Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại buổi họp báo về hội nghị tham vấn “Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra chiều tối ngày 23/11 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại buổi họp báo. Ảnh: Minh Trang

ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km2 (chiếm 12% diện tích cả nước).

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi – kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau.

Với tiềm năng, lợi thế, cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua, ĐBSCL đã từng bước hình thành các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn dần; đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Vùng đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một loạt các cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL từng bước hoàn thiện ngày một đồng bộ và nâng cao khả năng kết nối; các đô thị dần được mở rộng làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy là một trong số các đồng bằng trù phú, nhưng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội.

Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong ĐBSCL, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và thậm chí ngày càng gia tăng trong tương lai.

Những nguy cơ này bao gồm ngập lụt, hạn hán, mưa bão cũng như những thách thức từ thiên nhiên như sụt lún và nhiễm mặn.

“Đặc biệt, việc xây dựng các đập ở các quốc gia thượng nguồn sông Me Kong làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, cùng với việc khai thác bùn cát quá mức ở các dòng sông đã gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cần thiết phải ban hành quy hoạch vùng 2021-2030

Nhận rõ thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước…

Đối với ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 ban hành năm 2017 được xây dựng theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp và định hướng lâu dài. Trong đó, xây dựng một quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2030 và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai được coi là những nhiệm vụ quan trọng, Quy hoạch và liên kết, điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng, vùng giúp giải quyết các xung đột trong phát triển, tránh được sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu nhiều bất ổn.

Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tư vấn tiến hành phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL; xây dựng quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển Vùng. Để xây dựng nội dung quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tòa đàm và cuộc họp kỹ thuật với Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế.

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 26/11/2020 tại Cần Thơ do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND và đại diện các sở, ban ngành của các các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

6 nội dung cần tham vấn cho Dự thảo Quy hoạch

Nhấn mạnh rằng, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch.

Qua quá trình tham vấn ý kiến bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với BĐKH; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất là việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Có nên xác định vùng ĐBSCL sẽ trở thành một vùng tương đối độc lập, có hạ tầng kết nối quốc gia, quốc tế riêng để đảm bảo tính tự chủ cao hơn từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, xuất khẩu; hay là xem vùng ĐBSCL như một vùng kinh tế mở, liên kết chặt chẽ với vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ để trở thành một khối thống nhất cho toàn bộ khu vực phía Nam.

Thứ hai là về phương án phân tiểu vùng: Một trong những điểm mới trong dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.

“Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo Dự thảo quy hoạch mới đã được điểu chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120 - Biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với BĐKH và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Tuy nhiên, một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điệu kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều hệ thống nhân tạo, công trình thủy lợi lớn hiện hữu có thể phải từng bước chuyển đổi công năng hoặc dỡ bỏ để phù hợp với định hướng phân tiểu vùng mới.

Thứ ba là về việc giảm đất trồng lúa. Việc giảm đất trồng lúa cơ bản nhận được sự đồng thuận của bộ, ngành, địa phương. Theo đó, chỉ tập trung trồng lúa ở những khu vực thuận lợi nhất, không tăng sản lượng bằng mọi giá. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần làm rõ là nên giữ khoảng bao nhiêu hecta lúa và sản lượng lúa (khoảng bao nhiêu triệu tấn); cũng như việc có bỏ hoàn toàn lúa vụ 3 trên toàn vùng không.

Thứ tư là về phát triển thủy sản. Thuỷ sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô.

“Thay cho việc đề cao thủy sản, định hướng phát vùng ĐBSCL thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn do đa dạng về sản phẩm, công nghệ, nuôi trồng, chế biến và ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, đặc biệt là tài nguyên đất và nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương trong vùng đang muốn phát triển thủy sản. Do đó, đây cũng là một nội dung được thảo luận làm rõ thêm.

Thứ năm là về các trung tâm đầu mối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đĐa số ý kiến thống nhất với việc phải phát triển các trung tâm đầu mối để nâng cao hiệu quả, giá trị của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về sự phù hợp của một số vị trí, chức năng của một số trung tâm đầu mối.

Đồng thời, một số ý kiến quan ngại về tính khả thi của việc phát triển các trung tâm đầu mối này về mô hình tổ chức, cách thức vận hành, phân tích đánh giá về năng lực hiện tại và khả năng phát triển của các khu vực dự kiến đặt các trung tâm đầu mối...

“Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được thêm các ý kiến góp ý vể việc phát triển các trung tâm đầu mới để hoàn thiện thêm các luận cứ, nâng cáo tính khả thi, sự phù hợp của các nội dung đề xuất”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Thứ sáu là về định hướng phát triển đô thị. Cho biết còn có ý kiến khác nhau về việc nên tập trung phát triển chuối đô thị động lực dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng. TP. Hồ Chí Minh về phía Đông và kết nối với Campuchia về phía Tây; hoặc phát triển đô thị theo mô hình phân tán nhằm hướng tới sự phán triển cần bằng, đồng đều trên toàn vùng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, đây là một nội dung quan trọng ảnh hưởng đến phương hướng tổ chức không gian phát triển của vùng; đồng thời đòi hỏi sự thống nhất của các địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, đặc biệt là định hình không gian phát triển của các tỉnh, thành phố theo hướng gia tăng mật độ ở các khu vực ưu tiên phát triển theo quy hoạch vùng đã đề ra.

“Điều này nhằm tránh tình trạng phát triển phân tán, rời rạc, thiếu gắn kết giữa các địa phương, làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư phát triển hạ tầng về liên kết vùng, qua đó ảnh hưởng đến tổng thể phát triển của toàn vùng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ rõ rằng, việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận tích hợp là một vấn đề mới, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc này đòi hỏi việc huy động trí tuệ tập thể của bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động để đảm bảo xây dựng được bản quy hoạch có chất lượng tốt, hiệu quả, khả thi, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đâu tư, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực và điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu./.