Ngành du lịch được dự báo sẽ thiệt hại khoảng 7 tỷ USD do dịch Covid-19

Việt Nam đã khống chế dịch tương đối nhanh và hiệu quả

Tại báo cáo gửi tới cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã trở thành mối quan tâm lo ngại với cả Việt Nam và cộng đồng thế giới.

Ở trong nước, dịch Covid-19 đã có những tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh; các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú... bị ảnh hưởng nặng nề.

Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã có chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch; có quan điểm rõ ràng về việc chấp nhận thiệt hại về kinh tế để ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng.

“Kết quả cho thấy, Việt Nam đã khống chế dịch tương đối nhanh và hiệu quả, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, tại báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Bên cạnh đó, song song với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách kinh tế vi mô tiếp tục được thực hiện một cách sâu rộng.

Các hoạt động tham vấn xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 được thực hiện thường xuyên. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế có thêm nhiều chuyển biến.

Ngày 12/02, Nghị viện Châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn.

6 yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quan ngại rằng, yêu cầu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra có thể bị ảnh hưởng bởi 6 yếu tố trong và ngoài nước.

(i) Tác động kép của dịch Covid-19 và EVFTA sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu;

(ii) Rủi ro về tác động lan truyền của việc thương mại và sản xuất toàn cầu suy giảm có tác động đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020;

(iii) Khu vực công nghiệp và dịch vụ có khả năng thiếu hụt lao động. Thất nghiệp có thể tăng ở một số ngành sử dụng nhiều lao động hoặc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng của dịch Covid-19;

(iv) Khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và dự báo về hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây;

(v) Mức độ hưởng lợi của nền kinh tế Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt; và (vi) Động lực gia tăng sản xuất từ ​​việc các công ty dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam vẫn còn, nhưng lo ngại về phản ứng chính sách từ phía Hoa Kỳ vẫn hiện hữu.

Các giải pháp cấp bách ứng phó với tác động của dịch Covid-19

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm có nhiều biến động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, quy mô cũng như phạm vi tác động của dịch, đặc biệt dịch đang tăng nhanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, EU là các thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, tư vấn trong nước, quốc tế và hoàn chỉnh dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách ứng phó với tác động của dịch Covid-19 nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó tập trung vào các nội dung sau:

(1) Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, bảo đảm xác định đúng đối tượng thụ hưởng, không để trục lợi chính sách.

(2) Nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

(3) Xem xét gia hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, một số khoản phí, lệ phí, không phạt chậm nộp thuế đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm đúng quy định pháp luật; chuẩn bị phương án đảm bảo cân đối thu chi, đặc biệt phải bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch.

(4) Rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trên cơ sở đó, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

(5) Thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh cảng, kho bãi giảm giá, phí bốc xếp, lưu kho, lưu bãi, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, cảng đường thủy nội địa, hạ tầng đường sắt. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; trường hợp điều chỉnh tăng, phải có phương án giá cụ thể và tính toán tác động đối với chỉ số giá tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

(6) Tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính như thông quan, hoàn thuế, gia hạn nộp thuế,.. cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

(7) Đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020; mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử; nghiên cứu giảm giá, miễn phí tham quan một số khu, điểm du lịch.

(8) Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình lớn, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội, như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020,... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 trong Quý II năm 2020. Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm.

(9) Rà soát, xử lý vướng mắc về lao động trong và ngoài nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và đề xuất các giải pháp để ổn định tinh thần, ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực của người lao động; có phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. /.