7 tháng đầu năm không địa phương nào trong Vùng tăng trưởng âm

Tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021-2025 vùng miền Trung và Tây Nguyên, sáng ngày 27/8, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương lãnh thổ cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng Tây Nguyên 6 tháng tăng 2,72%.

Trong đó, Lâm Đồng tăng 0,51%; Đắk Lắk tăng 2,28%; Gia Lai tăng 3,01%; Đắk Nông tăng 4,99%; Kon Tum tăng 7,32%.

“Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng 6 tháng đầu năm tuy giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cao hơn trung bình cả nước (1,81%) và chỉ đứng thứ hai sau vùng Đồng bằng sông Hồng (3,74%), không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm”, ông Đông vui mừng thông báo.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có đạt mức tăng trưởng khá, tăng 4,97% so với cùng kỳ 2019, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (1,19%). Trong đó, Lâm Đồng tăng 4,89%, Đắk Lắk tăng 4,48%, Gia Lai tăng 5,39%, Đắk Nông tăng 5,83%, Kon Tum tăng 5,23%.

Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 4,04% và ngành dịch vụ chỉ tăng 1,01% so với cùng kỳ.

Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 13.980 tỷ đồng, đạt 58% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó Lâm Đồng đạt 63% dự toán, Kon Tum đạt 58% dự toán, Đắk Lắk 56% dự toán.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Vùng 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 0,95% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ghi nhận mức tăng trưởng cao của các tỉnh Gia Lai (18,1%), Kon Tum (26%) với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn....

Kim ngạch nhập khẩu tại hầu hết các địa phương giảm ở các mặt hàng chủ yếu là thiết bị, máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất và phân bón… Tổng kim ngạch nhập khẩu toàn Vùng 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 406 triệu USD, chiếm khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn vùng Tây nguyên có 2.628 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 3,5%) cả nước, với số vốn đăng ký là 28.900 tỷ đồng (chiếm 3,1% cả nước), tăng 29,3% về số doanh nghiệp và tăng 16,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 16.477 (chiếm 2,8% cả nước), tăng 33,8% so với cùng kỳ 2019.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của vùng trong 7 tháng đầu năm 2020 là 865 doanh nghiệp (chiếm 3% cả nước), tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Toàn vùng có 4 dự án FDI cấp mới tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 7 tháng đạt 11,85 triệu USD. Trong đó, Lâm Đồng thu hút 2 dự án, Đắk Lắk thu hút 1 dự án và Đắk Nông thu hút 1 dự án.

Năm 2020, dự báo có 5/11 chỉ tiêu kế hoạch của Vùng không đạt, đó là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP); Quy mô GRDP theo giá hàng hóa; GRDP bình quân đầu người; Tổng kim ngạch xuất khẩu và Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

DỰ BÁO KHẢ NĂNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2020

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2020

Đánh giá

kết quả

Kế hoạch

Ước TH

cả năm

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP)

%

8,54

8,25

Không đạt KH

2

Quy mô GRDP theo giá HH

Nghìn tỷ đồng

327

326,5

Không đạt KH

3

Cơ cấu kinh tế:

Đạt KH

- Nông lâm nghiệp

%

33,52

33,51

- Công nghiệp – xây dựng

%

18,96

21

- Dịch vụ

%

42,63

40,83

- Thuế trợ cấp SP

%

4,89

4,66

4

GRDP b.quân đầu người (giá HH)

Tr. đồng

58

55,06

Không đạt KH

5

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Nghìn tỷ đồng

132,3

132,3

Đạt KH

6

Tổng kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

3.420

3.285

Không đạt KH

7

Thu NSNN trên địa bàn

Tỷ đồng

24.260

27.775

Vượt KH

8

Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom

%

90,3

90,3

Đạt KH

9

Tỷ lệ che phủ rừng

%

47,2

47,2

Đạt KH

10

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

%

4,58

4,58

Không đạt KH

11

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

58

58

Đạt KH

Nguồn: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và báo cáo của các địa phương

2016-2020: Tốc độ tăng trưởng của Vùng đạt bình quân trên 6,5%/năm

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Đông cũng thông báo, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân của Vùng đạt 6,55%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, thuế trợ cấp sản phẩm năm 2020 tương ứng là 33,51%; 21%, 40,83% và 14,66%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong giai đoạn, kinh tế Vùng tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt bình quân trên 6,5%/năm. Các địa phương đều cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Lâm Đồng đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, Đăk Lắk đạt và vượt 13/18 chỉ tiêu, Gia Lai đạt và vượt 12/16 chỉ tiêu, Đắk Nông đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu, Kon Tum đạt và vượt 22/31 chỉ tiêu.

Nông nghiệp có bước phát triển khá, tiếp tục khẳng định thế mạnh của Vùng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xứ lạnh, cây công nghiệp dài ngày. Công nghiệp tăng trưởng khá, tổ hợp Bauxit Nhôm tại Lâm Đồng và Đắk Nông hoạt động hiệu quả; các công trình thuỷ điện đi vào hoạt động, đóng góp cho thu ngân sách nhà nước.

Du lịch tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của Vùng; tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành và mở các đường bay trong nước và quốc tế đối với 3/5 địa phương trong Vùng đã tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối và phát triển thị trường khách du lịch.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội: giao thông kết nối liên vùng và nội vùng được mở rộng; các công trình thuỷ lợi và hệ thống kênh mương được ưu tiên đầu tư, nâng cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị của lĩnh vực giáo dục, y tế, cấp điện nông thôn ngày càng hoàn thiện; diện mạo của các thành phố, đô thị ngày càng khởi sắc.

Giai đoạn 2021-2025, xây dựng Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm Vùng Tây Nguyên

Kế hoạch 2021-2025: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn khoảng 7-8%

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, ông Đông cho biết, dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 7-8%.

|Cơ cấu kinh tế năm 2025: nông nghiệp 29,6%; công nghiệp - xây dựng 25,4%; Dịch vụ 40,4%; thuế sản phẩm 4,6%. GRDP bình quân/người đến năm 2025 khoảng 85 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 khoảng 705 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 177 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10-11%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng4,5 tỷ USD vào năm 2025.

Các định hướng giải pháp được đặt ra là: Đẩy nhanh việc thực hiện tổ chức lập quy hoạch cấp tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để sắp xếp thứ tự ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể, gắn với ưu tiên về chính sách thu hút đầu tư; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của lãnh đạo, quản lý; cải thiện môi trường đầu tư, có kế hoạch từng bước cải thiện các chỉ số đánh giá DCCI, PCI, PAPI của các địa phương trong Vùng; Tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng đô thị, công nghệ thông tin.. chú ý phát triển giao thông kết nối các cảng biển miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tập trung đầu tư phát triển các công trình thủy lợi lớn, kênh dẫn kết nối, các hồ chứa nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất; Tăng cường phối hợp và liên kết vùng, xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả nhằm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, của Vùng…

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2021 dự kiến tăng 7,6%

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Vùng chỉ ra mục tiêu chung là: Chủ động phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của Vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Các chỉ tiêu kinh tế như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng dự kiến tăng 7,6%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 4,6%, công nghiệp – xây dựng tăng 11,6%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,4%; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 57 triệu đồng; Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 3.502 triệu USD, tăng 7% so với thực hiện năm 2020; Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 26,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với kế hoạch 2020; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 152 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện 2020; Tỷ lệ che phủ rừng dự kiến 47%./.