Trong bối cảnh đó, nền báo chí nói chung và mỗi cơ quan báo chí nói riêng buộc phải thay đổi tư duy quản trị, quản lý và sản xuất nhằm thích nghi với môi trường truyền thông mới để phát triển bền vững.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang tác động ngày càng sâu sắc đến nền báo chí Việt Nam

Công nghệ 4.0 và môi trường truyền thông 4.0

Khái niệm “CMCN lần thứ 4” được GS. Klaus Schwab, người Đức, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra và đó cũng là chủ đề chính của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới năm 2016 tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sỹ. Theo Klaus Schwab, cuộc cách mạng này diễn ra trên 3 lĩnh vực chính, gồm: Công nghệ sinh học; Kỹ thuật số; Vật lý. Trong 3 lĩnh vực đó, kỹ thuật số liên quan mật thiết với sự phát triển của truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng. Những yếu tố cốt lõi của lĩnh vực kỹ thuật số trong CMCN 4.0, gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); Vạn vật kết nối (IoT); Dữ liệu lớn (Big data). Đối với lĩnh vực báo chí, sự thông minh hóa không ngừng của máy móc, AI đang đem đến nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ đắc lực việc cải thiện năng lực, hiệu quả lao động báo chí và thậm chí là robot sẽ lao động thay thế người làm báo trong nhiều công việc. Còn IoT với khả năng kết nối mọi thiết bị với internet và thông qua đó để tương tác, chia sẻ sẽ giúp máy móc và con người trong hệ sinh thái làm báo trở nên thông minh hơn, tiện ích hơn. Cùng với đó, Big data cho phép dữ liệu từ nhiều nguồn (các trang web, mạng xã hội, ứng dụng cho máy tính để bàn và ứng dụng trên thiết bị di động, các thí nghiệm khoa học và các thiết bị cảm biến…) được kết nối thành các kho dữ liệu lớn trên nền tảng internet. Với Big data, báo chí vừa là chủ vừa là khách của kho tài nguyên dữ liệu.

Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình, phương thức sản xuất, tương tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu… trong một thế giới ngày càng phẳng hơn. Trong dòng chảy của cuộc CMCN 4.0, đối với lĩnh vực báo chí ở Việt Nam, những tác động trực tiếp đang hiện hữu và ngày càng rõ nét, nhiều chiều cạnh và mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, báo chí có thêm những lựa chọn về công nghệ thông minh và siêu kết nối phục vụ làm báo (quản trị tòa soạn, sản xuất và phát hành sản phẩm báo chí). Đó là công nghệ gắn trực tiếp với việc thu thập và xử lý tư liệu đa phương tiện (xử lý chữ viết, âm thanh, hình ảnh, số liệu…), công nghệ biên tập và dàn dựng nội dung (thiết kế dàn trang; format chương trình; dựng và biên tập âm thanh, hình ảnh; kỹ xảo hình ảnh…), công nghệ xuất bản theo chuỗi đa nền tảng (một sản phẩm nguồn cung cấp cho nhiều loại thiết bị tiếp nhận (mobile, desktop, tivi, radio, social network…) và trên cả môi trường truyền thông báo chí và truyền thông xã hội (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, mạng xã hội…). Công nghệ làm báo thời 4.0 cho phép báo chí tối ưu hóa cách thức thể hiện đa dạng nội dung và phân phối đến đa dạng công chúng.

Nhưng, cùng với cơ hội, thì CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức cho báo chí. Đó là đòi hỏi báo chí phải đầu tư nâng cấp công nghệ 4.0, có đội ngũ nhân lực 4.0, phải có giải pháp quản trị, quản lý tòa soạn và nhân lực phù hợp xã hội 4.0, và nhất là phải có năng lực tiếp cận và chiếm cảm tình của công chúng 4.0 để giành thị phần. Vì thế, tất yếu dẫn các báo phải cùng đối mặt với sức ép cạnh tranh như nhau trong môi trường truyền thông 4.0. Trên thị trường báo chí thời 4.0, thì cách làm báo (gồm: thái độ làm báo và năng lực làm chủ công nghệ làm báo) sẽ là trụ cột trung tâm quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi cơ quan báo chí chứ không phải một mệnh lệnh hành chính nào đó.

