Điều này được chia sẻ tại Hội thảo tham vấn về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 với chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2030”, do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức ngày 28/10.

Toàn cảnh Hội thảo

Những đổi thay trong khối doanh nghiệp tư nhân

Theo TS. Nguyễn Thị Luyến – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp (DN) tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước. Đặc biệt, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang góp phần làm mới “chân dung” đất nước, như: Sungroup với sân bay Vân Đồn, Vingroup với Vinfast, THACO…

Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi.

TS. Nguyễn Thị Luyến cho biết, trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD tính đến ngày 17.7.2020 thì có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân (chiếm đến 41,98% tổng vốn hóa của cả nhóm 30 mã).

Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi bộ mặt hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng...

Đặc biệt, có những doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài với quy mô vốn ngày càng tăng. Theo báo cáo đầu tư ra nước ngoài năm 2019, có 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỷ USD, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần Golf Long Thành. Bên cạnh đó, số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ tăng dần.

Niềm tin còn thấp, doanh nghiệp “không chịu lớn”

Dẫn số liệu Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, bà Phạm Chi Lan cho biết, đến ngày 31/12/2019 nước ta có 758.610 doanh nghiệp hoạt động, tăng 6,1% so với năm 2018.

Điều đáng nói là, Sách Trắng, số DN đang hoạt động có kết quả kinh doanh vào ngày 31/12/2018 thì 97,2% DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong đó 93,7% là DN nhỏ và siêu nhỏ, riêng DN siêu nhỏ lại chiếm tới 62,6%. DN quy mô lớn có khoảng 17.000, chiếm 2,8% tổng số DN hoạt động ở Việt Nam.

Về thành phần kinh tế, theo Sách Trắng, tính theo số DN đang hoạt động có kết quả kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016-2018, thì nước ta có 558.703 DN, trong đó DN tư nhân (DNTN) có 540.548 DN, chiếm 96,8%; FDI có 15.686 DN, chiếm 2,8%; và DN nhà nước (DNNN) có 2.469 DN, chiếm 0,4% tổng số DN hoạt động.

Bên cạnh DN thuộc khu vực chính thức, nước ta còn có trên 5,2 triệu đơn vị kinh doanh theo dạng hộ gia đình, được coi là khu vực phi chính thức, đông gấp hơn 7 lần khu vực chính thức.

Nhiều năm nay, dù môi trường kinh doanh ở nước ta liên tục được cải thiện, nhưng bà Lan cho rằng, chỉ có một tỷ lệ không đáng kể các hộ kinh doanh gia đình muốn và có thể chuyển lên thành DN tư nhân chính thức.

Hơn nữa, tình trạng thiếu vắng DNTN quy mô vừa (missing middle) kéo dài cũng đã nhiều năm nay. Với tổng số hơn 21.000, DN quy mô vừa chỉ chiếm 3,5% tổng số DNVN vào năm 2018. Tốc độ chuyển dịch DN từ nhỏ lên vừa rất chậm, và tỷ lệ chuyển lên được cũng rất thấp. Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm DNTN phải mất 10-20 năm trời mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập DN mình vào DN khác, chủ yếu là DN FDI.

“Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông DN tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ dám làm cầm chừng, cốt cho “đủ ăn” hơn là dám làm lớn hay làm ăn dài hạn”, bà Lan nói thêm, “Ngay cả trào lưu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ năm 2016 tới nay dù được chính phủ khuyến khích bằng nhiều chính sách ưu đãi cũng mới chỉ thu hút được vài ngàn người, chủ yếu là giới trẻ tham gia”.

Điều đáng quan ngại theo bà Lan, đó là hầu hết các DNTN Việt quy mô lớn nổi lên từ tập trung vào đầu tư, kinh doanh bất động sản và tích tụ tài sản từ đất, nhờ sử dụng mối quan hệ thân hữu với một số cá nhân và cơ quan nhà nước - nơi có quyền phân bổ đất đai là thứ tài nguyên được hiến định thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý, phân bổ.

Bà cũng cho rằng, hiện tượng “lợi ích nhóm”, “DN sân sau”, “DN thân hữu” khá phổ biến những năm gần đây đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa DN thân hữu với DN không có quan hệ thân hữu.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đưa ra năm 2018, tới 70% DN cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ công quyền”. Việc tiếp cận thông tin cũng thiếu công bằng, với 69% DN cho rằng cần phải có “mối quan hệ” để có thông tin hay tài liệu của tỉnh.

