Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3, VRDF 2020 với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19” diễn ra sáng nay (29/9), các chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi về Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới

Covid-19 - "Cú sốc lớn nhất" từ sau Chiến tranh thế giới 2

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, thế giới thay đổi, Việt Nam cũng thay đổi.

Bà Carolyn Turk chỉ rõ, thế giới đang phải đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Mặc dù đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong ngăn chặn Covid-19, nhưng bà cũng lo ngại rằng, các biện pháp chống dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đi lại.

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cho rằng, luôn có cơ hội từ các cuộc khủng hoảng, đó là thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc - những vấn đề được trao đổi tại VRDF 2020.

Thách thức đối với Việt Nam là không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.

Không có mặt trực tiếp tại Diễn đàn, TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đã có bài phát biểu thông qua trực tuyến nhận định tác động của Covid-19 đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam.

Tại bài phát biểu này, bà Kwakwa nhận định, Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đại dịch này đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư.

“Sự đứt gãy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm chủ yếu về thương mại, FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu, vì các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là các nút sống còn trong các mạng toàn cầu này”, bà chỉ rõ.

Song, bà Kwakwa cho rằng, vẫn còn quá sớm để hiểu được tác động đầy đủ của virus này đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Các ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Dòng vốn FDI toàn cầu và thương mại toàn cầu về hàng hóa trung gian và dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi sau cú sốc COVID-19 này”, bà Kwakwa nêu quan điểm.

“Hậu quả trước mắt của đại dịch là các nước đang phát triển đối mặt với những cơn gió ngược mạnh”, bà nói.

Cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng

Nêu hàm ý của những thách thức và cơ hội do Covid-19 tạo ra đối với Việt Nam, bà Kwakwa nhận định, Việt Nam đã phát triển tốt không chỉ trước đại dịch, mà còn kiên cường trước những cú sốc.

Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng với CPTPP và EVFTA. “Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam”, bà nhấn mạnh.

Về các kết quả kinh tế Việt Nam thời gian qua, bà Kwakwa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch.

Nhấn mạnh về việc hội nhập vào chuỗi giá trị, bà Kwakwa đánh giá, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị (GVC) toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế.

“Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn so với các nước cùng khối ASEAN, như: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines; Mức độ tham gia của Việt Nam vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống.

“Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng”, bà Kwakwa nêu rõ.

Trong bối cảnh mới, bà Kwakwa cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện.

Trong ngắn hạn việc đa dạng hóa các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế.

Trong trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho “tình trạng bình thường mới” của các chuỗi cung ứng là điều quan trọng.

Trong dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất.

Đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh vào phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực R&D, cũng như thực hiện hữu hiệu đột phá của Việt Nam về cải cách thể chế.

Để tiếp tục bảo đảm tính bao trùm, một trong những thành tựu phát triển ngoạn mục của Việt Nam cho đến nay, sẽ cần quản lý tốt những gián đoạn trên thị trường lao động do công nghệ thúc đẩy, gắn với các xu hướng tự động hóa và số hóa đang nổi lên.

Tiếp tục hợp tác quốc tế để duy trì một hệ thống thương mại mở và dựa trên các quy tắc sẽ là thiết yếu để phục hồi và phát triển bền vững và bao trùm. Các quốc gia, mà vẫn hội nhập toàn cầu sẽ ở vị thế tốt nhất để ứng phó hữu hiệu trong tầm ngắn hạn và phục hồi nhanh hơn trong tầm trung và dài hạn.

Hợp tác thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn và duy trì các thị trường mở là nhu cầu cấp thiết.

Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

“Tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) Trung thu cho thành công của Việt Nam. Công thức này bao gồm: một Khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI (P), các Thể chế hữu hiệu (I) và Giáo dục có chất lượng (E)”, bà Kwakwa chia sẻ và bày tỏ hy vọng rằng tất cả mọi người đều nhận được phần bánh công bằng.

Toàn cảnh Diễn đàn

Cuộc đua phát triển kinh tế đang đòi hỏi các ý tưởng mới

Cũng đề cập tới chuỗi giá trị toàn cầu, tại VRDF 2020, TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, cho đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh.

Với các ngành xuất khẩu tạo ra trên 20 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay, TS. Jacques Morisset nhận định, Việt Nam đã “rất thành công”.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo.

Vì thế, TS. Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp dài hạn, gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn.

Thứ hai, tập trung vào công nghệ mới, R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng trên hết là bắt kịp về công nghệ thông qua nắm bắt công nghệ mới từ các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu bởi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang tụt hậu trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng.

Thứ ba, cần kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu nhưng cũng cần cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thứ tư, xoá bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ nâng cao cạnh tranh và giúp dần cải thiện năng suất cũng như thương mại hàng hoá (các dịch vụ như logistics và tài chính có ảnh hưởng khá lớn) vì theo thời gian ranh giới giữa sản phẩm và dịch vụ ngày càng bị xóa mờ.

Thứ năm, quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống.

TS. Jacques Morisset nhìn nhận, Việt Nam đã thúc đẩy thương mại quốc tế nhiều hơn và hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong các thập niên vừa qua, tạo ra hàng triệu việc làm có năng suất cao hơn - phù hợp với tư duy thông thường.

Tuy nhiên, cuộc đua phát triển kinh tế đang đòi hỏi các ý tưởng mới. Thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là số lượng, mà chất lượng của hoạt động thương mại quốc tế, như P. Krugman 40 năm trước đã chỉ ra - cần dịch chuyển theo hướng có các sản phẩm phức tạp hơn, bao gồm cả dịch vụ và mức độ nội địa hoá.

Còn Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), TS. Jonathan Pincus khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung xây dựng chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng năng lực trong các ngành tăng trưởng bền vững.

Cũng tại Diễn đàn, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, đã đề xuất 3 nhóm giải pháp để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, tập trung vào quản lý dòng tiền với các hành động cần ưu tiên cao có hiệu quả tức thì, trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung vào khách hàng và chuỗi cung ứng với hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp chủ động khi triển khai.

Thứ ba, rà soát xây dựng mô hình kinh doanh hợp lý với các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, giúp doanh nghiệp phục hồi kiên cường, bền vững./.