Thực tế cho thấy, làm truyền thông đại chúng không còn là “đất diễn” riêng của những tổ chức truyền thông đại chúng chuyên nghiệp như báo chí. Đơn cử, trước đây khi chưa có internet, web và mạng xã hội, một cơ quan, doanh nghiệp thường tìm đến báo chí là một kênh quan trọng để đặt hàng việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình. Nhưng nay, cơ quan, doanh nghiệp đã có thể tự lập các website hoặc fanpage làm kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tương tác với khách hàng của mình mà không cần kênh báo chí. Một cá nhân dùng điện thoại thông minh có thể thành “nhà báo tự do” đưa tin, thậm chí thông tin họ lan truyền có thể nhanh và hấp dẫn hơn các nhà báo chuyên nghiệp. Nhiều tình huống, thông tin của “nhà báo tự do” còn đi trước và báo chí chuyên nghiệp phải dựa nguồn và “chạy theo”. Rõ ràng, thời đại công nghệ 4.0, ai cũng có quyền và cơ hội để vừa là chủ thể vừa là khách thể truyền thông đại chúng một cách chủ động. Điều này đặt mọi cơ quan báo chí và mọi loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) vào môi trường đa cạnh tranh. Nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí bị đào thải, các tòa soạn báo phải xoay xở để thích nghi với môi trường truyền thông mới - môi trường truyền thông 4.0.

Môi trường truyền thông 4.0 là môi trường truyền thông mà ở đó các yếu tố cấu thành (chủ thể truyền thông, khách thể truyền thông, nguồn tin, thông điệp, kênh truyền, hiệu quả, yếu tố nhiễu, phản hồi…) cùng tham gia quá trình truyền thông trên nền tảng công nghệ 4.0. Trong môi trường này, mọi loại hình báo chí phải số hóa nội dung và ứng dụng công nghệ AI, IoT và Big data vào làm báo. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào làm báo vừa là để các báo hòa nhập xu thế truyền thông 4.0, vừa nhằm tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu nhiễu, tăng năng lực tiếp cận nguồn tin, đa dạng hóa kênh truyền để gia tăng hiệu ứng và tăng hiệu quả.

Vì sao báo chí phải thích nghi với môi trường truyền thông mới này? Bởi vì, công nghệ 4.0 làm xuất hiện nhiều thuật ngữ ngày càng trở nên phổ biến để chỉ các xu hướng báo chí mới, như: Báo chí đa phương tiện (multi-media); Báo chí đa nền tảng (multi-platform media); Báo chí di động (mobile media); Báo chí xã hội (social media); Báo chí dữ liệu (data journalism); Báo chí sáng tạo (innovative journalism)… Các xu hướng báo chí mới này đang khiến các cơ quan báo chí, các loại hình báo chí và các nhà báo phải thích nghi, phải đi trong vòng xoáy đa cạnh tranh như một tất yếu để sinh tồn.

Báo chí trong vòng xoáy đa cạnh tranh

Sự bùng nổ công nghệ truyền thông thông minh, kết nối internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn đẩy báo chí vào vòng xoáy đa cạnh tranh có tính thời đại. Đó là cạnh tranh về thông tin (giữa các báo thuộc cùng loại hình, cạnh tranh giữa loại hình báo chí này với loại hình báo chí khác, cạnh tranh giữa báo chí với mạng xã hội) ở cả góc độ tiếp cận nguồn tin, lượng và chất của thông tin và tốc độ thông tin; Cạnh tranh về thu hút và phát huy đội ngũ nhân lực 4.0; Cạnh tranh giành thị phần quảng cáo; Cạnh tranh tạo dựng uy tín và thể hiện trách nhiệm xã hội… Mặc dù những cạnh tranh này không phải mới xuất hiện, nhưng chỉ khi môi trường truyền thông 4.0 hình thành, thì các cạnh tranh này mới trở thành áp lực đồng thời và khiến mọi cơ quan báo chí phải đối mặt, không thể né tránh. Bởi, internet và mạng xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng trở thành “nhà báo” và họ có thể đưa tin ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào.

Xét trong thị trường thông tin của báo chí và truyền thông xã hội, cùng một cộng đồng công chúng, nếu như trước kia, báo chí có thị phần riêng của mình trong việc đưa tin đại chúng, thì nay sự độc quyền đã bị xóa bỏ. Nhà báo và cơ quan báo chí không còn đi đầu trong cung cấp thông tin đại chúng. Đối thủ đưa tin lớn nhất của báo chí hiện nay là truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đang thể hiện rõ lợi thế trong việc thỏa mãn nhu cầu thông tin và được thông tin của cá nhân, nhóm cộng đồng. Thông tin trên mạng xã hội được lan truyền nhanh chóng và có tính tương tác cao nhờ công nghệ truyền thông 4.0. “Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ quan báo chí, thậm chí đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay” (Xuân Minh, 2019). Thực tế, truyền thông xã hội hiện không còn là một lựa chọn chờ báo chí xem xét tiếp cận như trước đây nữa, nó đã trở thành một kênh khiến báo chí phải tìm đến và tự giác tham gia. Mạng xã hội trở thành một trong những kênh quan trọng mà báo chí phải dựa vào để khai thác thông tin, chia sẻ tin tức. Do đó, không chỉ các báo điện tử mà cả báo in, đài phát thanh, đài truyền hình… cũng tạo lập fanpage, tài khoản trên các mạng xã hội làm một kênh phát hành và tương tác với công chúng của mình.