Trong một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng như vậy, DN tư nhân Việt Nam bị chèn ép nhiều bề nên rất khó có thể lớn lên được. Quyền tiếp cận các nguồn lực, thương quyền và cơ hội kinh doanh của họ bị thu hẹp, thậm chí bị tước đoạt bởi những DN được ưu đãi một cách không sòng phẳng. Họ phải trả giá cao hơn cho nhiều tài nguyên và sản phẩm do những nhóm lợi ích thao túng thị trường, đặc biệt về đất đai, mặt bằng sản xuất-kinh doanh, chi phí vận tải..., làm đội giá thành và giảm lợi nhuận của họ.

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tốc độ chuyển dịch doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa rất chậm và tỉ lệ chuyển lên được cũng rất thấp. Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp tư nhân phải mất 10-20 năm trời mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp mình vào doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Môi trường đó cũng không khuyến khích sự liên kết, hợp tác, thậm chí còn gây chia rẽ, nghi ngờ giữa các DN thuộc các thành phần khác nhau, giữa DN được ưu đãi và DN bị kỳ thị. Thiếu sự liên kết làm yếu đi khả năng cạnh tranh, tạo lập các chuỗi cung ứng, các mạng lưới kinh doanh hiệu quả của DN. Môi trường cạnh tranh không bình đẳng còn là mảnh mất màu mỡ cho tham nhũng, cho cơ chế xin-cho kéo dài, cho sự lãng phí các nguồn lực và mất mát những thời cơ phát triển.

“Dù tác hại của một môi trường thiếu cạnh tranh bình đẳng đã rõ, nhưng khắc phục tình trạng đó lại không hề dễ dàng, do số ít người được hưởng lợi có động lực và sức mạnh nhiều mặt để bảo vệ môi trường như vậy, trong khi số đông bị thua thiệt lại “thấp cổ bé họng”, không làm gì được”, bà Lan chỉ rõ.

Vậy cần làm gì để DN “chịu lớn”?

Dẫn lời của một chuyên gia khác, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng: “Thể chế nào, doanh nghiệp nấy”.

Theo bà Lan, tình trạng DN tư nhân yếu như trên vừa là hệ quả, vừa phản ánh thệ thống kinh tế thị trường ở nước ta còn cần được cải cách mạnh mẽ về nhiều mặt, nhằm tạo môi trường cạnh tranh thực sự thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của tất cả các DN và của nền kinh tế.

“Đặc biệt khi chúng ta mong muốn kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, thì bên cạnh nỗ lực của bản thân các DN trong khu vực này, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh phải là tiền đề số 1”, bà Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần cùng Nhà nước và cùng nhau thúc đẩy việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh ở nước ta. Các DN cần tuân thủ pháp luật, thực hiện các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, liêm chính và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chống sự hình thành các nhóm lợi ích đi ngược lợi ích chung của cộng đồng DN hay của xã hội, chống các hành vi gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh. Một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần được chính các DN mọi thành phần kinh tế cùng nhau tạo lập và bảo vệ ngay tại các sân chơi của mình.

Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong Dự thảo Chiến lược, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để khu vực này thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thì từ phía Nhà nước và doanh nghiệp đều phải hành động. Trong đó, về phía Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp. Cụ thể, cần tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa các thị trường nhân tố. Còn với các doanh nghiệp tư nhân thì cần tập trung vào nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế trong thập niên tới.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, ngoài 3 đột phá chiến lược trong Dự thảo, cần tách và bổ sung thêm 01 đột phá chiến lược thứ tư về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nhiều quốc gia trên thế giới đã có Chiến lược 4.0. Do đó, việc bổ sung đột phá này sẽ tạo sự nhất quán với các chủ trương, chính sách mà nước ta đang đề ra, cũng như phù hợp với xu thế quốc tế.

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong giai đoạn 2021-2030, phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam, cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Khuyến khích hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Muốn đạt được mục tiêu trên, TS. Nguyễn Đình Cung- Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế Xã hội cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch.

Theo đó, phải cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án. Đặc biệt là không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự- TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh./.