2011-2020, năng suất lao động trong các ngành công nghiệp Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể

10 điểm nghẽn của phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020

Về thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, phát triển công nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, quá trình hội nhập cho thấy những bất cập của công nghiệp Việt Nam trong việc đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể, ngành công nghiệp trong thời gian qua còn theo mục tiêu ngắn hạn; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn dựa nhiều vào lao động giá rẻ, chưa phát huy được các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp, nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn thua lỗ; nhiều doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước mới ở quy mô vừa và nhỏ; việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa phát triển thành công ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp còn xảy ra...

Cụ thể, một số điểm nghẽn trong phát triển ngành như sau:

Một là, quá trình công nghiệp hóa diễn ra chậm và chưa đi vào thực chất đã hạn chế gia tăng năng suất trong các ngành công nghiệp.

Năng lực sản xuất công nghiệp nội tại của nền kinh tế còn hạn chế và phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhập khẩu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhập khẩu phục vụ sản xuất cho xuất khẩu. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước là hai nhóm ngành nhập khẩu lớn nhất, luôn chiếm tỷ trọng từ 40-50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu qua các thời kỳ.

Hai là, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa diễn ra một cách hiệu quả. Các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp, mới bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp tư nhân có quy mô lớn.

Ba là, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước không cao. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, tính cạnh tranh của sản phẩm còn kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí.

Bốn là, đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, trong khi việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế.

Năm là, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn đang dựa vào các ngành công nghệ thấp đến trung bình.

Sáu là, mở rộng sản xuất công nghiệp đã đi kèm theo với sự gia tăng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Bảy là, năng suất lao động trong các ngành công nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Tám là, chính sách phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số 3 ngành công nghiệp mũi nhọn được xác định từ năm 2017 đến nay, mới chỉ có ngành công nghiệp điện tử đã phát triển trở thành ngành công nghiệp lớn, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu do FDI mang lại), nhưng cũng mang tính gia công, chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

Chín là, công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp chỉ đạt ở mức trung bình thấp so với khu vực và toàn cầu, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng.

Mười là, một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động còn chưa cao như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…

Để tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH

Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Vì thế, trong thời gian tới, để tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thành mục tiêu đặt ra, Vụ Kinh tế công nghiệp để xuất thực hiện một số giải pháp sau:

(1) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế cơ cấu lại ngành công nghiệp

- Xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh; các dự án đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp để tập trung nguồn lực tạo đột phá về tăng trưởng.

- Điều chỉnh, lồng ghép nội dung của cơ cấu lại các ngành công nghiệp vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hiện có của các ngành công nghiệp. Lồng ghép chính sách cơ cấu lại các ngành công nghiệp với chính sách phát triển vùng; hình thành mối liên kết giữa các địa phương trong vùng thông qua các liên kết các ngành công nghiệp.

(2) Thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp.

(3) Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp.

- Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải có tính động và linh hoạt cần thiết, định kỳ phải đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp.

- Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng. Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…

- Giai đoạn 2030-2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

(4) Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo đúng lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện tái cơ cấu các DNNN trong các ngành công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả của các nguồn lực.

(5) Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân.

(6) Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp.

(7) Xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp.

(8) Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp./.