Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về đề nghị điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 của Chính phủ tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5/2020.

Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5/2020

Yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết

Lý giải nguyên nhân phải điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, trong đó đáng chú ý là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008.

Tại thời điểm 1997, nền kinh tế đang trên đà phát triển và mở cửa hội nhập, tăng trưởng kinh tế đang ở mức cao 8,15%, tuy nhiên do tác động của khủng hoảng, tăng trưởng GDP năm 1998 đã giảm xuống còn 5,76% (mục tiêu đề ra là 9%, sau điều chỉnh xuống 6-7%) và thậm chí tăng trưởng kinh tế năm 1999 chỉ đạt 4,77% (mục tiêu đề ra là 5-6%).

Bộ trưởng Nguyễn Chỉ Dũng chỉ rõ, do độ mở và mức độ hội nhập của nền kinh tế chưa cao và có sự chủ động ứng phó từ trong nước nên nền kinh tế đã vượt qua trong thời gian ngắn. Tăng trưởng kinh tế hồi phục trở lại, năm 2000 đạt 6,79% (mục tiêu đề ra 5,5-6%), năm 2001 đạt 6,89%.

Tiếp đến giai đoạn 2007-2008, nước ta mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời điểm này đã làm tăng trưởng GDP giảm từ 7,13% năm 2007 xuống còn 5,66% (mục tiêu đề ra là 8,5-9%, sau điều chỉnh xuống 7%) và năm 2009 chỉ còn 5,4% (mục tiêu đề ra là 6,5%, sau điều chỉnh xuống 5%).

Để ứng phó với khủng hoảng, trong năm 2009, Chính phủ đã ban hành gói kích cầu, trong đó có các giải pháp hỗ trợ lãi suất vay tín dụng và các giải pháp về đầu tư công.

Việc thực hiện gói kích cầu này đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý, bền vững.

Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

“Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: (i) tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%(ii) tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); (iii) tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); (iv) tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; (v) bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); (vi) tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Cần xây dựng các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn.

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo tại các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về dịch Covid-19.

Đồng thời, cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo dịch không trung thực; né tránh, trốn cách ly, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về dịch Covid-19.

Cùng với việc phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.

Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

“Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với hình ảnh Việt Nam là một địa điểm đến đầu tư, kinh doanh, du lịch và sinh sống an toàn, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế, tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời cần nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

“Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước./.