Cứu bất động sản không phải "cứu nhà giàu"

Trong phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản làm ăn thua lỗ, tức là có tới 70% còn lại có lãi. Như vậy, Nghị quyết 02 vừa ban hành của Chính phủ với những giải pháp hỗ trợ để làm cho thị trường bất động sản ấm lên có phải lại đang đi "cứu người giàu" hay không?

Tại buổi Họp báo Chính phủ ngày 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định không phải là như vậy. Theo Bộ trưởng, ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với một số địa phương, nhất là những thành phố lớn đánh giá lại thực trạng thị trường bất động sản và đã có những bước khảo sát rất kỹ.

Trước khi Chính phủ bàn về Nghị quyết 02, thì thường trực Chính phủ cùng với các bộ, ngành, như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường... cũng như các ngân hàng thương mại lớn đã có buổi làm việc tại TP. HCM và Hà Nội là hai nơi có thị trường bất động sản lớn. Vì thế, Nghị quyết của Chính phủ được soạn thảo dựa trên kết quả đánh giá, khảo sát của cơ quan chức năng và bàn thảo trực tiếp với hai thành phố này, cộng với ý kiến bằng văn bản từ các địa phương khác. Căn cứ vào thực trạng như vậy, Chính phủ đã đề ra các giải pháp để tháo gỡ cho thị trường và trên quan điểm là không bao giờ tập trung đi "cứu nhà giàu". Chính phủ điều hành để cho nền kinh tế phát triển, và luôn ưu tiên cho những đối tượng khó khăn. Vì vậy, trong giải quyết các vướng mắc của thị trường bất động sản, thì giải pháp đưa ra cũng là nhằm giúp người nghèo, người có thu nhập trung bình mà trước kia không thể tiếp cận được nguồn vốn, đủ tiền để mua một căn hộ thì bây giờ sẽ được tạo điều kiện hơn. Chắc chắn những đối tượng được thụ hưởng trong Nghị quyết này là những người có thu nhập trung bình, chứ không phải là những người giàu.

Bộ trưởng cũng cho biết, đặc điểm của thị trường bất động sản nước ta rất khác so với các nước phát triển. Thị trường bất động sản của ta giới hạn ở nhà ở, văn phòng cho thuê. Ở nước phát triển, họ đã hoàn thành việc xây dựng này từ rất nhiều năm, còn chúng ta rất nhiều dự án bất động sản chỉ mới đang trong quá trình thực hiện hoặc mới bắt đầu thực hiện, do đó nó gắn liền với ngành xây dựng, các ngành sản xuất vật liệu xây dựng liên quan. Người dân Việt Nam cũng có thói quen là phải sở hữu nhà chứ không có tư tưởng đi thuê nhà như những người thu nhập thấp ở các nước khác. Do vậy, trong quá trình thảo luận các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thì các đặc điểm này đã được Chính phủ và các bộ, ngành bàn tính tới. Bộ trưởng Vũ Đức Đam một lần nữa khẳng định, tới đây, tất cả các giải pháp cụ thể từ tài chính, tín dụng, đất đai đều nhằm mục tiêu là tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhưng đồng thời cũng coi đây là cơ hội để đẩy nhanh việc giúp đỡ những người trước đây khó tiếp cận nhà ở thì nay có thể tiếp cận được.

Không thanh tra lại ở Đà Nẵng

Trước kết quả thanh tra về sai phạm quản lý đất đai ở Đà Nẵng cũng như những phản hồi lại từ địa phương này đang được dư luận rất quan tâm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định công tác thanh tra là việc làm thường xuyên trong bộ máy Chính phủ, việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là một việc rất bình thường. Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2012, có khoảng 24 kết luận thanh tra, còn lại một số nhỏ có nội dung liên quan đến an ninh quốc phòng, hoặc là thanh tra thấy cần phải làm rõ tiếp thì chưa kịp công bố. Điều đó cho thấy, việc thanh tra ở Đầ Nẵng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, việc công bố cũng là theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng chỉ mới tiếp nhận phản hồi của Đà Nẵng thông qua báo chí. Với tinh thần cầu thị, Chính phủ cũng đã yêu cầu thanh tra nhà nước có báo cáo về thông tin báo chí đưa. Theo Luật Thanh tra và nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, thì không có khái niệm "phúc tra" kết quả thanh tra, chỉ có khái niệm "thanh tra lại", nhưng thanh tra lại chỉ áp dụng đối với kết luận của thanh tra các bộ, tỉnh, còn thanh tra Chính phủ khi tiến hành thì không có khái niệm thanh tra lại. Thủ tướng đã có kết luận về thanh tra vụ việc ở Đà Nẵng, giao nhiệm vụ cho UBND Thành phố Đà Nẵng và một số bộ, ngành thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề cần phải báo cáo Thủ tướng xem xét lại thì sẽ xử lý. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ cũng chưa nhận được báo cáo của Đảng ủy UBND Thành phố Đà Nẵng hay của bộ, ngành nào liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thủ tướng, Bộ trưởng Đam cho biết.

Giải phóng mặt bằng luôn cản trở dự án

Trước sự việc nhà thầu Nhật Bản thi công cầu Nhật Tân đòi bồi thường do chậm tiến độ, Bộ trưởng Đam cho biết Chính phủ đã nắm được tình hình và chỉ đạo giải quyết, đây là việc rất đáng tiếc. Bộ trưởng cho biết, mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng không chỉ cho các công trình hạ tầng mà ở tất cả các dự án phát triển sản xuất, xây dựng nhà máy... nhưng chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Do nhu cầu phát triển, chúng ta đứng trước đòi hỏi rất lớn phải xây dựng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân từ pháp luật đến tổ chức thực hiện vận động nhân dân có nơi chưa thật tốt. Việc nhà thầu yêu cầu bồi thường là do chậm tiếm độ vì chậm bàn giao mặt bằng, nhưng người dân cũng phản ánh là việc giải phóng mặt bằng có cái không đúng, không hợp lý. Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải cố gắng đảm bảo tiến độ công trình quan trọng này, giải quyết với nhà thầu Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao UBND thành phố Hà Nội vừa phải làm đúng theo các quy định của pháp luật, vừa phải tuyên truyền để vận động nhân dân bàn giao được mặt bằng thực hiện dự án, cố gắng không để chậm tiến độ dự án nữa./.