Sáng 1/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”.

TS. Trần Thị Hồng Minh chủ trì Hội thảo

Đâu là những “điểm nghẽn”?

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế.

Hiện trạng kinh tế Việt Nam cho thấy, tăng trưởng GDP đang có xu hướng giảm dần. Quý 1/2020 tăng trưởng GDP thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010-2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại cũng đang giảm nhanh, 5 tháng đầu năm xuất khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019; tháng 4 thâm hụt thương mại 0,94 tỷ USD và con số này của tháng 5 là 0,9 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm. Cụ thể, quý I/2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn đáng kể so với quý I các năm 2016-2019. Điều đáng lưu ý là, dù đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra.

Thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam giảm 11,1% về số dự án mới và 8,2% về vốn thực hiện.

Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp.

“Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế không phải đến lúc có dịch Covid-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, COVID-19 đang làm suy giảm/suy thoái nền kinh tế thế giới trên diện rộng. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, OECD, Fitch,...) đều hạ dự báo/đánh giá triển vọng kinh tế thế giới.

Ông Dương cho rằng, hệ lụy của COVID-19 có thể kéo dài. Không ít đánh giá cho rằng tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa – tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch COVID-19”, ông Dương lưu ý.

Làm rõ hơn về các “điểm nghẽn” của kinh tế Việt Nam, theo ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 điểm nghẽn, đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cụ thể, về chất lượng thể chế, những “điễm” còn băn khoăn, theo ông Dương đó là vai trò của Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); Hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; Phát triển bao trùm và bền vững; Ứng xử với nhà đầu tư.

“Việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết thêm.

Về hạ tầng số, dẫn kết quả xếp hạng về sẵn sàng công nghệ của EIU: Việt Nam đứng thứ 65 trong giai đoạn 2018-2022, ông Dương cho rằng, dù đã cải thiện so với mức 67 trong giai đoạn 2013-2017, nhưng vẫn ở mức thấp.

Về nguồn nhân lực, ông Dương chỉ ra rằng, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu; Khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị và khả năng thích ứng với điều kiện “biến động lớn” (như làm trực tuyến…) vẫn còn hạn chế.

Chúng ta không thể mãi xuất khẩu nông nghiệp thô

"Dịch bệnh COVID-19 mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gắn kết với các doanh nghiệp FDI. Khi các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy cũng là thời điểm doanh nghiệp trong nước có cơ hội thế chân các doanh nghiệp nước ngoài để cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, COVID-19 cũng tạo ra cơ hội để Việt Nam giảm hẳn xuất khẩu nông sản thô qua biên giới với giá rẻ", ông Dương nói.

Ngoài ra, trước những cơ hội mà COVID-19 đã mở ra, đại diện CIEM cho rằng, cần đặt ra vấn đề tư duy về những ngành ưu tiên để phát triển thời hậu COVID-19; mục tiêu an linh lương thực; phát triển bền vững; phát triển hạ tầng; các mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...

Về các ngành ưu tiên, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, vấn đề chọn ngành nào để ưu tiên trong phát triển kinh tế đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, thời điểm này càng cần thúc đẩy việc thực hiện quyết định này phải nhanh hơn, gấp gáp hơn và không thể chậm trễ.

Bối cảnh hiện tại của Việt Nam, các chuỗi cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng lớn tới một số ngành công nghiệp được cho là được "ưu tiên" gồm dệt may, da giày, điện tử. Vì thế, để phát triển công nghiệp ở thời điểm hậu COVID-19 cần xác định ưu tiên công nghiệp phát triển trên cơ sở nông nghiệp.

"Chúng ta không thể mãi xuất khẩu nông nghiệp thô mà nay cần có sự hỗ trợ của công nghiệp để xuất khẩu theo chiều sâu, kiểm soát được khâu thu hái, bảo quản", ông Giám nói.

Dẫn lý do, ông Giám cho biết, đã có khoảng 25% sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp, tức là hàng chục nghìn tỷ đồng bị vứt đi mỗi năm.

“Việc tham gia của công nghiệp vào nông nghiệp là để không còn lãng phí trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu thật sự hiệu quả hơn”, ông Giám nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, về các lĩnh vực ưu tiên, Nhà nước cần thống nhất quan điểm ưu tiên cái gì và những gì không được ưu tiên, thì cứ phát triển theo cơ chế thị trường, không lo sợ bị chèn ép.

Toàn cảnh Hội thảo

Nền kinh tế Việt Nam cần giải quyết 3 bài toán lớn

Ở góc độ môi trường kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt.

“Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, ví dụ như: giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản. Do đó, theo tôi, trong bối cảnh mới hiện nay Việt Nam phải chuyển sang giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải là tháo gỡ khó khăn cho DN để tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp để kiến tạo", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng tình, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM chỉ rõ, “Đã đến lúc phải chuyển sang môi trường kinh doanh thúc đẩy, chứ không phải là môi trường kinh doanh ngăn chặn” .

