Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Kinh tế và Dự báo nhân dịp đầu Xuân 2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Những dấu ấn năm 2019

PV: Thưa Bộ trưởng, đất nước đã bước sang năm 2020 với khí thế mới, tràn đầy sự vui tươi. Nhìn lại năm 2019, Bộ trưởng có thể đưa ra một số nhận định tổng quát về những thành tựu năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018, đặc biệt trong bối cảnh thế giới rất phức tạp khó lường, xung đột thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang.

Trong bối cảnh đó, với những thành tựu đạt được của năm 2019, tôi có thể nói, nền kinh tế đã đạt được mục tiêu “Bứt phá” ở mức độ nhất định.

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới, đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%. Nếu năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời kỳ bắt đầu Đổi mới, thì năm 2019, quy mô GDP đạt 266 tỷ USD.

Năm 2019, Việt Nam duy trì được tăng trưởng nhanh, duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân đạt 2,79%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Cán cân thương mại thặng dư gần 10 tỷ USD, tỷ giá ổn định, nợ công giảm còn 56% GDP, thu ngân sách vượt 8% Quốc hội giao, dự trữ ngoại hối 18 tỷ USD.

Điều đáng mừng là, năm 2019, chúng ta vừa thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, lại vừa có sự cải thiện rõ nét về chất lượng tăng trưởng. Nhận định này được thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp TFP vào tang trưởng GDP đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,41% cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58 % giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2%. Chỉ số phát triển bền vững 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc trong khu vực Asean.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đang được cơ cấu lại một cách thực chất hơn khi tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng . Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực cho tăng trưởng Việt Nam. Năm 2019, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính... Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2019 kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2018), xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).

PV: 2019 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Những thành quả đó đã giúp chúng ta vững bước vào thập niên mới của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, xin Bộ trưởng cho biết, những hạn chế còn tồn tại thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bên cạnh các kết quả đạt được, thì nền kinh tế nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, một số vấn đề tích tụ, tồn đọng từ nhiều năm nay, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được. Nổi lên là mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để tạo phát triển thực sự bứt phá, đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến kịp các quốc gia trên trường quốc tế và khu vực. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển đất nước còn chưa tốt, chưa đồng bộ...

Cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, thì vẫn còn có những yếu tố thiếu bền vững. Điều đáng lưu ý là kết quả thực hiện các đột phá chiến lược mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, không theo kịp yêu cầu phát triển, tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa và con người đang cản trở sự phát triển đất nước, như: tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, những vi phạm trong một số lĩnh vực xã hội đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn, cần phải được quan tâm, ưu tiên giải quyết.

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông, ven biển ngày càng xảy ra nghiêm trọng, quản lý môi trường tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông còn tồn tại, hạn chế.

Đặc biệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiển hiện trước mắt. Xu hướng già hóa dân số tăng nhanh áp lực lên an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các khách mời thực hiện nghi thức lắp ghép cây gậy trắng tại buổi lễ (Ảnh: Chí Cường)

Phải có tư duy mới, tầm nhìn mới

PV: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,8%, theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao và ổn định?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần lưu ý rằng, 2020 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, rủi ro gia tăng, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh ngày càng phức tạp, gay gắt. Với độ mở kinh tế lớn, các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn.

Tuy nhiên, với những biện pháp đề ra tập trung vào các nhiệm vụ, như: Quyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, giải phóng nguồn lực cho phát triển; Tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia... sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, với nền tảng vĩ mô ổn định, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan để cải cách, đổi mới, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, là điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế phấn khởi, gia tăng đầu tư, sản xuất, tạo ra những năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.

Chúng ta lại đang sống trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế toàn cầu. CMCN4.0 đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới. Việt Nam phải lấy “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao” là động lực quan trọng của tăng trưởng.

Năm 2020, chúng ta nên tháo gỡ các nút thắt để đầu tư công thực sự trở thành động lực cho cuộc bứt phá kinh tế trong kỷ nguyên mới, với nhiều đổi mới, cải cách của Luật Đầu tư công năm 2019.

Các cơ quan chức năng cần chủ động đề xuất điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ cho các nhà thầu khác có khả năng thực hiện tốt, không chậm tiến độ. Đặc biệt, có chế tài xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Thay thế những công chức, viên chức, người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác đấu thầu.

PV: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương giúp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là những điểm đáng chú ý trong Chiến lược và Kế hoạch này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sau gần 35 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính độc lập, tự chủ được cải thiện. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Điều kiện, thế và lực của nước ta cho phép có những tư duy mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng, bối cảnh quốc tế mới, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và đây chính là những điểm đáng chú ý trong Chiến lược và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lần này.

Về tư tưởng phát triển, trong giai đoạn tới, cần phải lấy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển.

Bên cạnh đó, cần phải lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Và đặc biệt là, làm sao để khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế…

Về mục tiêu phát triển, hướng tới việc thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới trong dài hạn. Theo đó, có thể đặt vấn đề đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Để có nhiều hơn những câu chuyện tử tế

PV: Phát triển gắn kết bền vững, sáng tạo, bao trùm là nội dung lớn trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Theo đó, yêu cầu lấy “Người dân là trọng tâm của phát triển” và “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tổng hợp tham mưu chính sách cho Đảng và Nhà nước, đã làm gì để đáp ứng yêu cầu này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cho rằng, con số tăng trưởng 7,02% hay thậm chí 10% hoặc cao hơn cũng sẽ giảm ý nghĩa rất nhiều nếu đại bộ phận người dân không được thụ hưởng xứng đáng với thành quả tăng trưởng đó.

