Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã khiến các chuỗi cung ứng quan trọng bị phá vỡ, nhiều quốc gia tích trữ nguồn y tế và áp dụng hạn chế đi lại do, đặt thế giới buộc phải xem xét lại nền kinh tế toàn cầu đa liên kết. Sự lây lan của đại dịch COVID-19 do vius SARS-CoV-2 gây ra, đang tạo sức ép mới buộc các nước phải thực hiện chính sách bảo hộ.

Ảnh minh họa/Internet

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 do vius SARS-CoV-2 gây ra, đang tạo sức ép mới buộc các nước phải thực hiện chính sách bảo hộ. Nếu xu hướng này không được kiểm soát, thì thế giới có thể sống lại những năm 1930, khi sản lượng công nghiệp giảm gần 40%, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và hoạt động kinh tế không thoát khỏi tình trạng yếu kém trong phần lớn thập kỷ. Khi đó cũng như bây giờ, các rào cản thương mại không gây ra khó khăn gì. Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ không gây ra Đại suy thoái, và giờ đây thuế quan cũng sẽ không gây ra tình trạng suy thoái do COVID-19. Tuy nhiên, những rào cản như vậy có thể tác động đến tiến trình hồi phục, nhất là khi xét tới tầm quan trọng của các dây chuyền cung ứng xuyên biên giới thời hiện đại. Những gì xảy ra lúc này sẽ ảnh hưởng đến hình thái của hệ thống thương mại trong những thập kỷ tới.

Các loại thuế quan khả năng sẽ được áp đặt

Nhiều khả năng chính quyền Trump lợi dụng tình hình hiện tại làm cái cớ để dựng lên các rào cản thương mại mới, áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại trên quy mô lớn - ngay cả khi có sự phản đối của giới doanh nghiệp Mỹ. Cho dù chính quyền Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một - thỏa thuận “đình chiến” tạm thời - với Trung Quốc hồi tháng 2/2020, nhưng phần lớn các loại thuế quan đã được áp dụng trong cuộc chiến thương mại không hề thay đổi và vẫn tác động đến hơn một nửa hoạt động thương mại hai chiều. Giờ khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, Trump sẽ cần có ai đó để đổ lỗi về tình trạng thất nghiệp và phá sản tràn lan sau đại dịch COVID-19. Nếu ông chọn các đối tượng bên ngoài làm kẻ “giơ đầu chịu báng”, thì bước đi tiếp theo của Trump đương nhiên sẽ là đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ.

Ba năm đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, các nước khác đã tỏ ra kiềm chế đáng kể khi không làm leo thang các vấn đề của chính họ liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ thái quá. Có lẽ các nhà lãnh đạo của những nước này đang chờ cho đến khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, với hy vọng có thể duy trì hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc trong thời gian cần thiết để Mỹ - kiến trúc sư và là thành viên lãnh đạo hệ thống - trở về với vai trò lịch sử của mình. Ngoại trừ Trung Quốc, các nước phần lớn vẫn duy trì cách thức phản ứng phù hợp với sách lược đang bị mai một của WTO trước những hành động gây hấn của Trump. Hơn nữa, họ phần lớn vẫn đoàn kết trong hành động và hạn chế chỉ trích lẫn nhau. Liên minh châu Âu (EU) thậm chí còn tranh thủ cơ hội này để ký các thỏa thuận thương mại mới với Canada, Nhật Bản, Brazil và Argentina, tự cho mình là bên ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, đại dịch đã làm lung lạc tinh thần đoàn kết đó. Các rào cản thương mại trong nội bộ châu Âu đã được dựng lên nhanh đến mức đáng chú ý. Tháng 3/2020, Pháp và Đức đã cấm bán trang thiết bị y tế thiết yếu ra bên ngoài biên giới quốc gia, kể cả cho tâm dịch Italy. Ủy ban châu Âu đã phải can thiệp bằng một thỏa thuận: các nước thành viên có thể hạn chế xuất khẩu vật tư y tế sang các nước khác, chừng nào họ còn “chơi đẹp” với nhau. Với thỏa thuận đó, Brussels đã cứu vãn được sự hòa hợp nội bộ - với cái giả phải trả là mất đi thẩm quyền đạo đức đối với chủ nghĩa đa phương mà châu Âu đã nỗ lực duy trì trong suốt thời đại Donald Trump.

Chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực xuất khẩu có tính lây lan: Anh, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và hàng chục nước khác đã hạn chế xuất khẩu vật tư y tế, dược phẩm và thậm chí cả với lương thực. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại lại chứa đựng nhiều rủi ro, mà rủi ro nghiêm trọng nhất có thể phát tác sau - chứ không phải trong - đại dịch, khi hoạt động sản xuất công nghiệp bắt đầu trở lại.

Phần lớn khu vực chế tạo của châu Âu đã đóng cửa nhằm góp phần hạn chế các tác động của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch ở các nước tại những thời điểm khác nhau có lẽ đồng nghĩa với việc các nước bên ngoài châu Âu sẽ mở cửa kinh tế trở lại sớm hơn khu vực này. Khi giày dép, đồ điện tử, hóa chất và các mặt hàng giá rẻ khác trị giá hàng trăm tỷ USD đột ngột xuất hiện tại các cảng ở Rotterdam và Hamburg, ngành công nghiệp châu Âu chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ, kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực áp dụng thuế quan để bảo vệ họ trước sự tấn công dữ dội của các hành vi thương mại bất công.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể tìm cách vực dậy nền kinh tế suy thoái của họ bằng cách trợ cấp cho ngành sản xuất theo cách đã khiến châu Âu, Mỹ và các nước khác phàn nàn về những hành vi thương mại bất công theo kiểu can thiệp ngay từ đầu.

Tất nhiên, chính phủ các nước bên ngoài châu Âu cũng sẽ chịu sức ép buộc phải bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, và các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ như vậy ở thị trường nước ngoài. Các công ty ở khắp mọi nơi có thể và sẽ tìm cách giảm nhập khẩu bằng việc yêu cầu chính phủ nước họ đối phó với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài bằng nhiều hình thức thuế quan. Điều kiện để áp thuế mà WTO đưa ra khá đơn giản. Một ngành công nghiệp cần phải chứng tỏ được rằng họ đã bị tổn hại - một điều kiện không khó đáp ứng khi xét tới những khó khăn kinh tế hiện nay. Rốt cuộc, các ngành công nghiệp sẽ đưa ra lập luận chung rằng những đối tượng bên ngoài có hành vi bất công cần phải bị trừng phạt.

Một cụm từ liên quan đến thuế sẽ sớm xuất hiện trong dư luận là “thuế chống bán phá giá”. Khái niệm này mô tả một loại thuế chống trợ cấp được dùng để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng do sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.

Hệ quả của dịch COVID-19, các chính phủ hiện đã và đang dành ra hàng nghìn tỷ USD để giúp các công ty duy trì hoạt động, như vậy đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ cập cảng nước ngoài từ các công ty nhận được cứu trợ tài chính. Theo các quy tắc của WTO, việc ngành công nghiệp trong nước có nhận được cứu trợ, hay việc viện trợ nước ngoài có phải là chính sách kinh tế nhạy cảm trong thời điểm này, hay không hầu như không quan trọng. Những quy tắc này cho phép hai bên trợ cấp và đáp trả nhau bằng thuế chống trợ cấp – những động thái từ quy tắc của WTO dường như sẽ không có tác động đáng kể.

Trên thực tế, quy tắc của WTO tuy có gây khó khăn, nhưng đó không phải là kịch bản tồi tệ nhất. Một số chính phủ có thể phớt lờ mọi quy tắc của WTO, bắt chước hành động của Trump đối với các sản phẩm nhôm thép và tuyên bố rằng cần phải ngừng nhập khẩu vì hoạt động thương mại đe dọa an ninh quốc gia của họ. Hoặc họ có thể biện minh rằng thuế quan là công cụ cần thiết để đối phó với tình trạng y tế khẩn cấp, như Brussels đã làm khi áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vật tư y tế.

