Đây là hội nghị thứ ba trong năm 2020 về vấn đề đầu tư công - giải pháp tích cực được Chính phủ xác định là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra vào sáng nay, 21/8

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần hội nghị “rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuê xoa, dễ dãi, tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương, mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn”.

Nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công.

Đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ. Do đó, hội nghị hôm nay sẽ rà lại những việc đã nói, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc.

"Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém", Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế…

Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo sát sao để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

“Sau Hội nghị này, Chính phủ đã tổ chức 07 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị

Có 09 bộ, cơ quan trung ương và 09 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn

Bộ trưởng Dũng cho biết, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số.

Đồng thời, trên cơ sở các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2018, 2019 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 6.973 tỷ đồng.

Căn cứ Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1706/QĐ-TTg, ngày 29/11/2019 giao một lần toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 30 tháng 11 năm 2019 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho từng danh mục dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020.

“Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 05 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 09 bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án”, Bộ trưởng Dũng báo cáo trước Hội nghị.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 22.081 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 15.825 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 6.256 tỷ đồng.

Hiện nay, có 09 bộ, cơ quan trung ương và 09 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng (vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của 07 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31 tháng 8 năm 2020 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai công tác đầu tư công năm 2020, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 05 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến nay, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần 5.530/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 61,6%.

“Tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Những giải pháp cần thực hiện trong những tháng cuối năm

Về các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, cụ thể như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 tỉnh, hầu hết các địa phương đều có vướng mắc chưa xử lý, như: hạng mục xây dựng tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông...).

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có sự phối hợp kịp thời với các bộ và cơ quan chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân, giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công của các chương trình, dự án. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả trong công tác phối hợp, theo dõi việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Cần chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...

Phải xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư… là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền”, Bộ trưởng Dũng lưu ý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ ngành, địa phương phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.

Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ, mà không có lý do.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đến hết ngày cuối cùng của năm 2020./.