Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020 trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020

Nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi đại dịch Covid-19

Bước vào năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (dịch Covid-19) bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới, ngày 11/3/2020 Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch và có tác động mạnh nhất kể từ sau khi dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

“Đây là một dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tác động cộng hưởng từ suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 và đại dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ.

Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.

Đánh giá chung, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa nhận định, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm.

Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm của cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13,2% về số doanh nghiệp và giảm 17,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126,1 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 17,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng thấp (2,1%).

Trong 4 tháng đầu năm, có gần 41,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: gần 22,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%); gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 19,2%); 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%).

“Trong bối cảnh dịch bệnh, sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể cho thấy xu hướng của doanh nghiệp hiện nay là nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng", "ngủ đông" để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Nền kinh tế cũng có một số điểm sáng

Bên cạnh khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.

Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa; tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số… Thương mại điện tử được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức dạy và học, tinh giản nội dung, chương trình học.

Thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng, chống dịch. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện và với 2 giả định: (i) Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020; (ii) Tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 02 kịch bản dự kiến.

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020. Theo đó, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020. Theo đó, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Về xu hướng phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

"Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế; gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số./.