NGÀNH DỊCH VỤ ĐANG CHỊU NHIỀU THIỆT HẠI DO COVID-2019

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ trong quý I/2020 chỉ tăng 3,27%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Hình).

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2020

Ở khu vực dịch vụ, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực mạnh nhất bởi dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn dịch bệnh, sẽ không có khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và số lượng khách từ các quốc gia khác cũng giảm mạnh. Tại một kịch bản công bố tháng 02/2020 của Bộ này, thì dự kiến số lượng khách du lịch sẽ giảm từ 50%-60% trong giai đoạn có dịch. Đặc biệt, nếu dịch kéo dài hết quý II/2020, thiệt hại của ngành du lịch ở khoảng 5 tỷ USD. Ước khoảng 3.000 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, ăn uống bị mất việc do lượng khách du lịch giảm hoặc hủy tour.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng kéo theo sự suy giảm của các ngành vận tải đường bộ, hàng không, đường thủy. Trong đó, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thống kê sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, việc các hãng hàng không trong nước dừng đường bay đến Trung Quốc do dịch Covid-19 gây thiệt hại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ phòng (Occupancy Rate) của toàn ngành khách sạn giảm sâu từ 65%-85% tùy từng khách sạn/khu nghỉ. Đặc biệt, những cơ sở chủ yếu đón khách từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ bị sụt giảm mạnh. Lấy ví dụ, khách sạn 5 sao "sang chảnh" bậc nhất Hà Nội là Sofitel Legend Metropole Hanoi do Tập đoàn Accor (Pháp) quản lý với 364 phòng, thì tỷ lệ lấp đầy phòng dự báo sẽ chỉ đạt 14% và dự tính cả năm nay chỉ đạt 17,7%, giảm rất mạnh so với mức 81,9% năm 2019. Một số khách sạn 4 sao quy mô nhỏ hơn lại ít chịu ảnh hưởng hơn do có nguồn khách công ty lưu trú dài hạn, chẳng hạn như Novotel Suites Duy Tân (chủ yếu là chuyên gia Tập đoàn Samsung ở) hay Mercure Hải Phòng (Thành Trung, 2020).

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, do lo ngại dịch lây lan, người tiêu dùng đã hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Vì thế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03/2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Đó là chưa kể những tác động rất lớn khi triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội trong 15 ngày trên toàn quốc, từ ngày 01/04/2020. Theo đó, hầu hết hoạt động kinh doanh dịch vụ phải ngừng hoạt động. Điều này sẽ gây ra sụt giảm tổng cung hàng hóa, dịch vụ trong những tháng tới.

Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%). Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2020 vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động cùng với lượng khách du lịch giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm ở các địa phương. Trong đó: Khánh Hòa giảm 38,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch bởi dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020. Trong đó, vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tháng 03/2020 giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 3 tháng giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Tính chung quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km, giảm 8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.187,7 triệu lượt khách, giảm 6,1% và 46,4 tỷ lượt khách-km, giảm 3,5%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách, giảm 30,3% và 9,6 tỷ lượt khách-km, giảm 24,9%.

Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị ảnh hưởng do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Cụ thể: vận tải hành khách đường bộ quý I đạt 1.128,3 triệu lượt khách, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 và 38,5 tỷ lượt khách-km, giảm 7,2%; đường thủy nội địa đạt 47,7 triệu lượt khách, giảm 1,3% và 1,1 tỷ lượt khách-km, giảm 0,4%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 23,2% và 109,4 triệu lượt khách.km, giảm 5,8%; đường sắt đạt 1,5 triệu lượt khách, giảm 27,8% và 0,7 tỷ lượt khách-km, giảm 23,8%. Đặc biệt, hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19 khi các hãng tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế, vận tải hàng không quý I/2020 đạt 11,9 triệu lượt khách, giảm 8% và 15,6 tỷ lượt khách-km, giảm 9,5% (riêng tháng 03/2020, vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%).

Khu vực DN gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 29,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; 14,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%; đáng chú ý là số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN, tăng 26%. Số DN ngành dịch vụ thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 1.672 DN, giảm 0,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.281 DN, giảm 1%; giáo dục và đào tạo 833 DN, giảm 2,2%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 220 DN, giảm 22,5%; hoạt động dịch vụ khác 274 DN, giảm 12,2%.

Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I/2020 là 18,6 nghìn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; có 4,1 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có 244 DN; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 241 DN; vận tải, kho bãi có 169 DN; giáo dục và đào tạo có 164 DN.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các người lao động tại các doanh nghiệp dịch vụ
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể đón du khách

Trong bối cảnh dịch bệnh, các DN logistics cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố đầu tháng 03/2020, thì hầu hết các DN được khảo sát đều đang bị ảnh hưởng khá nặng nề, doanh thu trung bình giảm từ 10%-30% so với cùng kỳ năm 2019... Khoảng 15% DN giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10%-30% (Quang Anh, 2020).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng ảnh hưởng nặng nề. 150 đơn vị giáo dục tư thục đã phải có bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành cho rằng, họ đã “kiệt sức” vì phải đóng cửa thời gian dài do Bản kiến nghị với danh sách 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) gửi Thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ, ngành liên quan trình bày về những khó khăn, mà họ đang phải đối mặt do học sinh nghỉ học kéo dài do dịch bệnh Covid-19.

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐANG BỊ ẢNH HƯỞNG LỚN

Đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của Covid-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy, tác động của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục mở rộng, khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Dựa vào các kịch bản khác nhau, mà Covid-19 có thể tác động tới tăng trưởng GDP toàn cầu, ILO ước tính, số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu đến 24,7 triệu người. Đây là con số tăng thêm trên nền số người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019.

