Sáng 26/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Minh Trang

Hội nghị quan trọng được tổ chức tại thời điểm hết sức quan trọng

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công theo vùng tổ chức 03 hội nghị trực tuyến với 03 miền (Bắc, Trung, Nam) với 6 vùng trong cả nước để trao đổi, thảo luận, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

Hội nghị Vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc hôm nay là Hội nghị đầu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hội nghị tổ chức tại thời điểm hết sức quan trọng, với nhiều nhân tố tác động đến công tác kế hoạch.

Các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội và duy trì tăng trưởng năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới”.

Các địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ giai đoạn 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Để nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và cả các hạn chế, thách thức của các vùng, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là hết sức quan trọng để từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

2016-2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng đều dẫn đầu cả nước

Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, ông Trần Duy Đông cho biết, theo báo cáo của các địa phương, thì tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng đều dẫn đầu cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 9,6%/năm, tiếp theo là vùng Trung du - miền núi phía Bắc đạt 6,6%/năm.

Trong đó, một số địa phương có tốc tăng trưởng thuộc nhóm cao của cả nước, như: Hải Phòng 14,87%, Quảng Ninh 10,7%, Bắc Giang 13,8%, Điện Biên 11%, Lào Cai 10%.

Tuy nhiên, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng một số địa phương chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, như: Bắc Ninh (mục tiêu 10,5-11,5%, thực tế 8,5%), Thái Nguyên (mục tiêu 10%, thực tế 8,0%).

Hai vùng có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Một số chỉ tiêu như: thu ngân sách nhà nước chiếm gần 40% cả nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm 51% cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài chiếm 40,1% về số dự án và chiếm gần 37% về số vốn đăng ký, an sinh xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; quy mô kinh tế 02 vùng chiếm 36,7% cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương vẫn còn những hạn chế.

Một số địa phương còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên nên có nguồn thu ngân sách chưa ổn định.

Mặc dù chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng cả 2 vùng chưa đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung của cả nước.

Mặc dù dã thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu vào lĩnh vực, ngành tận dụng nhân công giá rẻ, dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản.

Điều đáng quan ngại, tỷ lệ hộ nghèo của vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ còn rất lớn, cao nhất trong các vùng của cả nước.

Hệ thống hạ tầng kết nối của vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát triển thêm để tạo động lực, lan tỏa cho cả các vùng lân cận. Còn hạ tầng kết nối của vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ rất thiếu và yếu.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị

Các địa phương cần cập nhật lại số liệu GRDP, để xây dựng các mục tiêu 2021-2025 cho phù hợp

Bế mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị để nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du - miền núi phía Bắc giai đoạn tới.

Về xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Thứ trưởng Phương cho biết, ngày 12/3/2020, Tổng cục Thống kê đã có văn bản số 321/TCTK-TKQG gửi các địa phương thông báo kết quả số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chính thức năm 2010-2018, sơ bộ năm 2019 và ước tính năm 2020.

“Vì vậy, đề nghị các địa phương cập nhật lại số liệu GRDP, đồng thời căn cứ vào số liệu đó xây dựng mục tiêu tăng trưởng GRDP và các chỉ tiêu thống kê khác giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp”, Thứ trưởng lưu ý.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của cả nước và cũng như các địa phương.

“Bên cạnh đó, ảnh hưởng của việc thiếu nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh kiện nhập khẩu, khó khăn về thị trường tiêu thụ,... do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cơ bản các địa phương đều không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, đề nghị các địa phương rà soát đánh giá cụ thể tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, làm cơ sở xây dựng kế hoạch 2021-2025 sát thực tế”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng cũng cho biết, nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của vùng ĐBSH là 706.905,49 tỷ đồng, cao gấp 1,38 lần số giao của giai đoạn 2016-2020, trong đó nhu cầu từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cao gấp 3,36 lần.

Vùng TDMNBB là 394.707,976 tỷ đồng tăng 2,44 lần so với giai đoạn 2016-2020, trong đó nhu cầu từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cao gấp 2,8 lần.

“Về cơ bản, đề xuất các dự án mới của địa phương là phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, cần bám sát số vốn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 để làm căn cứ xây dựng cho giai đoạn 2021-2025”, Thứ trưởng lưu ý các địa phương rằng, vẫn còn một số địa phương xây dựng nhu cầu đầu tư công quá cao, như: Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Về một số đề nghị đối với các địa phương trong triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế nguồn lực của nhà nước, số vốn năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021.

Thứ trưởng yêu cầu, các địa phương rà soát nhu cầu nguồn vốn NSNN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo 13 ngành, lĩnh vực đã được quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 đảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kế hoạch vốn đầu tư 2021-2025 được xây dựng gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá.

“Đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc, không để trình trạng chưa hiểu, chưa rõ nên “chưa thực hiện””, Thứ trưởng phát biểu./.