Chính phủ cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng nên dịch bệnh tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Báo cáo về "Phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hội, phát triển KT-XH”

Trong đó, nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ; tác động trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và khu vực dịch vụ; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục... và lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Dù đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội đang được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, Chính phủ vẫn lưu ý rằng, trên thế giới đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế, xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết hậu quả.

Trước tình hình đó, Chính phủ cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là vừa phải tập trung phòng, chống dịch, vừa phải có các chính sách, giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội; đồng thời, cho phép không căn cứ vào các chỉ tiêu này mà dựa trên tình hình thực tiễn trước những tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch và nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để đánh giá kết quả thực hiện năm 2020.

Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đề nghị Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN

Về Dự toán NSNN năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, trong đó có thu NSNN, bội chi NSNN và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP.

Chính phủ xây dựng kịch bản với hai trường hợp: Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, thu NSNN dự kiến giảm khoảng 163 nghìn tỷ đồng. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6% (khi mà trường hợp khả năng dịch bệnh tái phát vào cuối năm 2020) thu NSNN dự kiến giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Thứ hai, yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng. Ba là, cho phép chuyển nguồn sang năm 2020 khoản chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2019 để cân đối bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2020 và cho các nhiệm vụ cấp bách khác.

Về điều hành kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, kịp thời điều chỉnh vốn giữa các dự án, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định là 220 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2021.

Về thời kỳ ổn định NSNN và định mức phân bổ dự toán chi NSNN, Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020; đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công cùng với thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.

Tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình

Về các vấn đề liên quan đến Luật Xây dựng dự kiến thông qua tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng các nội dung sau, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, gồm: (1) Miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; (2) Bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.

Chính phủ cho rằng, việc sớm áp dụng những quy định nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Về Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã có Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 05/6/2020 trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án quan trọng này. Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt cho phép chuyển đổi một số dự án thành phần từ phương thức đầu tư đối tác công tư sang đầu tư từ NSNN.

Giao Chính phủ quyết định ưu đãi đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH

Về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: trong Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này, đưa ngay vào các nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều 13, 14 và các quy định liên quan của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định cụ thể mức ưu đãi đặc biệt đối với các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng và các dự án khác có tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.... Giao Chính phủ quyết định ưu đãi đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội với mức không vượt quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi không vượt quá thời hạn ưu đãi dài nhất.

Theo Chính phủ, quy định này tạo dư địa và cơ chế linh hoạt để Chính phủ thực hiện chính sách thu hút các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, các dự án sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo…

Về thuế bảo vệ môi trường, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 là 2.100 đồng/lít (giảm 30%).

Kể từ ngày 01/01/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường./.