Đến hết ngày 22/4/2020, khi đã xuất hiện dịch Covid-19), có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo

Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn

Liên quan đến các doanh nghiệp BOT, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, hiện ngành giao thông vận tải có 61 dự án BOT, trong đó có 60 dự án đã đưa vào khai thác, còn 1 dự án đang đầu tư xây dựng. Qua theo dõi, nhiều hợp đồng có nguồn thu sụt giảm so với dự kiến do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, do định hướng chung về ổn định giá, giảm giá vé xe vận tải, xe tải, nhóm 4, 5.

Thứ hai là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên lưu lượng giao thông giảm.

Thứ ba là chưa thực hiện điều khoản trợ giá cho các nhà đầu tư, cần có thời gian nhất định để tăng trưởng mức thu…

Bộ Giao thông vận tải tập hợp phân tích, đã tham vấn nhiều cơ quan liên quan, gồm cả ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước để đưa ra các kiến nghị giải pháp.

“Chúng tôi có phân tích các nguyên nhân do tác động khách và chủ quan”, Thứ trưởng nói.

Nguyên nhân khách quan là tác động do dịch COVID-19, phát triển kinh tế không như ban đầu. Còn nguyên nhân chủ quan là do quá trình lập dự án, phương án tài chính...

“Do đó, chúng tôi đề nghị các yếu tố nào do khách quan, thì cần xem xét tháo gỡ cho các nhà đầu tư. Nếu không cho tăng giá, thì khó khăn, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có việc giảm chi phí vận tải như giảm giá vé các phương tiện giao thông tại các dự án BOT…, nhưng cần lộ trình”, Thứ trưởng Đông đề nghị.

Bởi theo Thứ trưởng, hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT phải huy động từ các nguồn tiền khác trả cho ngân hàng để tránh bị nợ xấu, gây khó khăn để doanh nghiệp hoạt động.

“Gần đây chúng tôi đã có các biên bản trình lên Văn phòng Chính phủ, báo cáo để có chỉ đạo”, Thứ trưởng Đông cho biết thêm thông tin.

Trước đó, tại văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, đồng thời giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19 (từ ngày 1/2/2020 đến hết ngày Việt Nam công bố hết dịch, cộng thêm 3 tháng).

Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT báo cáo (cập nhật đến hết ngày 22/4/2020, khi đã xuất hiện dịch Covid-19), có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Như vậy, dịch Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách giữa doanh thu thực tế với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hầu hết các hợp đồng BOT, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới khả năng trả nợ của các doanh nghiệp BOT.

Trong khi đó, các ngân hàng thường yêu cầu trả nợ theo kế hoạch, tức là doanh nghiệp BOT phải bù thêm từ nguồn vốn khác khi doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo dẫn đến các doanh nghiệp BOT rất khó khăn và không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình dự án dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng...

Hài hoà lợi ích người gửi tiền, các tổ chức tín dụng, người vay

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành theo hướng bảo đảm các mục tiêu chính sách tiền tệ, đồng thời hài hoà lợi ích người gửi tiền, các tổ chức tín dụng (TCTD), người vay.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người dân chịu tác động của đại dịch này, khó khăn về dòng tiền và nguồn thu. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã là một trong những bộ, ngành đầu tiên triển khai nhiều giải pháp.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, trong điều kiện dịch COVID-19, các doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ, vì trong giai đoạn này nguồn thu của doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Ngân hàng Nhà nước chủ động ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp làm BOT, gặp khó khăn trả nợ cũ, có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo, các TCTD giảm lãi suất cho vay, với các khoản cho vay mới, cũng như dư nợ cho vay cũ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các TCTD sử dụng chính nguồn lực bản thân, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức…

Từ đó, có nguồn lực tài chính, giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ với con số đáng ghi nhận. Với các khoản cho vay mới, theo mức lãi suất thấp hơn. Ví dụ gần đây, lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 7/2020 so với cuối 2019 đã giảm 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay./.