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, dưới tác động Covid-19, Việt Nam đứng trước yêu cầu giải quyết 3 bài toán có liên quan chặt chẽ với nhau.

Bài toán thứ nhất là đảm bảo khống chế dịch Covid-19 và sống chung với nguy cơ dịch bệnh, vì chưa có dự báo chính xác dịch bệnh kéo dài bao lâu trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra vaccine kháng Covid-19.

Ở bài toán thứ hai, đó là Việt Nam cần đảm bảo duy trì, tồn tại và phục hồi kinh tế thời Covid-19.Theo ông Thành, để phần nào giải bài toán trên, cần xử lý những vấn đề tồn đọng, đơn cử 12 đại dự án "đắp chiếu" của ngành công thương, xử lý nợ xấu tăng cao sau Covid-19, thâm hụt ngân sách gia tăng…

Đối với bài toán thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, tái cấu trúc với những điều mới.

“Cả ba bài toán này đều cần tốc độ và có cơ chế đặc thù”, TS. Võ Trí Thành lưu ý.

Theo TS. Võ Trí Thành, các xu hướng phát triển trên thế giới trước Covid-19 và đến thời Covid-19 vẫn tiếp tục, nhưng có biến đổi.

"Những tranh chấp, xu hướng đặt ra câu hỏi cho Việt Nam ứng xử và tận dụng cơ hội ra sao, liệu các tranh chấp, xu hướng đó là trung hạn hay dài hạn", ông Thành nêu.

Đầu tiên phải kể đến là biến động địa chính trị trên thế giới theo xu hướng va đập giữa các đơn cực, song cực và cả đa cực. Những nước nhỏ có thể là "con tin" của xu hướng này. Dịch Covid-19 càng khiến xu hướng này bộc lộ rõ hơn khi nhiều động thái tất tay giữa Mỹ và Trung Quốc, tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hay nội tình nước Mỹ.

Bên cạnh đó, xu thế tiêu dùng cũng thay đổi do Covid-19 khi thế giới hướng đến tiêu dùng xanh, an toàn và nhân văn hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tiêu dùng thời Covid-19 xuất hiện xu hướng tranh thủ tiêu dùng kịch liệt sau thời gian “nhịn” vì dịch bệnh, bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng có tính toán cận trọng hơn, cắt giảm những mặt hàng không cần thiết.

Một xu thế khác, theo ông Thành, cần lưu tâm là hội nhập và chuỗi giá trị. Các nước có xu hướng tự chủ những mặt hàng chiến lược, nhưng vấn đề này đang gây tranh cãi về việc xác định mặt hàng chiến lược của các nước, nhưng chí ít các quan điểm đồng tình rằng 2 mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm và y tế.

Cải cách thể chế cần phải thực sự sâu sắc và cốt lõi

Nói về tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam và yêu cầu cải cách, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên gọi đây là thời đại COVID-19, vì không biết dịch bệnh này sẽ kéo dài tới khi nào. "COVID-19 đẩy mâu thuẫn giữa một số nước lên cao, đặc biệt cho thấy sự tất tay giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính trị ngày càng chi phối mạnh hơn tới kinh tế, điều này mang lại rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế", ông Thành nói.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, thể chế vẫn là yếu tố quan trọng, cốt lõi tạo ra tăng trưởng, chỉ có điều là cải cách thể chế cần phải thực sự sâu sắc và cốt lõi.

Gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, ông Nguyễn An Dương đề xuất, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch: Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan; Phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19: Xây dựng và thực thi thế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế; Tái cơ cấu kinh tế và hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI; Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); Phát triển kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động; Thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA); Thực hiện các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Cũng đồng tình với các quan điểm trên, PGS, TS. Lê Xuân Bá khẳng định, điều quan trọng nhất Việt Nam hiện vẫn là phải thay đổi thể chế kinh tế.

"Đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng không dám hy sinh. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không muốn doanh nghiệp sụp đổ, người lao động bị thất nghiệp. Tái cơ cấu ngân sách mà không giảm chi, không muốn thất thu... Vậy thì không ai dám làm cả", ông Bá phân tích.

Còn TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải phân tích tác động của dịch bệnh đối với kinh tế toàn cầu và đại dịch đặt ra vấn đề là mỗi nước cần 1 cơ cấu kinh tế tự chủ nhất định.

Cụ thể, theo ông Doanh, kinh tế tư nhân phải phát triển nhanh hơn và mạnh lên. Các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cần liên kết lại để áp dụng kinh tế số, chuyển nông nghiệp sang trình độ cao hơn, không dừng lại ở nông nghiệp thô mà phải chế biến sâu, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính./.