Điểm khác biệt của chủ nghĩa bảo hộ lần này

Trong những thời điểm đặc biệt như lúc này, một cam kết chính trị chung của các nhà lãnh đạo toàn cầu là điều duy nhất giúp ngăn chặn sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa bảo hộ. Trong bối cảnh thiếu vắng một kế hoạch ngăn chặn từ trước, các quy tắc của WTO thực sự tạo cơ hội cho chủ nghĩa bảo hộ phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa có một cam kết về chính sách toàn cầu như vậy. Sở dĩ có thể nói như vậy, vì chúng ta đều biết một hành động chống lại thuế quan trong một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ với tốc độ và mức độ đủ để đe dọa hệ thống thương mại hiện đại. Kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930, người ta đã lo sợ rằng tình trạng khó khăn về kinh tế sẽ khiến cho những rào cản thương mại nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, cuộc suy thoái toàn cầu gần đây nhất hóa ra lại khiến mức độ bảo hộ thấp đến mức gây sửng sốt. Các rào cản thương mại không gia tăng, một phần do phản ứng về mặt chính sách trong nước của Chính phủ Mỹ và các nước khác như: các chương trình chi tiêu quy mô lớn của chính phủ, các can thiệp của ngân hàng trung ương và tỷ giá hối đoái linh hoạt để đảm bảo rằng USD và Euro không còn là những đồng tiền quá mạnh. Những chính sách này rất khác so với những chính sách để đối phó với cuộc Đại suy thoái.

Chủ nghĩa bảo hộ cũng bị hạn chế vì lãnh đạo các nền kinh tế lớn đã có biện pháp ngăn chặn vấn đề này từ trước. Tháng 11/2008, mặc dù còn chưa biết cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng đến mức nào, nhưng Chính quyền George W. Bush đã triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thuộc 20 nền kinh tế công nghiệp hóa và nền kinh tế mới nổi.

Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã đưa ra một cam kết quan trọng: “Chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ và không hướng nội trong giai đoạn bất ổn về tài chính. Theo đó, trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ cố gắng không dựng lên những rào cản mới đối với hoạt động đầu tư hay thương mại hàng hóa và dịch vụ, áp đặt các biện pháp mới nhằm hạn chế xuất khẩu hay thực hiện các biện pháp thiếu nhất quán của WTO nhằm kích thích xuất khẩu”.

Cuộc khủng hoảng 2008 xảy ra vào thời điểm không mấy thuận lợi. Tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ, khu vực tài chính và xe hơi của Mỹ cần được cứu trợ tài chính, và hàng triệu người Mỹ đột ngột rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tình hình càng tồi tệ hơn khi chính phủ Mỹ đang ở giữa giai đoạn chuyển tiếp: Chính quyền Bush sắp mãn nhiệm sau 8 năm cầm quyền, và Barack Obama sẽ không bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình trước ngày 20/1/2009. Chính quyền Bush vừa thiếu năng lực vừa thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế (kể từ cuộc chiến tranh Iraq, uy tín của Mỹ trên trường quốc tế vẫn đang lung lay). Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang do nước này phá giá tiền tệ.

Ngay cả hoạt động thương mại cũng không suôn sẻ, do vòng đàm phán của WTO diễn ra tại Doha vào tháng 7/2008 đã thất bại thảm hại. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đáng được khen ngợi khi vượt qua được tất cả những trở ngại đó để triệu tập một hội nghị thượng đỉnh tại Washington mà cuối cùng đã giúp duy trì hệ thống thương mại.
Phải thừa nhận rằng tình trạng thiếu hòa hợp toàn cầu mà Chính quyền Bush đã vượt qua được vào năm 2008 không là gì so với tình trạng bất mãn và thiếu tin tưởng hiện nay.

Cơ sở để chống chủ nghĩa bảo hộ lần này có xuất phát điểm thấp

Cho đến nay, Trump vẫn theo đuổi sách lược thông thường của ông để đối phó với đại dịch COVID-19 trên phương diện thương mại. Các bệnh viện của Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ cá nhân. Thế nhưng, chính quyền Trump vẫn chờ đến ngày 17/3 mới miễn cưỡng xóa bỏ thuế quan đã áp dụng từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại đối với mặt hàng máy trợ thở và khẩu trang y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, nước sản xuất gần 75% lượng khẩu trang mà Mỹ nhập khẩu. 10 ngày sau đó, Trump đã chỉ định cố vấn thương mại cấp cao nhất của Nhà Trắng Peter Navarro – người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc và đi đầu trong việc ủng hộ thuế quan – chỉ đạo dây chuyền cung ứng và chính sách thương mại trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Gần như ngay lập tức sau đó, chính quyền Mỹ đã kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng và bắt chước chính sách “bần cùng hóa láng giềng” của Brussels khi cũng hạn chế xuất khẩu máy trợ thở và khẩu trang.

