Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Đây không phải là lúc các doanh nghiệp “than nghèo, kể khổ”

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào sáng ngày 09/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu như năm 2020 được xem là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, thì tháng 5 có thể xem là một trong những tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng. Đây là thời điểm mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam, bởi hiếm có một biến cố nào có tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ như đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên hành tinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Trang/MPI

Thủ tướng cho biết, Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -3% trong năm 2020, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930.

Riêng Việt Nam, trong quý I/2020 tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là nước tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, một mặt vừa phòng, chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu.

Mô hình y tế của Việt Nam được nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Đến nay, qua hơn 23 ngày, Việt Nam không có ca nhiễm mới, trừ người nhập cảnh vào Việt Nam đã được cách ly tập trung và cũng chưa có người chết vì dịch Covid-19.

“Tại sao chúng ta có thể thành công như vậy?", Thủ tướng cho rằng, trước hết đó là do dân tộc Việt Nam đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ. Nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình thì tất cả đều được lợi.

Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19 thời gian qua.

Trên phương diện kinh tế, mặc dù phải tuân thủ giãn cách xã hội và sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay thời kỳ thuận lợi. Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn, thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây.

Điều này cho thấy, Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới, hơn nữa chứng minh rằng, năng lực nội sinh của kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn. Nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao. Thị trường chứng khoán đi xuống, nhưng nhiều cổ phiếu tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn hướng đến những giá trị thiết thực, lấy giá trị con người làm trung tâm, không phải giá trị ảo.

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế. Chống dịch, nhưng phải bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Thủ tướng khẳng định, khi giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường nền kinh tế sẽ như “chiếc lò xo bị nén lại” và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung vào 5 mũi giáp công, đó là: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng mong muốn, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như “lò xo bị nén lại giờ bật lên để phát triển”. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để “than nghèo kể khổ, không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp” mà phải hiến kế với Chính phủ.

Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện kết tinh yêu nước của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém, tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Đây không chỉ là cơ hội tạo dựng đoàn kết, niềm tin, mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, yêu lao động, lao động là vinh quang, đóng góp cho xã hội, quê hương, đất nước.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, Hội nghị lần này bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, “không nói chung, không nói rồi để đó”, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Các bộ, ngành phải xắn tay áo vào. Các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, kiến tạo phát triển, dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân. Trong công việc không có chuyện “quyền anh, quyền tôi” mà lúc này chính là vì đất nước, vì dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang/MPI

Thủ tướng yêu cầu các phát biểu phải nêu giải pháp, chính sách mới mẻ nào để hỗ trợ, đổi mới doanh nghiệp thay vì toàn chuyện biết rồi. Cán bộ, công chức phải được quản lý để chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với giáo dục thì phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý, điều hành.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn và đặt ra 6 yêu cầu đối với các doanh nghiệp, đó là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, chia sẻ, khó khăn với Chính phủ; đoàn kết và hợp tác với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp; không nản chí nếu không sẽ tự mình bỏ cuộc; năng động quyết đoán vì nếu không sẽ thụ động và tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo để có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh; cần có niềm tin vì nếu không sẽ tự mình chối bỏ mình.

Theo Thủ tướng, sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp, nếu không nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Thủ tướng hy vọng, vào năm 2045, Việt Nam có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, thời điểm này là cơ hội “trăm năm có 1 thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao tỷ lệ đầu tư FDI vào Việt Nam thời gian qua và cho rằng, tiềm năng tăng trưởng dài hạn Việt Nam là vô cùng lớn và luôn bền vững. Việt Nam thuộc nhóm ngành kinh tế an toàn sau đại dịch; có hàng chục hiệp định thương mại tự do với 38 thị trường lớn nhất thế giới.

“Làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng có cơ hội đi trước, các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”, Thủ tướng kỳ vọng.

Cộng đồng doanh nghiệp gửi gắm nhiều kỳ vọng đến Chính phủ

Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế

Tại Hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh và chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.

TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, một lần nữa, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều doanh nghiệp dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao.

Điều này cho thấy, tình cảm và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, doanh nhân họ là những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế, những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân. Chủ tịch VCCI đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng các tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân đã dũng cảm, kiên cường vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...

Song, điều quan trọng nhất doanh nghiệp kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay.

Còn về lâu dài, người đứng đầu VCCI cho rằng, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương...

Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp. Do đó, “doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Qua đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

“Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là về thị trường tiêu thụ. VCCI đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng giữ vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban chỉ đạo; thành lập ban chỉ đạo do chủ tịch UBND đứng đầu để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị 6 vấn đề với Thủ tướng

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động với quyết sách, như: Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15… đã có nhiều gói hỗ trợ ra đời liên quan đến an sinh xã hội, tài khóa, điện và viễn thông.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Đặc biệt đối với riêng ngành ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng, nhu cầu về vốn và ngân sách cho doanh nghiệp và an sinh xã hội còn lớn. Do đó, Ông kiến nghị với Thủ tướng 6 vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa, như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.

Thứ hai, cần khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Các dự án nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án.

Thứ ba, ngoài việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với dân số gần 100 triệu. Nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc, với các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm.

Thứ tư, Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Triển khai ngay chiến dịch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn”

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, ngành này được xem là có nhiều cơ hội để từng bước phục hồi nhanh chóng và mở rộng khi lưu thông trở lại.

Là một trong những doanh nghiệp trong ngành du lịch,ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Viettravel đề nghị, Chính phủ tận dụng ngay cơ hội và triển khai ngay chiến dịch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn” để xúc tiến quảng bá, lôi kéo khách du lịch.

Trước hết, là tập trung vào thị trường trong nước phục vụ cho du lịch. Ông Kỳ đưa ra đề xuất, tạo ra tam giác phát triển với sự kết nối cơ quan chính quyền tại các địa phương. Ví dụ, miền Bắc có Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; miền Trung gồm có Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam- Nha Trang - Đắc Lắc - Phú Yên; miền Nam có TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Viettravel cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng giảm ngay phí 50% chi phí tham quan, di tích danh lam thắng cảnh mà nhà nước đang quản lý để kích cầu du lịch.

Đồng thời, cơ quan chức năng nghiên cứu mở lại toàn bộ đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay, vì 85% di chuyển trong ngành du lịch là bằng đường hàng không.

Bên cạnh đó, xem xét mở cửa lại các thị trường du lịch nước ngoài có chọn lọc, phần nào kiểm soát được dịch, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Campuchia...

Về cơ chế chính sách, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị, cần có cơ chế để ngành du lịch tiếp cận ngay các gói tài trợ mà Chính phủ đã đưa ra, trong đó đưa gói bảo hiểm xã hội về doanh nghiệp để dễ triển khai, không đưa về địa phương vì rất khó đến tay người lao động.

Cùng với đó, mong muốn Chính phủ nghiên cứu giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 5% và 10% trong vòng 1 năm để ngành du lịch phục hồi. Áp dụng giá điện sản xuất cho ngành du lịch, nhất là dịch vụ lưu trú và các điểm tham quan.

Mặt khác, công nợ doanh nghiệp trong hệ thống dịch vụ trong ngành du lịch khá lớn, nhất là hàng không. Các doanh nghiệp đều trả trước chi phí cho các hãng hàng không, do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vào cuộc, có biện pháp đưa số tiền này vào hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tính toán lại thời gian học để có quãng nghỉ hè 4-5 tuần để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Xử lý kiến nghị một cách nhanh và thuận lợi, không chậm thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Covid-19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt. Trong đó, doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế từ tăng trưởng, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp: (1) Không được trông chờ, ỷ nại trong phát triển; (2) Doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao quản trị để phát triển bền vững; (3) Các cấp các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật, khoa học, công nghệ, nhất là Cách mạng 4.0 trong phát triển để nâng cao năng suất.

Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị được gửi về các kênh tiếp nhận thông tin và ngay tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các nhà đầu tư, các hiệp hội… để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương có chương trình hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn cụ thể ở địa phương mình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cải thiện từ kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ cho doanh nghiệp. Quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh và thuận lợi, không “đổ qua đổ lại”, làm chậm thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp..

Thủ tướng cũng lưu ý, các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiêpkcả chính sách, tiền tệ và tài khóa, giảm lãi suất, chi phí; Các cơ quan tố tụng, thanh tra, điều tra, kiểm toán… trên tinh thần không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự nếu có phương án khắc phục vi phạm; nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển hạ tầng, phát triển logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải giữ cho được 3 điều: Giữ lao động; Giữ thị trường và phát triển thị trường, gồm thị trường trong nước và thị trường quốc tế mà Việt Nam đã dày công đàm phán thời gian qua và giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam.

"Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng nhấn mạnh./.