Thực trạng cho thấy, cả nước hiện có khoảng 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội, như: những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người ra tù hoàn lương, người tự kỷ, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị mua bán... Trong đó, có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và khiếm thị là khoảng 3 triệu người. Đây thực sự là những con số đáng để chúng ta suy ngẫm, phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với xã hội.

Làm gì ở đây không chỉ đơn thuần là nhân lên những hành vi ứng xử nhân văn, sự tử tế giữa con người với con người, làm cho người khuyết tật tự tin hơn, có điều kiện sống tốt, mà còn phải thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người khuyết tật.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quan tâm, chăm lo đến đời sống của những người khuyết tật, nhưng do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, mới bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của những đối tượng chính sách. Xã hội và cộng đồng cũng đã có nhiều hoạt động và nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với những người khuyết tật, nhưng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, trước hết là các cơ chế, chính sách phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của nhà nước bên cạnh đó cần sự quan tâm tham gia chung tay góp sức của toàn xã hội.

Tôi xin lấy một số ví dụ: các công trình cao tầng phải có lối đi cho xe lăn, bảng điều khiển thang máy phải có chữ Brai, lối đi bộ công cộng có lát đường dẫn cảm biến gậy cho người mù, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật có khả năng lao động, các hành vi có văn hóa, nhường người khuyết tật ghế ngồi, chỗ xếp hàng... Đây không chỉ là cách ứng xử tử tế một cách tự giác của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mà còn cần phải được quy định trong các văn bản chính sách pháp luật để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Ý thức được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình; ý thức được tầm quan trọng trong việc tham mưu định hướng chiến lược phát triển đất nước hài hòa giữa kinh tế với xã hội, phát triển xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với quyết tâm đi đầu trong đổi mới và cải cách, đã đề ra phương hướng hoạt động của cơ quan, tăng cường giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ theo cách tiếp cận tạo cơ hội, đồng hành và sẻ chia với những người yếu thế, thể hiện trước tiên bằng những hành động cụ thể, với những cộng đồng người khuyết tật cụ thể.

Đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi giao lưu rất xúc động với nhóm “Dàn hợp ca hy vọng”, hợp tác với doanh nghiệp xã hội Kym Việt trong một số hoạt động. Ngày 05/12/2019, thông qua lễ ra mắt Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và Phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn sự đóng góp nhỏ bé, nhưng đầy ý nghĩa của mình sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng công bằng, văn minh và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Xét cho đến cùng, thịnh vượng của một quốc gia cũng chỉ có mục đích cuối cùng là phục vụ con người, để cuộc sống của mỗi người Việt Nam mỗi ngày đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn. Tôi thực sự mong rằng, người dân, doanh nghiệp sẽ luôn trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng nhằm tìm các giải pháp cho đất nước phát triển bền vững. Chỉ có như vậy, thì thành quả phát triển mới lan tỏa đến mọi người, nhất là những người yếu thế trong xã hội!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (giữa) tặng quà cho CNLĐ trên công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải nâng mình lên một tầm cao mới

PV: Thưa Bộ trưởng, những năm qua, vai trò của ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng ngày càng được khẳng định, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung, những người làm Kế hoạch và Đầu tư cần làm gì để có thể đáp ứng yêu cầu mới?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngày nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt lên vai những người làm Kế hoạch và Đầu tư trọng trách và nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi toàn Ngành phải nâng mình lên một tầm cao mới, trang bị cho mình một tư duy đột phá, một tầm nhìn chiến lược. Chúng ta cần không ngừng đổi mới và cải cách, đủ sức tiếp nhận những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước, góp phần cùng toàn thể bộ máy hành chính và hệ thống chính trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Để có thể thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó, trình độ, năng lực nhanh nhạy bắt kịp cái mới quan trọng bao nhiêu, thì yêu cầu tổng kết thực tiễn, tổ chức thực hiện chuẩn xác và cụ thể càng quan trọng bấy nhiêu. Phương châm chỉ đạo trong mọi hoạt động của Ngành là lấy chất lượng và hiệu quả là mục tiêu và thước đo cao nhất. Đó chính là cách tốt nhất để chúng ta tri ân với quá khứ và chủ động quyết định tương lai.

Ngày 31/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành bằng Chương trình nghệ thuật “Tự hào Việt Nam” tại sân Đoan Môn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, một địa chỉ văn hóa đã từng chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại của lịch sử dựng nước và giữ nước với mong muốn gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư và Nhân dân cả nước tâm huyết, khát vọng, biến lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc thành ý chí và nghị lực, bản lĩnh và sống xứng đáng với những gì, mà Tổ quốc và Nhân dân đang mong đợi.

Tôi muốn chia sẻ rằng, một bàn tay là không đủ, nhưng khi nhiều bàn tay cùng kết lại sẽ tạo nên một năng lượng vô cùng tuyệt vời để cùng nhau hướng tới những hành động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và hướng tới cuộc sống với những giá trị tốt đẹp hơn!

Với lòng tự hào dân tộc, là người dân Việt Nam, tự hào là một thành viên của đại gia đình Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin chúc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, dồi dào sức khỏe, luôn tràn đầy năng lượng, bước vào năm mới, thập kỷ mới với một tâm thế tự tin, hướng tới những thành công mới theo cấp số nhân.

PV: Xin chân thành cám ơn Bộ trưởng, chúc Bộ trưởng năm mới An khang, Thịnh vượng./.

Phương Anh (thực hiện)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01+02/2020