Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ ba năm 2020 (VRDF 2020) với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19”, sáng ngày 29/9/2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khai mạc VRDF 2020

Thành tựu đang bị đe dọa bởi Covid-19

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn Cải cách phát triển lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.

Một là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách.

Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Diễn đàn Cải cách phát triển lần thứ ba diễn ra trong thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Dũng cho biết, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19. Với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đại dịch đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú... Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát; nhiều biện pháp và kết quả trong phòng, chống đại dịch được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

"Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, GDP đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng; an sinh xã hội và đời sống của người lao động được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân vào Đảng và Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu.

Dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.

Bên cạnh đó, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với Việt Nam.

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình

“Trong ngắn hạn, vấn đề đặt ra là: cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng nêu rõ.

Để ứng phó với khó khăn, thách thức trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có.

“Từ góc độ của Việt Nam cũng như đánh giá của giới phân tích quốc tế, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch.

Các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc. Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 42 trên 131 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau

“Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội như tôi đề cập ở trên, chúng ta nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn”, Bộ trưởng phân tích.

Cho biết, VRDF 2020 tập trung trao đổi hai trọng tâm chính là: (1) Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và; (2) Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững, Bộ trưởng tin rằng, những đóng góp, ý kiến trao đổi tại Diễn đàn sẽ giúp Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng và xác định được các chính sách, hành động cần thiết để giải quyết được các vấn đề lớn mà doanh nghiệp, người dân quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ hội mới đang xuất hiện.

“Các thảo luận tại Diễn đàn cũng sẽ đóng góp trực tiếp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.