Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những đóng góp quan trọng, gặt hái những thành quả đáng khích lệ, trong đó nông thôn mới là điểm nhấn làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Từ một nước nông nghiệp có trình độ sản xuất thấp, luôn đối mặt với nỗi ám ảnh thiếu lương thực, thực phẩm trong những ngày "đầu mùa, giáp hạt", hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn yếu kém đến nay sản phẩm của ngành đã rất phong phú, dồi dào, không những thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân mà còn vươn ra thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã từng bước hoàn chỉnh, dù còn nhiều vùng khó khăn nhưng nhìn chung bộ mặt nông thôn đã khang trang, sạch đẹp và dần hình thành những "miền quê đáng sống", dáng dấp của "nông thôn thịnh vượng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một mô hình phát triển nông nghiệp tại Bình Phước/Ảnh: VGP

Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020

Để thực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, ngành nông nghiệp, nông thôn đã triển khai 02 chương trình lớn là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Việc triển khai các đề án này là cơ sở quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của kết hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm 2011-2020.

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2011-2020 lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có bước tiến khá quan trọng, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới đã hướng tới chiều sâu, đi vào thực chất, hiệu quả, bền vững; đã thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao và triển khai xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản để phù hợp với điều kiện ở các xã miền núi, hải đảo, xã có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế vùng miền và theo nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.

Báo cáo này cũng đưa ra đánh giá rằng, dù tốc độ tăng trưởng của ngành tuy không đạt mục tiêu nhưng vẫn duy trì ở mức khá. Đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được quan tâm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 30% tăng trưởng của ngành. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, nhiều sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khắt khe nhất trên thế giới. Hình thức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp tăng nhanh, thể hiện vai trò trung tâm phát thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới nhất là trong phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh và liên tục.

Theo đó, 7 chỉ tiêu chủ yếu đạt kết quả như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp bình quân 5 năm 2016-2020 dự kiến đạt 2,8-2,9%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 (2,5-3,0%); Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp bình quân 10 năm 2011-2020 khoảng 3,3-3,4%, không đạt mục tiêu chiến lược (3,5-4%).

2. Tỷ trọng GDP nông nghiệp khoảng 15% năm 2020: năm 2019, GDP nông nghiệp đã giảm còn khoảng 14%, sớm đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.

3. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40% vào năm 2020: Đến năm 2018, tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm xuống 38,1%, sớm đạt mục tiêu đề ra.

4. Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 94,84%, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 56,69% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT. Dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.

5. Số xã đạt chuẩn NTM khoảng 50%: đến tháng 12/2019 đã có 52,4% số xã đạt chuẩn NTM, dự kiến 2020 sẽ đạt 58% xã đạt chuẩn, vượt mức chỉ tiêu Chiến lược, Nghị quyết trước 18 tháng.

6. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn (giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã): đến nay đã cơ bản hoàn thành, đạt mục tiêu đề ra theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê. Các tiêu chí về hạ tầng trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới tăng rất nhanh.

7. Tăng thu nhập của người dân nông thôn lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 (theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa X): giai đoạn 2008-2017, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,5 lần, từ 9,15 triệu đồng lên 32 triệu đồng năm 2017; 35,88 triệu đồng/người năm 2018, sớm đạt mục tiêu đề ra.

2021-2030: Cần duy trì GDP của ngành nông nghiệp ở mức 3%/năm

Trước bối cảnh phát triển mới, có 4 động lực quan trọng cần được khơi thông và khai thác là phát triển khu vực tư nhân; năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; và thể chế hiện đại, hiệu quả. Trong đó, đổi mới sáng tạo trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân là 02 động lực tăng trưởng mới cần đặc biệt nhấn mạnh. Đồng thời, sự chuyển biến mau lẹ của thời cuộc vừa là đòi hỏi cấp thiết, vừa tạo nền để xây dựng, thực thi thể chế hiện đại, hiệu quả cho phát triển nhanh - bền vững kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, cơ quan nghiên cứu đưa ra báo cáo cũng chỉ ra mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2021-2030 đó là: Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, sạch, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; Kinh tế nông thôn phát triển đa dạng; nông thôn phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản ở nông thôn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản của người dân nông thôn, đủ năng lực phòng chống thiên tai và thích ứng với với biến đổi khí hậu. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Mục tiêu cụ thể: Duy trì tăng trưởng GDP của ngành khoảng 3%/năm; Tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; Thu nhập bình quân cư dân nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với 2020 (tăng trên 9%/năm); Tỷ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42%.

Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất là giải pháp quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn mới

Những giải pháp cần thực hiện

Để có thể hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, cơ quan nghiên cứu cũng chỉ ra các giải pháp như sau:

- Phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến kết nối với thị trường tiêu thụ.

- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; Thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.

- Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp; Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và khuyến nông, khuyến khích tối đa, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với cơ chế thị trường.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thực hiện phân bổ, sử dụng tài nguyên theo cơ chế thị trường.

- Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính và năng lực quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa dịch vụ công trong nông nghiệp./.