Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu kinh tế đặt ra trong Chiến lược 2011-2020

Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế thực hiện được ở giai đoạn 2016-2020 đều đạt mức cao hơn so với giai đoạn 2011-2015, nhưng so với các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020 (54 chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế), có 11/54 chỉ tiêu không đạt, trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu ngành kinh tế và phần lớn các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng.

Bảng: Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt được giai đoạn 2011-2020

Chỉ tiêu

2011 -2015 (thực tế/KH)

2016- 2020

(thực tế/KH)

2011-2020

(thực tế/KH)

1.Tốc độ tăng trưởng GDP (bình quân năm) (%)

5,9/6,5-7

6,82/7

6,58/7-8

2.Thu nhập bình quân đầu người (USD, giá hh)

2.109/2.000

2.865/3.200-3.500

2.865/3.000

3.Cơ cấu GDP (năm cuối kỳ) (%)

Nông nghiệp

17,4/18

16,/15

16/15

Công nghiệp

44/42

39/40

39/40

Dịch vụ

39/40

45/45

45/45

4.Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lực lượng lao động (%)

44,6/40

34,9/40

34,9/35

5. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng (%)

15/30-31

38,31/30-35

26,1/35

6. Tốc độ tăng trưởng NSLĐ (%)

4,7/6

5,86/5

5,02/5,5-6

7. Tỷ lệ đô thị hoá (%)

33,8/36-38

38/38-40

38/45

Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao (%)

19/30

30/45

30/45

Nguồn: Ngô Thắng Lợi (2020) tính toán từ Niên giám Thống kê

Khi đi chiếu với bảng tổng hợp đánh giá thực hiện Kế hoạch của giai đoạn 2011-2020 (với số liệu năm 2019 và 2020 là ước thực hiện), GS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chỉ rõ: các chỉ tiêu kinh tế thực hiện được ở giai đoạn 2016-2020 đều đạt mức cao hơn so với giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, so với các chỉ tiêu Kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016-2020, những chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu ngành kinh tế và phần lớn các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng đều không đạt được mục tiêu.

Khi so với mục tiêu kinh tế đặt ra trong Chiến lược 2011-2020: “Phát triển bền vững kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu” với các chỉ tiêu tương ứng, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra rằng: Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược 2011-2020, đối với lĩnh vực kinh tế cả mặt số lượng và chất lượng.

Điều đáng lưu ý là, nếu xét khoảng thời gian dài hơn (30 năm từ 1990 đến nay), tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại theo chu kỳ 10 năm. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân năm giảm so với giai đoạn 1991-2000 là 0,34 điểm %, đến 2011-2020 mức giảm đã lên tới 0,68 điểm % so với 2001-2010. So sánh với giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 chỉ bằng 85% và không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 (là 7%-8%).

Ngoài ra, các tiêu chí khác, như: tỷ lệ lao động nông nghiệp, NSLĐ hay tỷ lệ tích luỹ nội địa cũng đều đạt được ở mức thấp, chỉ tiệm cận được với mức của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Đặc biệt, về tiêu chí xã hội, ông Lợi nhận định rằng, Việt Nam đã dành được khá nhiều thành tựu về phát triển con người, chỉ số HDI đạt mức cao trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy vậy, quá trình cải thiện HDI trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay có xu hướng chậm lại, giai đoạn 2000-2008, tốc độ tăng HDI đạt khoảng 1,35%/năm, nhưng từ 2009 đến 2018, giai đoạn sau đó tiếp tục xuống, chỉ còn trung bình 0,94%/năm.

Mặc dù tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam có xu hướng giảm khá rõ rệt, từ 18,1% (năm 2012) xuống 10,9% (2016) và đến 2018, là 6,8%, song tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình thấp (6,2%), cao hơn so với hầu hết các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với các nước thu nhập trung bình cao thì còn khoảng cách khá xa (3,53%).

Như vậy, xét trên các khía cạnh phản ánh trình độ phát triển, có thể kết luận, mặc dù Việt Nam đã được chuyển từ quốc gia có trình độ phát triển ở mức thu nhập thấp sang nhóm nước phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2009, tuy nhiên, kết thúc thời kỳ Chiến lược 2011-2020 (sau 10 năm), nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm ở giai đoạn đầu của ngưỡng các nước phát triển ở trình độ thu nhập trung bình thấp. Quá trình thay đổi vị trí phản ánh trình độ phát triển như vậy rất chậm.

Đâu là rào cản làm chậm quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam?

