Hệ quả của tăng trưởng tín dụng “nóng”

Các ảnh hưởng tích tụ từ tín dụng trong quá khứ không chỉ tác động lên sản lượng mà còn lên các biến số kinh tế vĩ mô chính như đầu tư, cho vay, tỷ giá và lạm phát.

Việt Nam là nền kinh tế nhỏ hơn nhiều với lĩnh vực tài chính vẫn còn ở trạng thái phát triển non trẻ. Tuy nhiên những hệ lụy từ các giai đoạn tăng trưởng tín dụng “nóng” vẫn có những tác động nặng nề.

Sau hai giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao (2007 và 2009), dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao và niềm tin người tiêu dùng thấp (biểu đồ 9-11), Việt Nam vẫn còn trong vòng quay của lực cầu nội địa kém.

Lạm phát trong tháng 10 giảm xuống còn 3,2% tính so với cùng kỳ năm ngoái và hoạt động bán lẻ chỉ tăng 11,1% tính từ đầu năm đến nay. Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm trần lãi suất huy động xuống 5,5% từ mức 6% trong một nỗ lực kích cầu và tăng trưởng tín dụng.

“Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng các hoạt động cho vay sẽ thật sự tăng”, các chuyên gia của HSBC cho biết .

Dù lực cầu trên thế giới và Việt Nam còn yếu, chi phí lương khá thấp, chi phí điện và nước cạnh tranh đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Phân tích về chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (Revealed comparative advantage-RCA), thị phần trên toàn cầu, và tỷ lệ tăng trưởng cho thấy, Việt Nam đang đi theo mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu truyền thống.

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Hàng hóa xuất khẩu chỉ đạt giá trị 7 tỷ USD vào năm 1996, nhưng đã nhanh chóng tăng lên đến 132 tỷ USD vào năm 2013. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ đạt giá trị 151 tỷ USD vào năm 2014.

Tỷ lệ tăng nhanh về chỉ số việc làm trong các chỉ số phụ là một trong những chỉ báo đáng mừng nhất cho tương lai của ngành sản xuất Việt Nam và tăng trưởng GDP.

Sự tăng nhanh của xuất khẩu và tăng chậm của nhập khẩu đã giúp cán cân thương mại giữ trạng thái dương trong 3 năm qua. HSBC dự báo, năm 2014 sẽ có xuất siêu thương mại 1,8 tỷ USD và trong năm 2015 số xuất siêu sẽ ít hơn, ở mức 0,5 tỷ USD.

Tài khoản vãng lai của đất nước chuyển biến từ con số trung bình -5,2% của GDP trong giai đoạn từ 2005 đến 2010 thành trung bình +3,8% của GDP trong giai đoạn từ 2011-2013.

“Đây là một trog những lý do chính tại sao tỷ giá khá ổn định, nhờ vào nguồn cung bền vững, cho phép Ngân hàng Nhà nước” tích trữ ngoại hối, báo cáo cho hay.

Dù lực cầu nội địa yếu, chỉ số nhà quản trị mua hàng HSBC tháng 10 của Việt Nam vẩn ở mức 51, mức tăng trưởng tháng thứ 14 liên tiếp. Đơn hàng xuất khẩu và chỉ số việc làm tăng trên mức 53. Trong trung hạn, nhiều khả năng Việt Nam sẽ củng cố lại vị thế tài chính của mình.

Thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng

Tuy nhiên trong năm nay, thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng do có chi ngân sách cao còn thu ngân sách lại chậm.

Về cơ cấu nguồn thu của Việt Nam, theo tính toán của HSBC, nguồn thu từ dầu đóng góp 19% tổng thu nhập (4,3% GDP) trong năm 2012, giảm 26% (từ 5,3% GDP) năm 2000. Từ đầu năm đến nay, tổng thu tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản chi của Chính phủ, không tính phần chi trả nợ gốc các khoản nợ công, tăng 11,5% từ đầu năm đến nay.

Thâm hụt ngân sách Việt Nam tăng trong năm 2013 khi nguồn thu co lại, nhưng chi tiêu lại nở ra. Mặc dù Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ lại những chi tiêu công gây lãng phí, khoảng cách giữa chi và thu vẫn còn khá rộng.

Vì thế, “Việt Nam sẽ cần phải mở rộng nguồn thu thuế để bù đắp sự sụt giảm tỷ lệ nguồn thu đóng góp cho GDP khi giàm thu thuế doanh nghiệp (dự định giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 20% trong năm 2016 từ mức thuế hiện tại 22%)”, báo cáo cho biết.

Thâm hụt tài chính tăng trong những năm gần đây dẫn đến nợ công và nợ nước ngoài đều tăng lên. Tuy xét trong tương lai gần, nhiều khả năng Việt Nam không phải đối mặt với vấn đề nợ kéo dài, nhưng tỷ lệ đóng góp của các nguồn thu cho GDP lại đang giảm.

Cụ thể, trong năm nay, tỷ lệ đóng góp thu ngân sách cho GDP chỉ khoảng 25% so với mức trung bình gần 30% vào những thập kỷ trước. Kết quả là, lượng nợ công, cả trong và ngoài nước, đều tăng.

Các chuyên gia của HSBC cũng chỉ rõ, lượng nợ sẽ chỉ đáng lo ngại nếu nền kinh tế ngưng phát triển và dòng chảy nợ tiếp tục chất chồng thêm. Họ quan ngại, năm nay và cả năm sau, vấn đề thâm hụt ngân sách vẫn sẽ tồn tại ở mức 5-6% bởi đây là vấn đề mang trái ngược chu kỳ (nền kinh tế đang phát triển chậm lại nên các chính sách tài khóa của chính phủ sẽ được mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế).

GDP sẽ tăng dần từ năm 2014-2016

Lưu ý đầu tư giảm và nhu cầu nội địa yếu trong năm 2011 khi Việt Nam đang ở thời kỳ khủng hoảng tài chính lớn. Kể từ đó nền kinh tế dần hồi phục, nhưng khu vực nội địa vẫn không mấy sáng sủa. Phần lớn tăng trưởng trong cuối những năm 2000 là nhờ vào tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, điều này làm cho tỷ lệ phụ thuộc vào tính dụng càng trầm trọng hơn (tăng trưởng dư nợ trên tăng trưởng sản phẩm). Tỷ lệ phụ thuộc vào tín dụng càng cao thì năng suất của nền kinh tế càng thấp.

Nguồn hỗ trợ tỷ lệ tăng trưởng 5%-6% của Việt Nam là dòng chảy vào của các nhà đầu tư nước ngoài, sức cạnh tranh cao của ngành sản xuất cần nhiều nhân công và sự chủ động trong nỗ lực tự do hóa thương mại thông qua những đàm phán như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do khu vực châu Âu.

Các chuyên gia của HSBC đề xuất, Việt Nam cần cố gắng kiềm chế tránh việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt, đặc biệt đối với các khu vực quốc doanh kém hiệu quả, và tập trung phát triển mạnh hơn nữa những lợi thế chiến lược của mình như thương mại và xu hướng chuyển đổi nhân khẩu học thuận lợi, tăng trưởng sẽ dần được cải thiện./.