Sáng ngày hôm nay, ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống.

Đây được coi là Hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1”, phát huy tổng lực các nguồn lực để giải quyết 4 nội dung, gồm: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 10/4

Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thủ tướng cho biết, chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn như hiện nay. Cùng với thế giới, Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta, làm suy yếu cả cung và cầu.

Theo Thủ tướng Chính phủ, với mức tăng trưởng trong quý I/2020 là 3,82%. mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó có một số ngành là thế mạnh của Việt Nam nhưng tăng trưởng thấp như nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ…

Nhiều ngành như: hàng không, du lịch, dịch vụ ảnh hưởng rất nặng nề. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4% so với tháng 2. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực (thương mại, dịch vụ, bất động sản, hàng không…) hoạt động cầm chừng, thiếu nguyên liệu, thu hẹp quy mô lao động…

“Những vấn đề đó đặt ra rất cấp bách đối với nước ta, mang tính sống còn đối với sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu không có biện pháp phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh sẽ kéo theo hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng các cấp lần thứ 13. Nếu không có biện pháp quyết liệt, thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, bị âm trong phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, hội nghị này là hội nghị trực tuyến “4 trong 1”, “tất cả trong 1”, nhằm huy động tổng lực của đất nước, huy động khí thế quyết tâm của cả nước chiến thắng dịch và vươn lên trong cuộc sống.

Phải “biến nguy thành cơ”, sau dịch, nền kinh tế phải tăng trưởng tốt

Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến nguy thành cơ, sau dịch, nền kinh tế phải tăng trưởng tốt, phải đạt được tầm nhìn, quyết tâm về Việt Nam độc lập, tự cường. Việt Nam chưa từng biết lùi bước trước khó khăn, quyết tâm trên dưới một lòng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã cảm ơn người dân đã đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ ngăn ngừa dịch bệnh, thấy được sự cùng cố gắng của các cấp các ngành, nền kinh tế có tăng trưởng. Quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đưa ra các dự báo lạc quan về nền kinh tế và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Về các giải pháp tài khóa, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất lên đến 180 nghìn tỷ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019 và năm 2020, với số tiền lên đến 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ này “là vô cùng quan trọng”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vấn đề đặt ra là phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, địa phương về giải ngân cả vốn vay, vốn ODA. Đến tháng 9 nếu không có kết quả giải ngân sẽ điều chuyển vốn của các dự án này. Ngoài ra, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đó, cần giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với quá trình triển khai thực hiện.

Tuần tới, trình các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.

“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng bày tỏ. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành.

Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”. Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.

Nêu rõ, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết mới mang hơi thở của cuộc sống và thể hiện ý chí cách mạng của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kép đã nêu.

Trước hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng này với các nhóm đối tượng hỗ trợ bao gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải nghỉ việc do dịch; hỗ trợ người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính trả lương người lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải dừng kinh doanh do dịch; người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Ngoài ra là các nhóm đối tượng: người có công với cách mạng; đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia./.