Ngày 30/3, các bộ trưởng thương mại của nhóm G20 đã tham dự một hội nghị trực tuyến. Họ hầu như không đề cập đến áp lực sắp tới của chủ nghĩa bảo hộ hay những việc cần làm để đối phó với nó. Ngược lại, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một người hay hoài nghi về thương mại, đã nhân cơ hội này để đổ lỗi cho chính thương mại, coi đó là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19. Ông nói: “Đáng tiếc là giống như những người khác, chúng tôi đang nhận ra rằng việc quá phụ thuộc vào các nước khác để có được nguồn sản phẩm và vật tư y tế giá rẻ trong cuộc khủng hoảng này đã tạo ra một điểm yếu chiến lược trong nền kinh tế của chúng tôi”.

Cao ủy thương mại EU Phil Hogan thừa nhận rằng tuyên bố chung mà hội nghị G20 đưa ra không thể hiện tham vọng như ông mong muốn. Tuy nhiên, Pháp và Đức phần nào bị chỉ trích vì đã để lại một loạt rắc rối buộc Brussels phải giải quyết. Thay vì phản đối những lời kêu gọi về việc áp dụng chính sách bảo hộ, Hogan phải giải thích lý do tại sao các biện pháp kiểm soát xuất khẩu theo chủ nghĩa bảo hộ của EU đối với vật tư y tế không tồi tệ như người ta tưởng.

Ai sẽ lãnh đạo?

Kể cả nếu Trump không xuất hiện, thì đại dịch COVID-19 hẳn sẽ vẫn đặt hệ thống thương mại trước một thử thách cam go. Tuy nhiên, Trump đã khiến WTO ít có sự chuẩn bị mà lẽ ra họ đã có thể có. Không như cuộc khủng hoảng năm 2008, lần này, người ta hầu như không hy vọng Washington sẽ lập tức đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Việc cứu vớt hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc khỏi một cuộc khủng hoảng chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng sẽ đòi hỏi mỗi nước phải có tính sáng tạo và khả năng nhìn xa trông rộng. Nếu tập trung chú ý ở mức độ vừa đủ, thì người ta có thể nhìn thấy một vài dấu hiệu đầy hứa hẹn. Cuối năm 2019, Trump đã phá hoại hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.

Để đối phó với tình trạng này, EU đã đưa ra một giải pháp, cho phép một số nền kinh tế lớn, ngoại trừ Mỹ, tham gia một cơ chế nhằm giải quyết hài hòa những bất đồng giữa họ. Và một nhóm các nền kinh tế nhỏ hơn – đứng đầu là Canada và Australia – đã đưa ra một tuyên bố thương mại về đại dịch COVID-19 chống lại chủ nghĩa bảo hộ, thể hiện thái độ hung hăng hơn so với bất kỳ tuyên bố nào mà nhóm G20 có thể nhất trí.

Chính phủ các nền kinh tế lớn phải nhanh chóng có thêm hành động. Họ không nên do dự trước hoạt động bất thường của Washington. Ít nhất, các nước sẽ cần phải biến các nhu cầu bảo hộ khó có thể ngăn cản thành các công cụ minh bạch nhất, có thời hạn và ít gây tổn hại nhất trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Một loại thuế đặc biệt gọi là “thuế tự vệ” thỏa mãn những tiêu chuẩn này và có lẽ là giải pháp tốt nhất. Các loại thuế tự vệ được áp dụng để đối phó với các tình huống khẩn cấp, khi nhập khẩu gia tăng và đe dọa gây tổn hại hơn nữa cho ngành công nghiệp trong nước, và không đòi hỏi phải đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài.

Việc áp dụng một loại thuế như vậy sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách không bị bối rối giữa những lập luận khó hiểu về việc những khoản trợ cấp nào được đưa ra để đối phó với đại dịch COVID-19 là thiếu công bằng – một chủ đề không đáng tranh cãi giữa bối cảnh đại dịch mà trong đó gần như tất cả mọi người đều đang coi trợ cấp nhà nước là tiền độc quyền.

Thất bại trong việc dự đoán và chuẩn bị đối phó với nhu cầu bảo hộ thương mại sắp tới có thể gây ra thảm họa. Việc xây dựng một hệ thống thương mại từ đầu không chỉ hết sức khó khăn mà còn vô cùng tốn kém, vì chắc chắn sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp mà trong đó không có hệ thống nào hoạt động. Tuy nhiên, việc củng cố thương mại - cũng như việc kiềm chế đại dịch - không thể là nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia nào. Đó sẽ là vấn đề khiến mọi quốc gia lo lắng, đến khi nào đại dịch được kiểm soát ở khắp mọi nơi. Điều này cũng đúng đối với chủ nghĩa bảo hộ./.