Theo Báo cáo Việt Nam Digital 2020 (thống kê đến tháng 01/2020) do tổ chức We Are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội) mới công bố, số người dùng Internet tại Việt Nam đã lên tới 68,17 triệu (chiếm khoảng 70% dân số). Đồng thời, khoảng 65 triệu người (67% dân số) dùng mạng xã hội; 59,8% người dùng mạng xã hội trên nền tảng mobile. Có tới 145 triệu mobile kết nối dữ liệu di động (tương đương 150% dân số). Cũng theo khảo sát từ We Are Social, người Việt Nam trong năm 2019 trung bình dành ra 6 tiếng 42 phút hằng ngày để truy cập internet; người Việt sử dụng mạng xã hội trung bình 2 tiếng 33 phút một ngày. 48% sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức thời sự, 39% đọc tin tức giải trí và tới 76% theo dõi và tương tác với bạn bè và người thân. 99% người Việt dùng internet xem video, 55% xem tivi trực tuyến, 32% xem các livestream.

Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam năm 2019 do Adsota công bố cũng cho thấy, 72% người sử dụng điện thoại di động là điện thoại thông minh (smartphone). Ngoài Google tìm kiếm, Facebook, YouTube, người Việt rất thường xuyên truy cập đọc tin tức trên báo mạng điện tử. Tại bảng xếp hạng top 15 quốc gia có số lượng người sử dụng smartphone cao nhất thế giới do Newzoo thống kê, thị trường Việt Nam đứng thứ 14 với 43,7 triệu người dùng trên tổng số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%. Theo dữ liệu nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, như: Liên hợp quốc, Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ, Ngân hàng Thế giới, hay các công ty nghiên cứu thị trường Global Web Index và trang thống kê Internet World Stats, điện thoại thông minh ngày càng lên ngôi và là phương tiện chính để truy cập Internet.

Những “con số biết nói” trên đây chỉ ra rằng, cơ hội hiện hữu cho báo chí Việt Nam là nhu cầu thông tin của công chúng rất lớn. Môi trường internet là lý tưởng để các báo tiếp cận công chúng. Các báo ở Việt Nam không muốn, thì cũng phải vào cuộc cạnh tranh để giành công chúng cho mình trên môi trường kết nối đa nền tảng. Trong vòng xoáy đa cạnh tranh đó, không có yếu tố nào (cả nhân lực và vật lực) là kém quan trọng hơn để đầu tư phát triển. Vì thế, để đứng được trên thị trường truyền thông, các báo phải tìm giải pháp vượt lên đối thủ hoặc chí ít là đi ngang hàng mới có được thị phần nhất định về công chúng và quảng cáo.

Giải pháp nào cho báo chí trong thời đại 4.0?

Báo chí Việt Nam đang trên đường thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại theo Đề án Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, hầu hết các toà soạn sẽ phải tự chủ về tài chính, trong khi theo Cục Báo chí, đến năm 2019, chỉ 39% cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính; 36% cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí và 25% cơ quan báo chí sống nhờ ngân sách nhà nước. Để tự chủ bền vững, không có cách nào khác, các báo phải nỗ lực đổi mới, thích ứng thời đại 4.0 để cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác giành công chúng và thị phần quảng cáo. Muốn vậy, các cơ quan báo chí cần lưu ý các giải pháp sau:

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ 4.0 trong làm báo: Đây là điều kiện tiên quyết để cơ quan báo chí hội nhập trong môi trường truyền thông 4.0. Tùy theo loại hình báo chí mà cơ quan báo chí đang vận hành để lựa chọn công nghệ phù hợp, nhưng phải dần hướng đến các xu hướng làm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động và truyền thông xã hội. Trong đó, báo chí đa nền tảng là chủ đạo, các xu hướng khác cùng song hành. Khi ứng dụng công nghệ thông minh và kết nối vạn vật vào làm báo trở thành tất yếu, các nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp không thể cứ “ôm vòng nguyệt quế” của mình từ quá khứ trong khi thị phần dần bị các phương tiện truyền thông mới lấy đi. Họ buộc phải thức tỉnh và chọn giải pháp để sống được cùng thời đại. Báo chí đa nền tảng là một giải pháp quan trọng, nên được xem xét lựa chọn, với hàm ý nếu đầu ra sản phẩm của cơ quan báo chí chỉ đơn loại hình (như: báo in, phát thanh, truyền hình hay báo mạng điện tử), thì chưa đủ, mà một mặt phải đồng thời xuất bản trên kênh của mình, trên internet và trên các mạng xã hội, mặt khác phải thiết kế chuyển đổi linh hoạt chuẩn đầu ra để cung cấp nguồn cho đa loại hình tiếp nhận (máy tính bảng, điện thoại di động, laptop…). Do vậy, việc cập nhật ứng dụng các công nghệ tiên tiến và hướng đến ứng dụng AI, IoT, Big data vào làm báo là cần thiết.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhân lực 4.0: Nhân sự không chỉ có đạo đức nghề nghiệp mà còn phải có năng lực làm chủ công nghệ 4.0 trong làm báo, trước tiên là phải có thành thạo sử dụng máy tính và kết nối, khai thác internet phục vụ làm báo. Đây là điều kiện, mà từ lãnh đạo cơ quan báo chí đến phóng viên, cộng tác viên đều phải đáp ứng. Nhân sự làm nội dung phải có năng lực phân tích, xác định giá trị thông tin để quyết định ứng dụng công nghệ phù hợp, kết nối và phối hợp với các nhân sự thuộc các chuyên môn khác (kỹ thuật audio, video, image, đồ họa…) để cùng xử lý tư liệu và sáng tạo sản phẩm báo chí nhanh nhất có thể và cung cấp đồng thời cho các đầu ra ở đa nền tảng. Vì vậy, nhân lực làm báo 4.0 phải là một tập thể chuyên nghiệp, có năng lực hợp tác, kết nối, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm và tòa soạn phải coi trọng mọi nhân sự, trong đó nhân sự kỹ thuật công nghệ là trung tâm, nhân sự nội dung là then chốt.

Thứ ba, quản trị và quản lý tòa soạn 4.0: Quản trị và quản lý tòa soạn và tổ chức sản xuất, xuất bản nội dung báo chí phải phù hợp thời đại 4.0. Mấu chốt là nhà quản trị ra chiến lược phải dựa trên các kết quả nghiên cứu, dự báo một cách khoa học; nhà quản lý ra quyết định thực hiện phải trên sự hiểu biết và có thực tiễn; nhà sản xuất trên thực tiễn phải làm chủ công nghệ tiên tiến, linh hoạt, sáng tạo. Tức là từ tổng biên tập đến các lãnh đạo cấp phòng ban, các phóng viên, kỹ thuật viên… đều phải hiểu về báo chí 4.0 và tùy vị trí việc làm đều cần phải được đào tạo và đào tạo lại để có những kiến thức, kỹ năng nhất định phục vụ làm báo 4.0.

Thứ tư, coi trọng nội dung, không xem nhẹ kỹ thuật công nghệ: Quan điểm này cần được xuyên suốt trong mọi hoạt động tổ chức sản xuất nội dung báo chí. Bởi nội dung phải được coi là linh hồn, kỹ thuật là hình thể của sản phẩm báo chí. Cho nên, nội dung của sản phẩm báo chí phải đảm bảo: tính mới lạ, xác thực, khách quan, nhân văn và có bản quyền; hình thức sản phẩm báo chí được kỹ thuật trao truốt nhằm phải nâng tầm thẩm mỹ và giá trị tin tức, thể hiện phù hợp với đa nền tảng tiếp nhận. Khi có nội dung tốt và hình thức phù hợp sẽ tăng hiệu ứng truyền thông và tăng hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

2. Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (2019). Báo cáo hoạt động năm 2019 và kế hoạch năm 2020

3. Adsota (2020). Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam năm 2019, công bố ngày 21/02/2020

4. Xuân Minh (2019). Báo chí trước thách thức của cuộc CMCN 4.0, Báo Tin tức, ngày 21/6/2019

5. We Are Social (2020). Báo cáo Việt Nam Digital 2020, truy cập từ https://drive.google.com/file/d/1iuNjAFSKaxkfB5ZuXZyVs9rEWyE2Ztz8/view

TS. Trần Xuân Thân

Đài Tiếng nói Việt Nam

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17/2020)