Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khu vực châu Âu là một trong những đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam sau khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam và EU (bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,39 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Năm lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam là điện thoại, máy tính, dệt may, da giày, thiết bị điện tử và linh kiện (trong đó ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử và linh kiện).

Theo CBRE, EVFTA sẽ thúc đẩy những biến chuyển tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp trong nước. Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với làn sóng vốn ngoại đổ bộ vào lĩnh vực sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu cho các sản phẩm bất động sản công nghiệp (đất và nhà xưởng xây sẵn) ngày càng tăng cao.

“Hiệp định thương mại này sẽ góp phần rất lớn đến bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời tạo động lực hồi phục sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt những thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển của các công ty sản xuất từ Trung Quốc sang” CBRE cho biết.

Theo CBRE, thời gian tới, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp từ các công ty từ châu Âu sẽ tăng lên. CBRE cũng dự đoán nhu cầu thuê sẽ chủ yếu đến từ các nhóm ngành như máy móc & thiết bị (phụ tùng/linh kiện ô tô), thiết bị điện tử và may mặc”.

Theo đó, các ngành nghề liên quan đến phụ tùng/linh kiện ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. CBRE nhận thấy các nhà cung ứng cấp 1 đang mở rộng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, điển hình, như: Bosche, Schaeffler, Mitsubishi Motors, Yazaki, Daimler… Hơn nữa, Việt Nam là đất nước có dân số lớn thứ 3 trong khối ASEAN với 96 triệu dân. GDP trên đầu người tại Việt Nam đạt trung bình là 3.500USD trong năm 2019, vượt qua tiêu chuẩn 3.000USD của một người có thể sở hữu xe ô tô (theo Thời báo Nikkei). Thị trường bất động sản công nghiệp cũng vì thế mà được dự đoán sẽ hoạt động rất tốt trong những năm tiếp theo nhờ vào sự hạn chế nguồn cung (đất, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho) trong bối cảnh nhu cầu từ các công ty lắp ráp, phụ tùng và mua bán ô tô tăng nhanh. Các cụm công nghiệp nằm gần cảng hoặc gần cụm sản xuất ô tô sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng và Hải Dương được dự kiến sẽ trở thành tâm điểm đầu tư trong tương lai. Các tỉnh phía Nam như Long An và thành phố Vũng Tàu với lợi thế thuận tiện di chuyển đến cảng Hiệp Phước và Cái Mép cũng hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, CBRE cũng cho rằng, khi cơ hội được mở ra thì cũng chứa đựng những rủi ro tiềm tàng. Việc chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam một cách đột ngột sẽ có thể dẫn đến việc tắc nghẽn do thị trường đang rất khan hiếm nguồn cung. Các nhà đầu tư cũng sẽ không có đủ thời gian để cung cấp ra thị trường các sản phẩm phục vụ công nghiệp có chất lượng do công tác này tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là về các thủ tục pháp lý. Thêm vào đó, việc thiếu nguồn nhân lực tạm thời và hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế sẽ là những rào cản của Việt Nam đến triển vọng tăng tưởng của thị trường bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn. Đối mặt với các thách thức trên, nhà đầu tư đã có sẵn quỹ đất sạch nên tăng tốc trong việc xây dựng nhà xưởng để chuẩn bị cho những cơ hội mở rộng mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư mới vào hoặc đang quan tâm đến thị trường cần phải chủ động ngay để nắm bắt những cơ hội phát triển hiếm có này.

“Chính phủ Việt Nam cũng nên tìm ra những biện pháp phù hợp để giải quyết những bất cập trên nhằm đảm bảo việc tối đa hóa lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước từ hiệp định tự do thương mại này”, CBRE cho biết./.