Bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế

Giai đoạn 2011-2019, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm bình quân mỗi năm tăng 7,25%

Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đã có sự tăng trưởng cao, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2019, GRDP của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm trong giai đoạn 2011-2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.

Quy mô kinh tế của các vùng KTTĐ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong quy mô GDP cả nước; quy mô GRDP của toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ so với GDP của cả nước giai đoạn 2011-2019 luôn ở mức trên 70%; tỷ trọng GRDP/GDP năm 2019 của cả 4 vùng KTTĐ là 72,67%.

Giai đoạn 2011-2019, cơ cấu kinh tế các vùng KTTĐ có sự chuyển dịch khá lớn theo xu hướng chung của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng KTTĐ, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng giảm, trong khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng nhờ chính sách đầu tư phát triển, mở rộng khu công nghiệp, khu kinh tế tại các vùng KTTĐ.

Vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, các vùng KTTĐ chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, để thực sự “mở khóa” các cơ hội phát triển, đồng thời hiện đang đối mặt nhiều thách thức.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định; cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới; huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông; khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn; nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết, như: áp lực về tăng dân số, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhà ở cho người lao động, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các vùng KTTĐ.

Trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 Chỉ thị để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững 4 vùng KTTĐ của cả nước.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế trong nước do các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nhà nước, phát triển du lịch… của các vùng KTTĐ đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Cần ban hành Nghị quyết đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Để khắc phục những hạn chế trên, hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để cộng hưởng sự phát triển của vùng, đoàn kết, chung sức chung lòng vì sự phát triển chung của đất nước là cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tên của dự thảo Nghị quyết là: "Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm”. Theo đó lược bỏ nội dung “góp phần thúc đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19” như tại Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 8/6/2020 với lý do:

Một là, Nghị quyết giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thuộc các Vùng KTTĐ thực hiện các nhiệm vụ trước mắt và cả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính trung và dài hạn để đẩy mạnh phát triển các vùng KTTĐ nên các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện các giải pháp thường xuyên không chỉ trong giai đoạn bị tác động của đại dịch Covid-19.

Hai là, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khắc phục kịp thời các khó khăn, giúp ổn định đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các Nghị quyết số 42/NQ-CP; số 84/NQ-CP, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và các Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 nên dự thảo Nghị quyết này chỉ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp đặc thù đối với vùng KTTĐ, không nhắc lại các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các Nghị định, Nghị quyết và Chỉ thị nêu trên.

Dự thảo Nghị quyết gồm 04 phần như sau: (1) Tình hình phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; (2) Quan điểm; (3) Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; (4) Tổ chức thực hiện.

Nghị quyết đề xuất phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thuộc các Vùng KTTĐ theo 06 nhóm vấn đề.

Trong đó, có 4 nhóm vấn đề phối hợp trọng tâm được quy định tại Quyết định số 2360/QĐ-TTg, ngày 22/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020, gồm: (i) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; (ii) Huy động nguồn lực đầu tư phát triển; (iii) Đào tạo và sử dụng lao động; (iv) Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng.

Cùng với đó có thêm 2 nhóm vấn đề được bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 200/TB-VPC,P ngày 08/6/2020 của Văn phòng Chính phủ, gồm: (i) Cơ chế điều phối vùng KTTĐ; (ii) Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Về huy động nguồn lực đầu tư phát triển, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, cần nghiên cứu, đề xuất nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng KTTĐ trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Định hướng thu hút một số dự án ODA quy mô lớn cho các vùng KTTĐ. Khẩn trương phối hợp với các nhà tài trợ trình Thủ tướng Chính phủ chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, đề xuất tăng hạn mức vay lại của các địa phương trong vùng KTTĐ.

Cùng với đó, cần đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các Vùng KTTĐ. Nghiên cứu cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các địa phương trong vùng. Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư dựa trên các tiêu chí lựa chọn dự án cụ thể.

Về cơ chế điều phối vùng KTTĐ, đề xuất phương án hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động vùng KTTĐ, phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng theo mô hình tương tự như đã thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Chủ tịch là 01 Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch là lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương liên quan, thành viên là các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố các vùng KTTĐ.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ yêu cầu tập trung cơ cấu các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù của vùng, phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, xác định rõ các ngành có tiềm năng, lợi thế, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp các ngành giữa các vùng, tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng.

Theo đó, Vùng KTTĐ Bắc Bộ ưu tiên tập trung vào xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các ngành điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm; y tế chuyên sâu; công nghiệp phụ trợ.

Vùng KTTĐ miền Trung ưu tiên tập trung vào du lịch biển, du lịch sinh thái; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp hóa dầu, công nghiệp quốc phòng; dịch vụ cảng biển.

Vùng KTTĐ phía Nam ưu tiên thu hút vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản.

Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp hiệu quả cao; tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp hơn là sản lượng; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản./.