Chỉ ra nguyên nhân (hay rào cản) làm chậm quá trình phát triển nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua, theo PGS, TS. Ngô Thắng Lợi, thì cần nhìn nhận nguyên nhân mang tính sâu sa (hay còn gọi là nguyên căn) và các nguyên nhân trực tiếp (đối đầu với quá trình thực hiện sự phát triển).

Nguyên nhân sâu xa (nguyên căn), theo ông Lợi, chính là những biểu hiện không phù hợp về tư duy và ý chí thực trong thực thi quá trình đổi mới phát triển của các nhà quản lý và lãnh đạo kinh tế các cấp. Có thể nêu ra 3 biểu hiện không phù hợp về tư duy:

(i) Tư duy kinh tế giản đơn cộng với tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng (còn được gọi là bệnh thành tích) đưa đến tình trạng chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, các giải pháp trở nên bị lãng phí, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Sự lạc hậu tư duy này dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, trong định hướng và chính sách tái cơ cấu tăng trưởng, chính sách đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực, các ngành mũi nhọn, của địa phương và quốc gia.

(ii) Tư duy “sùng bái hoá” vai trò nhà nước trong tổ chức thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế. Các quyết định trong hình thành, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế, các chính sách tăng trưởng, thường dựa trên ý chí chủ quan của Nhà nước, không coi trọng hoặc đặt vị trí thứ yếu vai trò của thị trường. Sự sai lầm này trong tư duy đã dẫn đến những bất hợp lý và không thành công trong định hướng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, trong sự tồn tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, trong quá trình thực hiện giải phóng sức sản xuất của khu vực tư nhân…

(iii) Tư duy cục bộ, lợi ích nhóm, cá nhân, chạy theo lợi ích ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ, đã chi phối quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế, chính sách phân bổ ngân sách và làm mất đi tính khách quan đúng đắn của nó. Những méo mó trong hoạch định và thực thi thể chế, chính sách: (1) Xuất phát từ tư duy cục bộ, khép kín, lợi ích nhóm trong từng bộ ngành, địa phương hoặc nhóm lợi ích; (2) Có thể bị chi phối bởi sự lũng đoạn, độc quyền, có khả năng chi phối nhà nước của một số tập đoàn tư nhân lớn.

Một số đề xuất

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, PGS, TS. Ngô Thắng Lợi chỉ rõ, trong thời kỳ phát triển mới, chúng ta cần có khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo, thực sự là động lực tăng trưởng số 1 của nền kinh tế, dựa trên nòng cốt là các tập đoàn kinh tế tư nhân chi phối ngày càng nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Để thực hiện điều này, cần thay đổi tư duy để thực sự cởi trói để giải phóng sức sản xuất cho khu vực này.

Trong quá trình giải phóng sức sản xuất cho khu vực tư nhân, cần tăng cường giám sát của xã hội đối với khu vực này để tránh trường hợp trục lợi hay chi phối, móc nối bất hợp pháp với Nhà nước dưới mọi hình thức sân sau, chống lưng... để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn duy trì động lực sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp và phát triển kinh doanh theo phương thức hiện đại và chấp nhận rủi ro là rất cần thiết.

Để thực sự có được động lực này, cần tạo sự cạnh tranh tương đối trong giáo dục đào tạo, lấy việc đáp ứng nhu cầu xã hội là cơ sở để kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, thực hiện đa dạng hóa loại hình đầu tư giáo dục (có cả các FDI). Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển giáo dục cấp tiểu học (cơ sở của giáo dục) và giáo dục nghề (đáp ứng nhu cầu xã hội cần có).

Một giải pháp khác, theo vị chuyên gia này, đó là cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ cao được áp dụng trong các ngành kinh tế, cả trong sản xuất, kinh doanh và trong quản lý điều hành phát triển với nội dung thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0.

Để tạo dựng thực sự động lực này, cần kết hợp chính chuyển giao công nghệ từ bên ngoài (nhấn mạnh đến nhập khẩu công nghệ bằng nguồn vốn của tư nhân, thay đổi tư duy thu hút FDI theo huướng nhấn mạnh chế chất lượng dòng vốn) và sự nghiên cứu, phát triển công nghệ đặc thù trong nước (nhấn mạnh đến mô hình khu công nghệ cao, chính sách sự gắn kết các nhà khoa học, công nghệ với các tập đoàn, đơn vị kinh tế nhằm đổi mới công nghệ. Nhà nước tăng cường quỹ đầu tư mạo hiểm.

Ngoài ra, để Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên trường quốc tế, Việt Nam cần thiết lập được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì đang nằm ở cuối của chuỗi giá trị như hiện nay./.