Trước đó, Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) từng đưa ra dự báo dịch Covid-19 có thể khiến 50 triệu người lao động ngành du lịch mất việc. Con số này tương đương với 12%-14% tổng lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn thế giới (Giang Lê, 2020).

Tại Việt Nam, một báo cáo công bố vào tháng 03/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tác động của dịch Covid-19 đến lao động - việc làm được thể hiện rõ thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 02/2020 là 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng 01/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019 (số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 02/2019 là 27.755 người). Bên cạnh nguyên nhân do năm 2020, thời gian nghỉ tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, trong khi năm 2019 thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 02/2019, thì còn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến DN tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.

Bộ cũng thống kê nhanh từ tại một số tỉnh cho thấy, tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp, với quy mô lớn. Điển hình là tại TP. Hồ Chí Minh, trong tháng02/2020, có 9.872 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4.408 người (80,67%) so với tháng 01/2020 (5.464 người) và tăng 3.607 người (57,57%) so với tháng 02/2019 (6.265 người). Trong đó, lao động thất nghiệp ở ngành dịch vụ là 2.603 người, chiếm 26,3%.

Những số liệu này phù hợp với thực tế hiện nay, khi nhiều DN đang khó khăn, tạm dừng hoạt động hoặc giải thế. Hầu hết DN đang phải cầm cự hoạt động và đưa ra các giải pháp khác nhau để xử lý vấn đề khủng hoảng nhân sự, như: cho người lao động nghỉ việc không lương, giảm lương, nghỉ việc tạm thời hưởng lương cơ bản, luân chuyển vị trí, hoặc cho người lao động nghỉ hẳn.

NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN THỰC HIỆN

DN tạm thời cho người lao động nghỉ hoặc cắt giảm lương trong đại dịch Covid-19 là một việc làm bất khả kháng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu các DN duy trì bộ máy nhân sự với mức lương giảm so với thông thường có thể sẽ không bền vững trong trường hợp dịch bệnh kéo dài. Lý do là thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, buộc người lao động phải tìm cách để cải thiện.

Về phía ngược lại, người lao động cũng cần hiểu được quyền của mình để đỡ thiệt thòi. Cụ thể, bên sử dụng lao động và người lao động có thể các bên thỏa thuận với nhau việc nghỉ không hưởng lương. Bộ luật Lao động năm 2012 (vẫn còn hiệu lực đến 01/01/2021) quy định, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. Hoặc DN có thể áp dụng trả lương ngừng tạm thời việc vì lý do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Đây không phải là chấm dứt hợp đồng lao động, cũng không phải là tạm hoãn hợp đồng lao động. Do đó, khi ngừng việc, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về thời gian và tiền lương trả cho người lao động tạm thời bị ngừng việc. Cụ thể, Điều 98, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “tiền lương ngừng việc do các bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ, như: miễn, giảm lãi, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 12/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), thì ở góc độ nhân sự, các DN cần xây dựng chiến lược nhân sự, với các kịch bản khác nhau. Qua đó, giúp họ có thể đối phó tốt khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đây cũng là dịp để DN rà soát lại chất lượng đội ngũ nhân sự; đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng; xây dựng kịch bản ứng phó trong hoàn cảnh khẩn cấp.

Trước mắt, DN cần giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, nhất là bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm công cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, đôi khi đó chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh.

Nếu có khả năng, bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định, DN nên chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm thông qua các hoạt động hỗ trợ, như: một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê, hay bất kỳ khoản chi phí nào khác cho cuộc sống của họ.

Về phía mình, mỗi người lao động cũng cần chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp. Đây là giải pháp tốt nhất, vì suy cho cùng, phải có việc làm mới tạo ra thu nhập mới giúp người lao động sống và tồn tại trong lúc toàn xã hội cũng đang rất khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 09/04/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tại văn bản này, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ an sinh xã hội ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trị giá khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng. Theo dự thảo Nghị quyết, một trong những đối tượng được hỗ trợ là người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng trả lương (kể cả trong trường hợp sau khi được vay ưu đãi), khuyến khích họ cam kết hoặc thỏa thuận với người lao động tạm ngừng, tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, không đuổi việc người lao động. Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cuộc sống cho người lao động, khi có điều kiện, người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay.

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, việc sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp… như Nghị quyết là rất cần thiết, có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp họ vượt qua và tồn tại được trước khó khăn do dịch bệnh./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2020). Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, tổ chức triển khai thực hiện, trình ngày 06/04/2020

2. Chính phủ (2020). Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 09/04/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, Tài liệu phục vụ Họp thường trực Chính phủ ngày 12/02/2020

4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020). Kịch bản đối phó với Covid-19

5. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020, Báo cáo số 47/BC-TCTK, ngày 27/03/2020

6. Quang Anh (2020). DN logistics Việt ảnh hưởng thế nào từ dịch COVID-19?, truy cập từ http://vlr.vn/trong-nuoc/doanh-nghiep-logistics-viet-anh-huong-the-nao-tu-dich-covid-19-5842.vlr

7. Giang Lê (2020). Dịch corona làm mất 50 triệu việc làm của ngành du lịch toàn cầu, truy cập từ https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/dich-corona-lam-mat-50-trieu-viec-lam-cua-nganh-du-lich-toan-cau-9733.html

8. Thành Trung (2020). Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?, truy cập từ http://toquoc.vn/luong-khach-sut-giam-toi-70-80-cac-ong-lon-nganh-khach-san-viet-nam-dang-xoay-so-nhu-the-nao-42020203153521966.htm

9. Tổ chức Lao động thế giới (2019). ILO: Thế giới có thể mất gần 25 triệu việc làm vì COVID-19, truy cập từ https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_738980/lang--vi/index.htm

ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11, tháng 4/2020)