấu hạ tầng, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, liên kết khu vực cũng như liên kết nội địa theo chuỗi cung ứng….

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, không 1 quốc gia nào trên thế giới có quy mô như Việt Nam, mà lại có độ mở thương mại lớn như Việt Nam, ở mức 190%/GDP. Điều này đã đưa đến những thành tựu rất lớn về việc làm, tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, song cũng đem đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế đất nước.

“Phải chăng, về chính sách thương mại không nên chỉ nhấn mạnh chiều về thương mại quốc tế, mà cần thiết phải tính toán nhiều hơn đến tăng cường đầu tư trong nước và tiêu dùng trong nước với thị trường 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng”, Phó Thủ tướng bày tỏ băn khoăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam không thể chạy mãi theo tăng trưởng xuất khẩu với chuỗi giá trị có hàm lượng giá trị gia tăng thấp.

"Chúng ta chỉ mất 2 năm tăng thêm 100 tỷ USD xuất - nhập khẩu, nhưng vấn đề quan trọng là giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong khối lượng xuất - nhập khẩu này mới là quan trọng. Vì vậy, cần định hình chính sách thương mại, trong đó có thương mại quốc tế và thương mại trong nước cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước trước khi có cơ sở dữ liệu để tích hợp với các chiến lược về kết cấu hạ tầng", Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với cách tiếp cận đa diện và đa chiều, Báo cáo đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan các lựa chọn chính sách phát triển và chiến lược đầu tư nhằm thúc đẩy hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu, tăng cường kết nối thúc đẩy sự phát triển bao trùm và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kết nối là một khái niệm đa diện và đa chiều, không chỉ bó hẹp ở kết cấu hạ tầng mà còn về không gian của các hoạt động kinh tế, về tính sẵn sàng và khả năng.

Đánh giá về sự phát triển của Việt Nam thời gian qua, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Có được thành tựu ấn tượng này là nhờ hai yếu tố chính là tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối FDI và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.

Theo ông Ousmane Dione, chuỗi giá trị hiệu quả và kết nối là yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho người nông dân và nguồn thực phẩm tốt hơn cho các hộ gia đình (đặc biệt là ở khu vực đô thị) cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dành cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Nguồn nhân lực có kỹ năng và thích ứng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính kết nối và cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của WB, thì hiện nay hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam với tình trạng tắc nghẽn ở các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm: 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ. Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội địa của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container, cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả, còn tương đối hạn chế. Cùng với đó, mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.

Cần kết nối giữa vùng mật độ thấp với thị trường

Để khắc phục những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn các chuyên gia tiếp tục có giải pháp thúc đẩy hạ tầng thương mại. Hiện nay, các ý kiến chỉ tập trung vào kết nối theo chiều Bắc – Nam. Theo trục này Việt Nam đã có đường sắt Bắc – Nam, đường Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, đường bộ ven biển và đường kết nối ven biển. Trong tương lai, Việt Nam đang xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam và đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn Việt Nam có nhiều kết nối Đông – Tây nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo chiến lược biển đã được công bố; tích hợp 2 chiến lược giao thông vận tải (hạ tầng cứng) với chính sách thương mại mang tính chất linh hoạt, thay đổi nhanh chóng và khó lường; điều phối liên kết vùng; chính sách tích hợp, thích ứng với các chiến lược khác của các quốc gia và khu vực...

Ông Ousmane Dione cho rằng, để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam cho dù mây đen bao phủ kinh tế toàn cầu, thì các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề chính.

Trước hết là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông.

Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn, nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Thứ ba, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.

Nhóm chuyên gia của WB cũng đưa ra các khuyến nghị, như: cần thay đổi quan điểm về giao thông và không gian để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng; sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế; tạo ra các vùng kinh tế trọng điểm dọc theo hành lang mới; nâng cấp kết nối mềm để phục vụ thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, rà soát kết cấu hạ tầng và dịch vụ logictics tại các thành phố; Kết nối giữa vùng mật độ thấp với thị trường; bổ sung kết nối với các hỗ trợ kinh tế và xã hội. Đồng thời, đầu tư vào khả năng phục hồi thông minh dựa trên mức độ quan trọng và rủi ro; thúc đẩy vận tải đa phương thức như một chiến lược bền vững./.