Ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Hội nghị đã nghe và thảo luận về các báo cáo: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; tình hình ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; tình hình triển khai công tác bảo đảm an sinh xã hội...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có 43 kiến nghị trực tiếp tại hội nghị, 311 kiến nghị gửi bằng văn bản và giao Bộ KH&ĐT, VPCP tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ với tinh thần tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, cần làm ngay, làm càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nói. “Một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”.

Thủ tướng cho rằng, các kiến nghị về đất khu công nghiệp mà địa phương nêu ra có thể quyết được, hay sớm cho chủ trương về phát triển các khu công nghiệp để đón thời cơ, tiếp nhận dòng vốn đầu tư mới.

Nhắc lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kịch bản cụ thể tăng trưởng quý III và quý IV/2020 với mục tiêu là phấn đấu đạt kết quả cao nhất, bảo đảm không để kinh tế rơi vào suy thoái.

“Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình”, Thủ tướng nêu rõ.

Các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần là khó khăn đến đâu thì phải phấn đấu gấp 3, không chùn bước, không bàn lùi. Cả nước chung sức, đồng lòng; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, làm việc hiệu quả, có các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn.

Từng bộ, địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, nhất là về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và những vướng mắc về thể chế hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hội nghị này, Chính phủ đưa ra một số định hướng chủ đạo, đó là: kiên quyết không để dịch bệnh quay lại, đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển bền vững kinh tế. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống nhân dân. Điều hành chính sách tài khóa tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu, kiểm soát tốt giá cả thị trường, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, nhưng không thắt chặt tiền tệ. Hỗ trợ hiệu quả các thành phần kinh tế, không để đứt gãy nền kinh tế. Có cơ chế, chính sách phù hợp để kích thích mạnh mẽ các động lực phát triển kinh tế. Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa, các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, ngành dịch vụ; các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn phải là đầu tàu, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, lưu ý bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phục vụ tốt và tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trên tinh thần các định hướng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó trước hết là theo dõi, phân tích kỹ tình hình thế giới để quyết định mở cửa đất nước, trên cơ sở bảo đảm an toàn trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của các lực lượng nòng cốt là y tế, quân đội, công an, các cấp chính quyền… trong công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương cần được triển khai quyết liệt, phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

“Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”, Thủ tướng đưa phương án.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020. “Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn”. Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo hiệu quả việc thực hiện chính sách gia hạn nợ; các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Có các chính sách hỗ trợ hiệu quả về tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng điều hành linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác gắn liền với kiểm soát tốt lạm phát. Về tài khóa, cần triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn liên quan đến thuế, phí, lệ phí trên các lĩnh vực…

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; không để quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Các ngành, các cấp, các địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất khẩu.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thúc đẩy phát triển; dành nguồn lực thỏa đáng cho triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thiên tai, bão lụt… Thúc đẩy phát mạnh mẽ tiến độ triển khai các công trình xây dựng, công nghiệp, nhất là công trình năng lượng, bảo đảm đủ điện cho phát triển - kinh tế xã hội.

Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện đúng quy định về thanh tra, kiểm tra, không để công tác này gây cản trở, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, thể dục thể thao; thực hiện tốt chính sách người có công, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức tốt Kỳ thi Trung học phổ thông và chuẩn bị năm học mới 2020-2021; tổ chức hoạt động sinh hoạt hè bổ ích cho học sinh, sinh viên. Triển khai thực hiện hiện quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, nhân rộng mô hình khám chữa bệnh từ xa.

Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Không để tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài nhiều ngày, vượt cấp. Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyền thông; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng./.