Thị trường bất động sản (BBĐS) Việt Nam đã trì trệ trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2008 đến nay). Thị trường này đã đóng băng ở hầu hết các phân khúc, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Đặc biệt, năm 2012 chứng kiến những khó khăn bậc nhất do tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao, nợ xấu và sự thiếu niềm tin vào thị trường.

Theo nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam, dự báo năm 2013, nguồn cầu tại phân khúc văn phòng hạng A và B ở khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 14%, trong khi đó, phí cho thuê sẽ giảm 3% so sánh với năm 2012. Do vậy, nguồn cung tại phân khúc này sẽ càng trở nên dư thừa trong năm tới. Công ty nay cũng dự báo, đến năm 2015: thị trường Hà Nội sẽ có khoảng 860.000 m2 diện tích văn phòng mới từ 62 dự án sẽ gia nhập thị trường văn phòng; Còn, tại thị trường TP.Hồ Chí Minh dự kiến có thêm 531.000 m2 từ 35 dự án tương lai. Nếu tất cả các dự án này đều gia nhập vào thị trường thì tổng nguồn cung sẽ vào khoảng 1,85 triệu m2, tăng 40% so với 2012.

Trong khi đó, Dragon Capital cho biết, tổng BĐS tồn đọng của cả Hà Nội và TP.HCM đã lên tới 70.000 căn hộ. Nếu mức giá là 1,5 tỉ đồng/căn thì tổng số vốn đọng trong BĐS tồn đọng lên tới 100.000 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia đã ước tính rằng thông thường, để giải quyết số lượng tồn kho bất động sản này phải mất ít nhất bảy năm.

Còn, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS ở TP.Hồ Chí Minh, tình trạng ảm đạm hiện nay có nguyên nhân phần lớn là do lỗ hổng trong trình độ chuyên môn của các công ty BĐS. Thật vậy, theo số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho đang chiếm gần 50% tổng tài sản của họ. Cá biệt, một số doanh nghiệp có tỷ lệ hàng BĐS tồn kho chiếm đến 70 – 90% tổng giá trị tài sản. Phần lớn các doanh nghiệp không còn tiền mặt để hoạt động, để trả các khoản nợ.

Một số các giải pháp đã được đưa ra để giải cứu thị trường, như: kéo dài thời gian sử dụng đất, giảm thuế (bao gồm thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng) hoặc việc cung cấp các ưu đãi về lãi suất trong dài hạn cho khách hàng vay mua nhà, chia nhỏ các căn hộ lớn để giảm tổng giá trị căn hộ cho phù hợp với khả năng thanh toán của cầu…

Liên quan đến vấn đề giải pháp giải cứu thị trường bất động sản hiện nay, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương “tiết lộ”, Chính phủ có thể sẽ thành lập một quỹ tài chính giống như Fannie Mae và Fredie Mac của Mỹ (Quỹ thế chấp Nhà ở liên bang và Công ty thế chấp cho vay mua nhà liên bang) để giúp đỡ người tiêu dùng có thể mua được nhà. Nguồn vốn của quỹ này sẽ được hình thành hoàn toàn từ doanh nghiêp, ngân hàng chứ không phải là từ nguồn vốn nhà nước.

Hình thức này sẽ không chỉ giúp người có nhu cầu mua được nhà, doanh nghiệp bán được hàng mà còn giúp phát triển thị trường cho thuê nhà ở. Ngoài ra, rất có thể Bộ Tài chính sẽ giảm 50% thuế VAT đối với những người mua nhà thu nhập thấp.

Ông Thành cho biết, “hiện nay, các Bộ, ngành cũng đang khẩn trương tiến hành điều tra, thống kê số liệu, chuẩn bị cơ sở cho sự ra đời của định chế này. Đề án xử lý nợ xấu cũng đã tương đối hoàn chỉnh, đang được trình lên cấp cao nhất để phê duyệt. Phương án hình thành tổ chức cho vay nhà ở thế chấp cũng đang sắp hoàn thành, có thể sẽ sớm được triển khai trong quý 1. Nhưng tất nhiên, để xử lý rốt ráo vấn đề nợ xấu, bất động sản cũng phải mất hàng năm chứ không chỉ ngày một ngày hai.”

Fannie Mae, tên chính thức là Federal National Mortgage Association (Quỹ Thế chấp Nhà ở Liên bang), là một công ty đại chúng và là một tổ chức tài chính của Mỹ chuyên mua và chứng khoán hóa các khoản thế chấp nhằm đảm bảo về tài chính cho tổ chức tài chính cho người dân vay tiền để mua nhà ở. Fannie Mae và Freddie Mac đã cùng nhau kiểm soát gần như toàn bộ thị trường nhà ở của Mỹ.

Khi một người Mỹ muốn vay tiền từ một tổ chức tài chính nào đó để mua nhà, họ thế chấp nhà của mình cho tổ chức đó. Fannie Mae sẽ mua khoản thế chấp đó từ tổ chức tài chính, chuyển khoản thế chấp này thành phiếu nợ đảm bảo bằng tài sản, rồi đem bán cho các nhà đầu tư chứng khoán với cam kết rằng sẽ trả gốc và lãi đúng hạn cho họ. Phần chênh lệch giữa tiền thu đượctừ bán chứng khoán và số tiền bỏ ra mua khoản thế chấp là nguồn thu của Fannie Mae. Cơ chế này tạo ra một sự đảm bảo cả cho người đi mua nhà lẫn tổ chức tín dụng. Nếu không có, tổ chức tín dụng có thể ngần ngại cho người mua nhà vay tiền vì sợ rủi ro rằng người đi vay không trả được nợ. Ngoài ra Fannie Mae còn đi vay trên thị trường nợ, thường là với lãi suất thấp hơn lãi suất của ngân hàng, rồi đi mua lại các khoản cầm cố của các tổ chức tín dụng.